Hà Nội: Sôi động thị trường hoa, cây cảnh

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Đầu năm, thị trường cây xanh, cây hoa vẫn đang sôi động bởi nhu cầu tăng cao của khách hàng. Nắm bắt xu thế đó, nhiều nhà vườn, hộ gia đình đã kịp thời mở rộng quy mô rộng trồng, đa dạng các loại hoa, cây cảnh.

Xu hướng đưa thiên nhiên vào nhà

Hà Nội: Sôi động thị trường hoa, cây cảnh  - ảnh 1
Khách chọn mua hoa cây cảnh ở nhà vườn trên đường Tố Hữu

Ngắm đi ngắm lại những cây cảnh ở các cửa hàng trên đường Tố Hữu, chị Nguyễn Tuyết Nhung (ở chung cư Ecolife, số 58 Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) đã chọn mua cây xanh có tên Hạnh Phúc cao chừng 70cm có giá 400.000 đồng và 1 cây hồng thơm Mê Linh giá 200.000 đồng để trồng ở văn phòng công ty. Theo chị Nhung, cây xanh Hạnh Phúc có lá, thân to, dễ trồng, cây hoa hồng hơi khó chăm nhưng lại được yêu thích nên dịp đầu năm nào chị cũng chọn mua, và trồng cây hoa, cây xanh tạo không gian trong lành, giúp cân bằng tinh thần trong môi trong làm việc.

Chị Nguyễn Thị Du (quê ở Đông Hưng, Thái Bình)- chủ cửa hàng cây cảnh đã hướng dẫn chị Nhung cách chăm sóc cây như tưới nước, bón đạm, phân, đặt ở nơi có ánh nắng nhiều thì cây sẽ sinh trưởng tốt hơn. Chị Du cho hay: Tôi nhập cây ở nhiều nơi như hoa hồng nhập ở huyện Mê Linh, các loại hoa khác ở Văn Giang (Hưng Yên), cây xanh ở Bắc Ninh, Thái Bình… Cửa hàng có vị trí ở tuyến đường có mật độ người qua lại rất đông nên khách cũng đa dạng, trong đó có nhiều người mua cây để mang đến nơi làm việc.

Hà Nội: Sôi động thị trường hoa, cây cảnh  - ảnh 2
Chị Nguyễn Thị Du, chủ cửa hàng hoa, cây cảnh trên đường Tố Hữu, địa phận phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm đang chăm sóc cây

Từ trước Tết Nguyên đán đến nay, cũng trên dọc tuyến đường Tố Hữu cũng có nhiều hàng chuyên bán hoa hồng thu hút nhiều người đi đường dừng, ghé vào mua với giá 100.000 đồng/3 cây, mỗi bầu cây cao chừng 30-60cm với nhiều màu khoe sắc. Theo các nhà vườn, dịp đầu năm này một số loại hoa được tiêu thụ số lượng lớn như: Hoa hồng, cúc mâm xôi, dạ yến thảo, báo xuân, cúc tím, trạng nguyên, hồng môn, cẩm tú cầu,...

Hoa, cây cảnh được tiêu dùng theo quy luật, cuộc sống càng khá giả thì nhu cầu càng tăng cao. Với dân số gần 100 triệu người, người dân Việt Nam được đánh giá là rất ưa chuộng hoa, cây cảnh. Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh (Viện nghiên cứu Rau quả) đã đưa ra kết quả điều tra khảo sát trung bình mỗi năm, một người Việt Nam chi gần 30.000 đồng tiền mua hoa, cây cảnh.

Tại “vựa hoa” hồng huyện Mê Linh có 1.294ha đất sản xuất hoa, trong đó 1.152ha (chiếm 93,4%) trồng hoa hồng, ở 11 xã như Văn Khê, Tráng Việt, Tiền Phong, khu vực đền thờ Hai Bà Trưng, Tiến Thịnh, Đại Thịnh, Mê Linh… tạo thành hệ sinh thái hoa ở địa phương. Nhiều thế hệ gia đình người dân đã gắn bó với nghề, cung cấp cho thị trường Hà Nội, các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Đến với xã Mê Linh được xem là “thủ phủ” trồng hoa hồng số lượng lớn, trong tiết xuân, những vườn hoa hồng đang đua nhau khoe sắc dọc khắp các trục đường. Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Mê Linh cho biết, toàn xã có hơn 7.000 hộ trồng hoa trên diện tích 200ha. Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn thuê đất trồng hoa hồng ở các tỉnh khác như Sapa (Lào Cai). Theo ông Phương, người dân nơi đây rất năng động, luôn tìm kiếm nhiều giống hoa hồng mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng hoa và dần khẳng định thương hiệu hoa hồng Mê Linh.

Trồng cây tạo môi trường trong lành

Hà Nội: Sôi động thị trường hoa, cây cảnh  - ảnh 3
Nhiều người có thú vui với trồng hoa, cây cảnh

Những năm gần đây, cùng với quá trình đô thị hóa, nhà cao tầng, đường bê tông, các gia đình ở thành phố cũng mua và trồng hoa, cây xanh để tạo môi trường sống trong lành hơn. Vì vậy, nhu cầu trồng hoa trong chậu, túi bầu, khay, dùng đất hoặc trồng bằng giá thể, được trồng để trang trí trong và xung quanh nhà, ban công, sân vườn, cơ quan, công viên, đường phố nơi công cộng… cũng tăng.

Để đáp ứng nhu cầu của người dân thành thị, các hộ trồng và bán hoa ở xã Mê Linh cũng phát triển mở rộng thành các nhà vườn có quy mô rộng, đa dạng các loại cây bên cạnh hoa hồng là chủ đạo. Bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN xã Mê Linh cho biết, nhiều gia đình hội viên phụ nữ trồng hoa hồng có quy mô lớn, xuất bán hoa tiêu thụ ở Hà Nội và các tỉnh thành phố trong cả nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao, tiêu biểu như: Ở thôn 1 Hạ Lôi có chị Nguyễn Thị Thúy (nhà vườn Huy Thúy); ở thôn 4 Hạ Lôi có các chị Nguyễn Thị Minh (nhà vườn Doanh Minh); chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh (nhà vườn Hưng Ánh); chị Nguyễn Thị Hằng (nhà vườn Quang Hằng); ở thôn 3 Hạ Lôi có chị Nguyễn Thị Lý (nhà vườn Tài Lý)…

Hà Nội: Sôi động thị trường hoa, cây cảnh  - ảnh 4
Người trồng hoa ở huyện Mê Linh (ảnh Thanh Tuyền)

Được đánh giá có mức tăng trưởng trong ngành trồng hoa, cây cảnh lớn nhất cả nước, diện tích trồng hoa, cây cảnh của Hà Nội tăng mạnh từ 5.484ha năm 2015 lên 7.960ha năm 2020 và tiếp tục tăng đến nay. Hoa, cây cảnh là sản phẩm nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng nông nghiệp thông minh trên địa bàn Thủ đô. Hiện, thành phố đã có 11 làng nghề, làng nghề truyền thống về hoa, cây cảnh như: Làng nghề sinh vật cảnh thôn Cơ Giáo, Xâm Xuyên (xã Hồng Vân), thôn Nội Thôn (xã Vân Tảo), huyện Thường Tín; làng nghề trồng quất cảnh xã Tàm Xá (huyện Đông Anh); làng nghề truyền thống hoa Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm); làng nghề hoa, cây cảnh Hạ Lôi, Liễu Trì, Đại Bái (huyện Mê Linh); làng nghề cây cảnh, hoa giấy xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm); làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, làng nghề truyền thống quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ)…

Hà Nội: Sôi động thị trường hoa, cây cảnh  - ảnh 5
Những thửa ruộng hoa ở Mê Linh nhìn từ trên cao (ảnh Thanh Tuyền)

Xã Phù Đổng được UBND thành phố Hà Nội công nhận “Làng nghề hoa giấy Phù Đổng” vào năm 2020. Ngay sau đó, UBND xã Phù Đổng xây dựng thương hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng” và đề xuất UBND thành phố đánh giá là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Tiếp đó, từ năm 2021 đến nay, diện tích chuyển đổi sang trồng hoa cũng tăng, hiện có khoảng 116,3ha trồng hoa, cây cảnh. Giá trị thu nhập đối với hoa, cây cảnh khoảng 780 triệu đồng/ha/năm.

Theo một số chuyên gia, cây xanh đô thị có thể làm giảm từ 40-50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ từ 70-75% năng lượng mặt trời. Hiện, tại các quận trung tâm Thủ đô, tỷ lệ cây xanh mới đạt khoảng 1m2/người, trong khi mục tiêu vào năm 2030 là 6-7m2/người. Để nâng tỷ lệ cây xanh, giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội đặt mục tiêu trồng mới 2,9 triệu cây. Nếu hoàn thành kế hoạch này, tỷ lệ cây xanh ở Hà Nội sẽ tăng thành 8-10m2/người, tỷ lệ che phủ rừng 6,2%.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

Lưu ý khi du lịch bằng ô tô tự lái

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế Lao động 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày, nhiều gia đình chọn đi du lịch bằng xe ôtô tự lái. Để chuyến đi được an toàn, có mấy lưu ý sau:
Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp  trên VNeID

Sở Tư pháp Hà Nội hướng dẫn người dân đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID

(PNTĐ) - Hướng dẫn đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VneID) và Hướng dẫn tra cứu trạng thái hồ sơ và nhận kết quả cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID) do Sở Tư pháp Hà Nội biên soạn được đăng tải tại Trang thông tin điện tử của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Thành phố https://pbgdpl.hanoi.gov.vn/ và Cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp Hà Nội https://sotuphap.hanoi.gov.vn.
Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo

(PNTĐ) - Tối 22/4, Hội LHPN quận Đống Đa tổ chức “Đêm hội phụ nữ Đống Đa sáng tạo”. Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương; Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy; Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường đến dự.