Hà Nội hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025

M.THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng ngày 5/6/2025, tại quận Nam Từ Liêm, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 với chủ đề "Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương", hướng đến kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình trong việc nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống, đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển gia đình Thành phố đến năm 2030. Theo số liệu thống kê, trong 10 năm qua, số vụ bạo lực gia đình ở thành phố ngày càng giảm đáng kể. Từ 331 vụ được phát hiện năm 2014, con số này đã giảm xuống còn 263 vụ năm 2017 và chỉ còn 24 vụ trong năm 2024. Đa số các nạn nhân đều được tư vấn về tinh thần, tâm lý và chăm sóc y tế kịp thời.

Hà Nội hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 - ảnh 1
Đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025.

Ông Phạm Xuân Tài chỉ ra rằng, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế đã đem lại những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhưng đồng thời cũng nảy sinh những thách thức đối với các gia đình. Bạo lực gia đình đã và đang trở nên nhức nhối trong xã hội hiện đại, gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm, thậm chí tính mạng của thành viên trong gia đình, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như người già, phụ nữ, trẻ em. 

Hà Nội hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 - ảnh 2
Ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh vai trò quan trọng của gia đình .

Bạo lực gia đình không chỉ làm xói mòn các giá trị truyền thống tốt đẹp mà còn là nguyên nhân suy giảm hạnh phúc và sự bền vững của gia đình, tác động tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội, làm mất an toàn trật tự xã hội. Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Thành phố Hà Nội nhấn mạnh: "Mỗi chúng ta cam kết sẽ làm hết sức mình để thực hiện mục tiêu của Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới trên địa bàn Thành phố là: “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình".

Tại hội nghị, bà Đỗ Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND thành phố Hà Nội về phòng, chống bạo lực gia đình, quận Nam Từ Liêm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Ngoài hoạt động tích cực của 141 Ban công tác mặt trận các tổ dân phố trong việc vận động nhân dân giữ gìn sự đoàn kết, yêu thương, chia sẻ trong cộng đồng, quận Nam Từ Liêm còn có 22 câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững, 22 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình. Duy trì và nhân rộng các mô hình, các câu lạc bộ xây dựng gia đình phát triển bền vững, các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình tại các tổ dân phố trên địa bàn quận.

Hà Nội hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình năm 2025 - ảnh 3
Tiết mục văn nghệ tại chương trình.

Để thực hiện mục tiêu "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tạo chuyển biến về nhận thức, hành động trong phòng, chống bạo lực để từng bước giảm dần bạo lực gia đình, kịp thời hỗ trợ người bị bạo lực gia đình", lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao đã đề nghị 5 nhiệm vụ trọng tâm: Lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình và tổ chức tốt các hoạt động ở địa phương, cơ quan, đơn vị theo các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Các sở, ngành, địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng nhiệm vụ, đề án, kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Phối hợp xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số thực hiện công tác gia đình và trẻ em ở cộng đồng. Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình sao cho phù hợp với từng đối tượng, văn hóa của vùng miền, đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đa dạng hóa phương thức, các loại hình, sản phẩm thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng, chống bạo lực gia đình. Giải quyết kịp thời khiếu nại, tố cáo về các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Kêu gọi các tầng lớp nhân dân, cộng đồng trong xã hội tham gia mạnh mẽ hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Thành phố, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng.

Cũng tại hội nghị, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng Viện Thông tin Khoa học xã hội, Viện hàn lâm KHXH Việt Nam đã chia sẻ những thông tin, kiến thức, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình cùng quy định của pháp luật có liên quan, giúp các đại biểu có cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về vấn đề này.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bão số 1: Mưa lũ làm 7 người chết và mất tích với nhiều thiệt hại tại các địa phương

Bão số 1: Mưa lũ làm 7 người chết và mất tích với nhiều thiệt hại tại các địa phương

(PNTĐ) -Thông tin mới nhất từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), mưa lũ do bão số 1, tính đến 18 giờ ngày 14/6 đã làm 5 người chết (Quảng Trị 3, Quảng Bình 2) và 2 người mất tích ở Quảng Bình; 70.643 ha lúa, hoa màu bị ngập (Hà Tĩnh 630 ha, Quảng Bình 21.254 ha, Quảng Trị 25.110 ha, Huế 23.649 ha); 2.259 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại do ngập, cuốn trôi (Quảng Bình 1.553 ha, Quảng Trị 624 ha, Đà Nẵng 33 ha, Quảng Nam 49 ha).
Truyền cảm hứng STEM cho học sinh phổ thông

Truyền cảm hứng STEM cho học sinh phổ thông

(PNTĐ) - Solve for Tomorrow on Tour là hoạt động nằm trong khuôn khổ cuộc thi Samsung Solve for Tomorrow 2025 - cuộc thi thường niên do Samsung khởi xướng nhằm khuyến khích học sinh THCS và THPT áp dụng kiến thức STEM để giải quyết các vấn đề xã hội.
Thay đổi nhận thức xã hội về phụ nữ trong khoa học công nghệ thông qua truyền thông

Thay đổi nhận thức xã hội về phụ nữ trong khoa học công nghệ thông qua truyền thông

(PNTĐ) - Báo chí là một kênh thông tin mạnh mẽ, không chỉ truyền tải các câu chuyện về thành công của phụ nữ mà còn tạo ra không gian để tôn vinh và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào các ngành Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM). Thông qua các bài viết, phóng sự hoặc chiến dịch truyền thông, báo chí giúp xóa bỏ định kiến giới, khuyến khích phụ nữ tự tin theo đuổi đam mê và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ bình đẳng trong lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN).