Hà Nội:

Gỡ khó vùng nguyên liệu để phát triển làng nghề truyền thống

THIỆN TÂM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mặc dù có nhiều lợi thế để phát triển các làng nghề truyền thống, nhưng thực tế cho thấy tại các làng nghề trên địa bàn Hà Nội đang gặp khó khăn trong khâu cung cấp nguyên liệu, nguồn cung không đáp ứng cầu, ảnh hưởng đến việc sản xuất và tiêu thụ của các sản phẩm làng nghề.

Gỡ khó vùng nguyên liệu để phát triển làng nghề truyền thống - ảnh 1
Làng nghề mây, tre đan Phú Vinh (Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ). Ảnh: VGP/Thiện Tâm

Nguồn cung nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, ở Việt Nam có rất nhiều nghề, làng nghề sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ mỹ nghệ, gốm, lụa... Trong đó có nghề mây, tre, lá, cỏ phong phú nhất như dòng họ mây có tới 20 loại, dòng họ tre có tới trên 30 loại, dòng họ lâ có tới 15 loại, dòng họ cỏ cũng có tới hàng chục loại để đưa vào sản xuất các mặt hàng khác nhau, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu với đặc thù riêng của nghề. Mây, tre, lá, cỏ là các loại thuộc lâm sản ngoài gỗ, phát triển tại các vùng đồng bằng trung du và miền núi có khí hậu nhiệt đới nên các loại cây phát triển rất nhanh. 

Ở một số địa bàn đồng bằng được trồng ở những vùng đất trống; còn ở miền núi vẫn đang ở tình trạng mọc tự nhiên, phân bổ không đều trên diện tích rộng. Vì vậy việc khai thác còn rất nhỏ lẻ, khó khăn. Người đi khai thác các loại cây nguyên liệu còn chưa biết có kỹ thuật xử lý và bảo quản, giảm các đặc tính của nguyên liệu làm ảnh hưởng đến chất lượng.

Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Trung, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ), nói về nguyên liệu mây tre lá cỏ đang có ở địa bàn Hà Nội như: Huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thanh Oai, Thạch Thất và ở một số huyện khác. Nhưng số lượng này chỉ đáp ứng được 20% nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của thị trường. Do đó, các doanh nghiệp đã tự đi tìm những vùng nguyên liệu để tổ chức thu mua, hướng dẫn kỹ thuật khai thác và xử lý, bảo quản. Tuy nhiên, mỗi địa bản chỉ được 4-5 nhóm, mặc dù nguyên liệu mây, tre, lá, cỏ các tỉnh miền Trung trở ra cho hết miền Bắc, tỉnh nào cũng có nhưng nhiều nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Tuy vậy, tại địa bàn có vùng nguyên liệu lại thiếu làng nghề chỉ mới kết nối ở mỗi nơi xây dựng thành cơ sở cung cấp nguyên liệu, chỉ được 4 – 5 nhóm, có nhiều vùng ở các tỉnh miền núi có khả năng khai thác thì họ chưa đủ sức tin tưởng để tổ chức khai thác. Nhiều doanh nghiệp thiếu thông tin về các vùng nguyên liệu, trữ lượng nguyên liệu...Do vậy, sản lượng khai thác nguyên liệu chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nguyên liệu.

Theo ông Nguyễn Văn Trung, mặc dù nguồn nguyên liệu ở các vùng đồng bằng trung du trên địa bàn Hà Nội không trồng thêm, nhưng kể từ khi nhà nước giao đất, giao rừng đến nay, nguồn nguyên liệu này đã được các chủ sở hữu bảo tồn, phát triển diện tích trồng nguyên liệu, tổ chức khai thác để bán ra thị trường, đáp ứng nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp, làng nghề sản xuất.

Thực tế cho thấy nguồn cung nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu cần sử dụng nguyên liệu của các doanh nghiệp và các làng nghề. Các doanh nghiệp triển khai các đơn hàng lớn còn e dè việc nguồn nguyên liệu có đủ và dảm bảo phục vụ quá trình sản xuất ổn định. Nơi khai thác nguồn nguyên liệu còn thiếu kinh nghiệm về quy trình, kỹ thuật và bảo quản. Do vậy khi cung cấp nguyên liệu cho thị trường không đáp ứng được nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng nguyên liệu, số lượng lớn nguyên liệu phải loại bỏ, tình trạng khan hiếm xảy ra, dẫn đến giá thành nguyên liệu tăng cao, tăng chi phí sản xuất sản phẩm, gây khó khăn cho các doanh nghiệp và người sản xuất.

Bên cạnh đó, thông tin hai chiều kết nối giữa người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu đầu vào còn hạn chế, nguồn cung không đáp ứng cầu, do vậy gây khó khăn trong việc sản xuất và tiêu thụ của cả hai bên.

Vì vậy để đẩy mạnh liên kết vùng nguyên liệu, theo ông Nguyễn Văn Trung cần phải tổ chức các chương trình hội thảo để kết nối người sản xuất và người cung ứng nguyên liệu, từ đó mở rộng các cơ hội hợp tác của các bên nhằm khai thác và phát huy tôi đa tiềm năng các nguồn nguyên liệu, đẩy mạnh phát triển sản xuất các mặt hàng mây tre lá cỏ đa dạng, chất lượng.

Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ đào tạo về kỹ thuật, phát triển các đề tài nghiên cứu khoa học để phát triển và khai thác đa dạng các nguồn nguyên liệu khác nhau thay thế một số loại nguyên liệu đã bị khan hiếm; hoặc khắc phục hạn chế nhược điểm một số loại loại nguyên liệu nhằm cung ứng cho thị trường nguồn nguyên liệu đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng.

Đồng thời hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện cho người khai thác vùng nguyên liệu đầu tư cơ sở chế biến nhà kho, các thiết bị chế biến và xử lý nguyên liệu. Triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm làng nghề ở thị trường trong và ngoài nước, từ đó sẽ tác động đến việc khai thác và sử dụng nguyên liệu.

Gỡ khó vùng nguyên liệu để phát triển làng nghề truyền thống - ảnh 2
Sản phẩm miến dong của Công ty cổ phần thực phẩm Minh Dương (xã Minh Khai, Hoài Đức) thu hút nhiều người tiêu dùng trên địa bàn thành phố. Ảnh|: VGP/Thiện Tâm.

Cần đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ

Tại làng nghề xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, vốn là một xã thuần nông, cuộc sống có nhiều khó khăn, nghèo đói. Nhưng người dân đã chủ động học hỏi, tự nghiên cứu ứng dụng để nghiên cứu ra các ngành nghề sản xuất nâng cao thu nhập. Ban đầu làm những nghề thủ công đơn giản chủ yếu sử dụng sức người, dần dần sử dụng máy móc ngày càng hiện đại để phát triển sản xuất. Những năm ban đầu, xã Minh Khai đã phát triển nghề làm miến với 12 hộ sản xuất và hàng trăm hộ sản xuất các loại tinh bột sắn, dong riềng, khoai tây mang lại kinh tế, thu nhập cho người dân.

Trải qua quá trình phát triển đến nay trên toàn xã có hơn 500 hộ gia đình và doanh nghiệp sản xuất đa dạng các sản phẩm như bản – phở khô, miến, tinh bột sắn, tinh bột dong riềng, tách vỏ đỗ xanh, bánh kẹo, bim bim, nước ngọt, vỏ bao bì, cơ khí dân dụng...

Nhờ có nhiều nghề mà hầu hết người dân địa phương trong độ tuổi lao động có việc làm tạo ra thu nhập. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên toàn xã đạt 64 triệu đồng/người/năm. Xã Minh Khai hiện nay không còn hộ nghèo.

Theo đại diện làng nghề xã Minh Khai, địa phương có được sự phát triển kinh tế tương đối đồng đều là nhờ có nghề sản xuất miến và bún – phở khô là nghề trọng tâm, chủ lực của địa phương, ngành nghề đã tồn tại và phát triển suốt mấy chục năm qua, truyền qua nhiều thế hệ đã mang lại nguồn thu nhập tương đối ổn định. Từ đó nhiều gia đình xây dựng được nhà ở kiên cố nuôi con học hành thành đạt, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi.

Phát triển các ngành nghề tại địa phương đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng sản xuất nông nghiệp (công nghiệp chiếm khoảng 77,7%, thương mại dịch vụ 20,1%, nông nghiệp 2,2%...). Với những kết quả đạt được, Minh Khai là một trong ba xã đầu tiên của huyện Hoài Đức hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tuy nhiên, việc duy trì và phát triển nghề sản xuất miến dong, bún – phở khô ở Minh Khai vẫn gặp một số khó khăn, đòi hỏi phải bỏ nhiều sức lao động trực tiếp do đó lực lượng lao động trẻ tại địa phương dần dịch chuyển nghề khác. Bên cạnh đó, các hộ gia đình chủ yếu sản xuất tại khu vực nhà ở cho nên ít hộ gia đình có điều kiện để mở rộng sản xuất. Do địa phương chưa có khu vực riêng biệt từ ngoài khu dân cư để làm nơi chuyên sản xuất, cho nên đa số các hộ gia đình làm nghề sản xuất miến dong đang thiếu mặt bằng để lắp đặt hệ thống sấy khô sản phẩm thay cho phơi ngoài trời.

Miến dong chủ yếu tiêu thụ tốt vào dịp cuối năm cho nên thời gian sản xuất một năm chỉ khoảng hai đến ba tháng, trong khi đó nhiều nơi cũng sản xuất miến dong dẫn đến lượng tiêu thụ miến Minh Khai ngày càng giảm.

Bún - phở khô tuy sản xuất quanh năm nhưng hiện cung đang vượt cầu do đó ngày công lao động không tăng, trong khi chi phí cuộc sống ngày càng cao. Với đặc thù là một xã nhỏ, diện tích đất tự nhiên ít nên không đủ diện tích để sản xuất nguyên liệu đầu vào cho làng nghề. Nguyên liệu để sản xuất chủ yếu phải chuyển từ địa phương khác đến từ nhiều nguồn khác nhau, cho nên chất lượng không đồng đều làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm sản xuất. Trong khi đó yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe, không chỉ cạnh tranh về giá mà còn phải khẳng định được chất lượng sản phẩm. Do nhu cầu nguyên liệu đầu vào trong một năm rất lớn cho nên đây là khó khăn đòi hỏi các đơn vị, ban ngành cùng tìm ra phương hướng tháo gỡ.

Vì vậy, để đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào cho nghề sản xuất miến dong của địa phương, với đặc thù của bột dong làm nguyên liệu sản xuất miến có chất lượng khác nhau tùy theo vùng miền trồng củ dong, cho nên cần chọn bột dong ở những vùng chất lượng bột tốt, sạch cát trong quá trình sơ chế. Đồng thời cần có sự liên kết chặt chẽ với vùng trồng nguyên liệu thông qua xây dựng mối quan hệ mật thiết giữa các địa phương.

Bên cạnh đó phải có cơ chế quản lý tốt khung giá, cam kết về khung giá thu mua bột để bên cung chuyên sản xuất, xây dựng mối liên kết được lâu dài. Cần có công tác quy hoạch vùng sản xuất rất cụ thể, chi tiết, đồng thời tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân trồng trọt theo định hướng, tránh việc tự phát của nhân dân đảm bảo cung đủ cầu.

Khuyến khích doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn, đầu tư liên kết với nông dân xây dựng, phát triển các chuỗi sản xuất tập trung từ trồng, thu mua bảo quản đến chế biến, tiêu thụ. Đặc biệt, cần đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biển. Tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ phục vụ cho sản xuất, phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.