Hà Nội tập trung hỗ trợ để đưa Đông Anh và Gia Lâm sớm lên quận

Chia sẻ

Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Đảng bộ thành phố, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết thành phố sẽ tập trung đưa Đông Anh, Gia Lâm lên quận.

Theo chương trình xây dựng nông thôn mới mà Thành ủy Hà Nội đã ban hành trước đó, giai đoạn 2021-2025 sẽ đưa 5 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng lên quận, tiếp theo là 3 huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh giai đoạn 2026-2030.

Trong số 5 huyện lên quận giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tập trung hỗ trợ cho 2 huyện Đông Anh và Gia Lâm sớm hoàn thành các tiêu chí. Quyết định này được đưa ra sau khi đã xem xét thực tiễn phát triển của các địa phương và khả năng cân đối ngân sách của thành phố.

Ảnh minh họa.Ảnh minh họa.

Đối với các chủ trương lớn của thành phố, ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu xây dựng kế hoạch nội dung công việc, tiến độ cụ thể để tập trung triển khai trong năm 2022. Cụ thể trong năm 2022 Hà Nội sẽ tập trung thực hiện: đầu tư đường vành đai 4 - vùng Thủ đô; đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập quy hoạch phát triển thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội; lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Đối với các dự án bất động sản đã giao từ thời tỉnh Hà Tây (cũ) và huyện Mê Linh trước khi sáp nhập vào Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, tổng hợp và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền. Trên cơ sở đó sẽ từng bước khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Tính đến thời điểm hiện tại Hà Nội đang có 12 quận nội thành, tăng 8 quận so với trước đây. Cụ thể, từ 4 quận lõi gồm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã tăng thêm 8 quận gồm Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Tây Hồ và Thanh Xuân. Dự kiến đến năm 2030, thành phố sẽ mở rộng thêm 8 quận nội thành, đưa số quận lên 20.

Trước mắt, Đông Anh và Gia Lâm sẽ là 2 huyện được tập trung đưa lên quận trước. Huyện Đông Anh có diện tích tự nhiên khoảng 180 km2, dân số khoảng 380.000 người, gồm 23 xã, một thị trấn trực thuộc. Huyện Gia Lâm có tổng diện tích gần 115 km2, dân số khoảng 280.000 người, 20 xã và 2 thị trấn.

Được biết, để lên quận, các huyện trong danh sách phải đạt đủ 27 tiêu chuẩn, gồm 6 tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội; 21 tiêu chuẩn về trình độ phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Trong đó có 8 nhóm tiêu chuẩn về hệ thống công trình hạ tầng xã hội, 4 nhóm tiêu chuẩn về hạ tầng kỹ thuật đô thị, 5 nhóm tiêu chuẩn về vệ sinh môi trường và 4 nhóm tiêu chuẩn về kiến trúc cảnh quan đô thị.

PHẠM NGỌC

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.
Đàn chim Lạc trở về

Đàn chim Lạc trở về

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” (loài chim mỏ dài  bay quanh mặt trời khắc trên trống đồng Đông Sơn) trở về cội nguồn đoàn tụ.