“Gỡ khó” cho phụ nữ kinh doanh online
(PNTĐ) - Các chuyên gia chỉ ra nghịch lý, phụ nữ làm kinh doanh online vẫn bị nhiều người xem là không có công việc và phải đảm nhận tất cả việc nhà.
Nhiều phụ nữ thành công khi áp dụng kinh doanh online
Hợp tác xã chè Hảo Đạt thành lập từ năm 2016, được hình thành từ một tổ hợp tác, do chị Đào Thanh Hảo làm chủ. Trải qua quá trình nỗ lực phát triển, đến nay hợp tác xã không chỉ là đơn vị chế biến chè chất lượng hàng đầu Thái Nguyên (đơn vị sản xuất chè duy nhất của tỉnh Thái Nguyên có sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia về trà) mà còn là một điểm đến hấp dẫn về du lịch cộng đồng.
Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất, cung cấp ra thị trường các loại chè sạch, chè an toàn, chị Hảo còn đứng ra liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong xã, đặc biệt là các sản phẩm của chị em phụ nữ.
Hằng năm, chị Hảo đứng ra tổ chức trên 10 lớp tập huấn để phổ biến kiến thức cho các thành viên, tổ hợp tác, các hộ dân liên kết về cách trồng, chăm sóc, sản xuất, chế biến chè theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ theo từng mùa vụ để đạt giá trị kinh tế cao. Những việc làm của chị Hảo và HTX chè Hảo Đạt đã góp phần đem lại giá trị kinh tế cho quê hương và chính những người phụ nữ tại cộng đồng.
Chị Sùng Thị Lan, đến từ bản Tả Van, tỉnh Lào Cai, đứng ra thành lập tổ hợp tác sản xuất các sản phẩm như vỏ gối, ví cầm tay… vô cùng tinh xảo và được du khách yêu thích từ vải lanh làm bằng sáp ong. Đây cũng là mong muốn gìn giữ lại nghề vẽ họa tiết trên vải lanh bằng sáp ong của đồng bào đang có nguy cơ bị mai một của chị, đồng thời giúp nhiều chị em địa phương có thêm thu nhập.
Chị Lan cho biết: “Sáp ong có hai khoảnh màu vàng và màu nâu. Màu vàng là sáp non, màu nâu là lớp sáp già, bóp cho hai loại sáp đó chảy hết mật rồi nấu mỗi loại ra một nồi khác nhau. Nấu cho đến khi nóng chảy thành nước cốt, lấy mỗi thứ một ít bỏ vào bát, trộn đều và đặt lên bếp. Nếu trộn hai thứ ngay từ đầu thì lên váy sẽ không được đẹp. Chảo để nấu sáp ong bao giờ cũng để nóng ở trên bếp. Nếu không nóng như thế, sáp sẽ bị khô và không dính vào váy”...
Những cơ sở kinh doanh như chị Lan, chị Hảo đều áp dụng công nghệ số trong kinh doanh, giới thiệu sản phẩm. Các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động nhiều hơn trên mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, đã có nhiều đơn đặt hàng đến từ nhiều vùng miền trên cả nước. Hiện tại, các chị đã xây dựng được một mạng lưới bán hàng trực tuyến giúp mở rộng quy mô doanh nghiệp của mình một cách đáng kể, trong đó, nhiều phụ nữ ở địa phương trở thành những người livestream, giới thiệu, kinh doanh sản phẩm của chính địa phương mình bằng trên các nền tảng xã hội. Dù vậy, chính họ cũng đang gặp những rào cản lớn trong việc chăm sóc không lương và định kiến của mọi người với việc bán hàng online
Vẫn còn định kiến với bán hàng online
Nghiên cứu ban đầu về Vai trò của công nghệ số đối với công việc chăm sóc không lương của phụ nữ kinh doanh cho thấy, các giải pháp công nghệ số (CNS) được ứng dụng ngày càng nhiều để ươm mầm, tiếp sức cho các sáng kiến kinh doanh của phụ nữ, giải quyết áp lực công việc chăm sóc không lương cho phụ nữ kinh doanh như hỗ trợ tạo môi trường kinh doanh cho phụ nữ khởi nghiệp; giúp cân bằng công việc chăm sóc không lương, không còn gò bó về thời gian, nơi chốn; Các dịch vụ tài chính số gia tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho phụ nữ và hộ kinh doanh…
Kinh doanh dựa trên Facebook (95%), Zalo (42%), Tiktok (46%); 35% có trang cộng đồng, facebook KD cá nhân; Phần lớn chọn kinh doanh online để chủ động công việc & cuộc sống: “tự do”, “làm chủ”, “linh hoạt”. Nam giới tham gia hỗ trợ việc nhà cho phụ nữ tham gia kinh doanh, dạy con và hỗ trợ con học bài.
Bà Trần Thị Thu Hà, Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, công nghệ số, thiết bị điện tử gia dụng làm thay đổi thói quen sinh hoạt gia đình, giảm tổng thời gian làm việc nhà. Một số phụ nữ cho biết thời gian làm việc nhà vào buổi tối giảm bớt nhờ có các thiết bị điện tử, công nghệ số. Phụ nữ trẻ và người lớn tuổi đều thích mua sắm trực tuyến: do tiết kiệm thời gian, tính sẵn có; đa dạng sản phẩm, dịch vụ giao hàng tận nhà, ưu đãi giảm giá, các lựa chọn mua hàng sẵn có, cổng thanh toán tiện lợi.
Nhiều phụ nữ đánh giá cao hệ thống camera có thể giám sát các hoạt động ở nhà (con/cháu ăn uống, chuẩn bị đi học, trông nom cha mẹ lớn tuổi), tại điểm kinh doanh, tạo điều kiện phụ nữ gia tăng hoạt động xã hội, họp tổ TK&VV, văn nghệ quần chúng, giao hàng kinh doanh…
Bà Hà cũng cho rằng, dù vậy, nhóm phụ nữ khu vực miền núi, dân tộc thiểu số, do chí phí tài chính và tập quán địa phương, khiến họ không thể tiếp cận được công nghệ số và một số thiết bị điện tử để giảm bớt việc nhà. Một số dịch vụ giúp việc theo giờ/trên ứng dụng số chưa xuất hiện/phổ biến ở khu vực miền núi, DTTS, nông thôn. Năng lực số khác biệt do tiếp cận, sử dụng các thiết bị số khác nhau (máy tính bảng, PC, laptop, ĐTDĐ…)1 bộ phận không nhỏ phụ nữ cao tuổi còn gặp khó khăn trong thao tác sử dụng CNS (lý do, tuổi cao, sức khỏe, thói quen…). Phụ nữ kinh doanh vẫn đảm nhiệm chính CVCSKL do các quan niệm văn hóa về vai trò giới vẫn tiếp tục chi phối (ở các mức độ khác nhau tùy theo trải nghiệm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống…)…
“Công nghệ số và các thiết bị điện tử gia dụng thông minh góp phần giảm bớt thời gian làm việc nhà, nhưng chưa tác động đáng kể đến sự phân bổ lại vai trò chăm sóc gia đình của phụ nữ kinh doanh, do các quan niệm về vai trò giới, điều kiện tài chính, khác biệt môi trường sống (nông thôn, miền núi, thành thị), năng lực số…; Khác biệt giữa thành thị & nông thôn, giữa dân tộc thiểu số về tiếp cận, sử dụng các dịch vụ chăm sóc, giúp việc dựa trên nền tảng số ở các nhóm PNKD”-bà Hà nói.
Chia sẻ tại tọa đàm: “Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ: Cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phối hợp Quỹ Châu Á tại Việt Nam tổ chức mới đây, ông Filip Graovac – Phó trưởng đại diện văn phòng Quỹ Châu Á tại Việt Nam chỉ ra, công việc chăm sóc không lương (bao gồm chăm sóc con cái, người già và các công việc nội trợ) vẫn là một gánh nặng lớn đối với phụ nữ ở Việt Nam, đặc biệt là những người đang điều hành các doanh nghiệp nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hải Đường, Tổng giám đốc Tổ chức tài chính vi mô TNHH Thanh Hóa phân tích: “Việc đảm nhận nhiều vai trò, ngoài điều hành doanh nghiệp, nữ doanh nhân phải kiêm nhiệm chăm sóc gia đình, con cái khiến họ mệt mỏi, khó khăn trong cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân”.
Trước thực tế này, các chuyên gia nhấn mạnh phải tiếp tục tuyên truyền sự tham gia của nam giới trong các công việc nhà; khuyến khích sự phát triển và sử dụng dịch vụ chăm sóc người già, trẻ em...
PGS. TS Bùi Quang Tuấn, Phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam bày tỏ: “Làm thế nào để nam giới hiểu hơn về công việc nhà của phụ nữ; cần phải thay đổi nhận thức, định kiến, văn hóa của xã hội. Điều này có thể đòi hỏi một thời gian dài nhưng đây là cuộc tranh đấu “chính nghĩa”, chắc chắn sẽ thành công”.
Để cân bằng công việc và việc nhà, bên cạnh sự chung tay của người đàn ông trong gia đình, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh sự tham gia của phụ nữ vào các nền tảng số, ứng dụng chuyển đổi số và khoa học công nghệ sẽ mang lại hiệu quả cao.
Ông cho rằng, phụ nữ tham gia chuyển đổi số sẽ mang lại được nhiều lợi ích như giúp quản trị tốt, tăng hiệu quả và năng suất, giảm chi phí, mở rộng thị trường và kết nối doanh nghiệp. Việc giao lưu của phụ nữ khó khăn hơn nam giới nhưng khi kết nối trên mạng sẽ thuận tiện hơn.