Hà Nội phục hồi du lịch thích ứng an toàn với Covid-19
UBND TP Hà Nội đã công bố kịch bản, lộ trình mở cửa, phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 với những mục tiêu, giải pháp cụ thể nhằm chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón khách du lịch trong nước và quốc tế.
Hoạt động du lịch tại Hà Nội trong những ngày tới dự báo sẽ sôi động khi thành phố đã cho phép mở lại một số dịch vụ vui chơi giải trí và điểm di tích. Các hoạt động này cũng nằm trong giai đoạn 1 (quý I và II/2022) của lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch theo Kế hoạch số 43/KH-UBND ngày 10/2/2022 vừa được UBND thành phố ban hành. Trong giai đoạn này, thành phố chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để tổ chức đón khách du lịch trong nước và khách quốc tế khi được Chính phủ cho phép gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn.
Từ những tiền đề đạt được, trong giai đoạn 2 (bắt đầu từ quý III/2022), thành phố dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Đồng thời triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vắc-xin cao và kiểm soát tốt dịch bệnh. Với lộ trình này, năm 2022, thành phố phấn đấu đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 - 2 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt hơn 35 nghìn tỷ đồng.
Tình hình dịch bệnh được kiểm soát, hoạt động du lịch được phục hồi, phân tích dữ liệu từ công cụ tìm kiếm Google Destination Insights cho thấy: TP Hà Nội là một trong 10 điểm đến của Việt Nam được du khách tìm kiếm nhiều nhất.
Vì vậy, để nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển, trong thời gian tới TP Hà Nội tập trung quảng bá, xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, trong đó chú trọng nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến gắn với di sản-di tích làng nghề; sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác tour truyền thống.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực, tuyến phố đi bộ theo chủ đề; xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp tại một số huyện có tiềm năng, thế mạnh như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng… Liên kết, kết nối với các tỉnh, thành xây dựng sản phẩm du lịch an toàn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch.
Dự kiến, trong hai năm 2022-2023, Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 20 chương trình, hoạt động như lễ hội du lịch Hà Nội; lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội; festival Áo dài Hà Nội; loạt chương trình quảng bá sản phẩm, điểm đến Hà Nội tại TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên và một số thị trường quốc tế.
Du khách trải nghiệm du lịch nông nghiệp nông thôn tại huyện Phú Xuyên, ngoại thành Hà Nội. Ảnh: PV
Tăng thêm trải nghiệm và sức hấp dẫn cho du khách
Du lịch hậu Covid-19, hầu hết các điểm đến trong cả nước đều tự làm mới bằng việc gia tăng trải nghiệm cho du khách. Du lịch Hà Nội không phải là ngoại lệ. Chị Đỗ Thuý An ở phường Khương Trung, quận Thanh Xuân cho biết: Gia đình chị đã nhiều chuyến du lịch ngay tại nội đô bằng các phương tiện khác nhau như xe đạp, bộ hành… với nhiều tour du lịch thú vị, phù hợp với điều kiện kinh tế và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Tuy nhiên, so với tiềm năng của thành phố với dày đặc các di tích lịch sử, làng nghề truyền thống thì số lượng tour mới của Hà Nội còn khiêm tốn.
Phó Giám đốc công ty Vietravel Phạm Văn Bảy cho biết: Sau khi hoạt động du lịch trong cả nước được phục hồi, công ty tổ chức tour trọn gói khép kín đến các tỉnh phía Bắc và nhận được sự hưởng ứng của du khách các tỉnh phía Nam. Bám sát chủ trương của Chính phủ, công ty đang có kế hoạch giới thiệu tour và đón khách quốc tế ở các thị trường truyền thống trở lại Việt Nam. Vì vậy, công ty sẽ sẵn sàng thiết kế các sản phẩm phù hợp để du khách trong và ngoài nước khám phá vẻ đẹp của thành phố. Đại diện Vietravel kiến nghị thành phố nên có những chính sách kích cầu du lịch để “níu chân” du khách lưu trú dài ngày.
Đồng tình với lộ trình mở cửa du lịch của thành phố, đại diện các công ty du lịch lữ hành cũng mong muốn Hà Nội sớm “nới lỏng” một số dịch vụ giải trí như thời gian hoạt động của dịch vụ nhà hàng thuận tiện cho lịch trình di chuyển, khám phá của du khách; đẩy nhanh và mở rộng “hành lang du lịch xanh”, tăng cường liên kết với các đơn vị vận chuyển (hàng không, xe khách), các điểm đến, nhà hàng, khách sạn ở các tỉnh lân cận và khu vực miền Trung, miền Nam xây dựng sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn với du khách. Trong đó, cần chú ý xây dựng tour phù hợp với sự thay đổi trong dịch chuyển hiện nay của du khách như đi theo nhóm nhỏ, tới các điểm đến mới, thân thiện với môi trường và an toàn.
THẢO NGUYÊN