Hành trình khẳng định năng lực, vị thế
(PNTĐ) - Bức tranh bình đẳng giới thời 4.0 đã có nhiều đổi khác. Ở đó, có thể thấy bóng dáng nhiều chị em tài năng, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm với mơ ước kiếm tiền chính đáng để không ngừng nâng cấp cuộc sống.
Nhiều giới hạn thách thức phụ nữ khởi nghiệp
Người xưa có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” như mặc định vai trò của người phụ nữ là chăm sóc chồng con, quán xuyến mọi việc trong nhà.
Thế nhưng, hiện nay, trong thời kỳ hội nhập và phát triển, nhiều phụ nữ không chỉ dừng lại ở vai trò là “hậu phương” trong gia đình mà còn tự tin theo đuổi đam mê, độc lập tài chính, tự chủ kinh tế. Họ đã mạnh dạn vượt qua những quan niệm, định kiến xã hội và cả sự thiên vị giới tính để khẳng định vai trò, vị thế của mình trong việc tham gia phát triển kinh tế và khởi nghiệp thành công.
Khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh được cho là một trong những giải pháp giúp phụ nữ tự phát triển kinh tế, tạo việc làm bền vững. Hoạt động này đã từng bước giúp phụ nữ nâng cao vai trò, vị thế, tự tạo việc làm bền vững, cải thiện đời sống. Từ các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nhiều chị em đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo ở các quy mô khác nhau.
Công ty Cổ phần MISA là doanh nghiệp công nghệ hàng đầu tại Việt Nam có 30 năm kinh nghiệm triển khai các giải pháp chuyển đổi số, với gần 3.000 nhân viên đang phục vụ hơn 350.000 khách hàng tổ chức và 3,5 triệu khách hàng cá nhân. Hiện nay, MISA đã phát triển và đang trực tiếp ứng dụng Nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS tích hợp các nghiệp vụ cốt lõi của doanh nghiệp như: Tài chính - Kế toán, bán hàng, nhân sự, văn phòng số. Điều này giúp người sử dụng có thể dễ dàng nắm bắt số liệu báo cáo của công ty một cách tức thời, ra quyết định hoàn toàn dựa trên dữ liệu. Ngoài ra, những giao dịch ký kết của MISA với các khách hàng, đối tác bên ngoài được xử lý ngay trên điện thoại di động thông qua việc sử dụng chữ ký số từ xa trên nền tảng ký tài liệu số do MISA cung cấp.
Người đang “chèo lái” con tàu này là Tổng Giám đốc Đinh Thị Thúy. 26 năm làm việc tại MISA với 8 năm trong vai trò là Tổng Giám đốc, bà đã chứng kiến sự thay đổi và phát triển không ngừng của công ty cũng như ngành công nghệ thông tin của nước nhà. Và cũng chính bà đã nhận ra, phụ nữ khởi nghiệp, cũng phải trải qua muôn vàn “trầy da tróc vảy”.
“Khó khăn lớn nhất là cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình”, bà Thúy nói. Thời điểm khoảng 10 – 20 năm trước, việc hoàn thành cả hai vai trò này cùng lúc thực sự là một thử thách lớn lao. Cùng với đó là nhiều rào cản khác như, thói quen làm việc, khả năng học hỏi, chủ động cập nhật kiến thức, xu hướng của phụ nữ vẫn còn hạn chế, chị em còn ngại tìm đến cái mới. Khi điều hành doanh nghiệp, nhiều chị em chưa dám “mạnh tay” để đầu tư vào những yếu tố cốt lõi như công nghệ, đội ngũ nhân viên giỏi... Vậy nên, khởi nghiệp có khi là hành trình dễ đi vào đơn độc, ngõ cụt, bế tắc, dẫn đến sự từ bỏ.
Được thành lập từ năm 2016, đến nay, Công ty cổ phần Tinh dầu và hương liệu FAMILY đã cho ra đời hơn 60 loại sản phẩm chăm sóc cá nhân và gia đình hoàn toàn từ thảo dược thiên nhiên, phục vụ người tiêu dùng trong nước, quốc tế. Trong bối cảnh chuyển đổi số, chị Hoàng Thị Tú Oanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tinh dầu và hương liệu FAMILY đã đẩy mạnh việc tận dụng các nền tảng số, như: Zalo, Facebook, Tiktok, Shopee, Lazada... để bán hàng, qua đó giúp doanh thu của công ty tăng qua mỗi năm. Mới đây, dự án “Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp chuyển đổi xanh trong sản xuất và thương mại bộ sản phẩm dưỡng nhan - tán nám thảo mộc xanh” của công ty đã được Hội LHPN Hà Nội lựa chọn tham dự ý tưởng sản phẩm sáng tạo năm 2024 của TƯ Hội LHPN Việt Nam.
Một hành trình dài khởi nghiệp và có ý tưởng, sản phẩm được ghi nhận, đánh giá cao, chị Oanh cho hay, mình cũng từng “trầy da, tróc vảy”. Gian nan nhất trong hành trình ấy là nguồn vốn để đầu tư sản xuất. “Có lẽ đó là khó khăn chung của không chỉ chị em khi khởi nghiệp. Làm ra được một sản phẩm vừa có tác dụng tốt, hiệu quả cao, lại vừa thân thiện, bền vững với môi trường đòi hỏi công nghệ cao, thiết bị hiện đại và nhân lực có chất lượng. Những điều đó, rất... đắt và không phải ai cũng dám bỏ tiền để đầu tư’, chị Oanh nói.
Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp
Dù gặp nhiều thách thức, nhưng không thể không khẳng định, những đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp đã tạo ra giá trị mới, động lực mới, không chỉ góp phần to lớn trong phát triển kinh tế đất nước mà còn có những tác động tích cực vào giải quyết những vấn đề xã hội, góp phần ổn định chính trị - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế đó, trong thời gian qua, Hội LHPN các cấp thành phố Hà Nội đã trang bị kiến thức về quản trị kinh doanh, chuyển đổi số, xây dựng thương hiệu và thương mại điện tử cho hơn 10.000 nữ chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; hơn 11.000 phụ nữ khởi nghiệp được kết nối, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số và thương mại điện tử...
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh cho biết, để thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, Hội đã chủ động kết nối các chuyên gia công nghệ hỗ trợ 1.200 doanh nhân nữ, phụ nữ mới lập nghiệp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ, kỹ năng sử dụng hiệu quả các kênh mạng xã hội, tạo banner quảng cáo, tạo mã QR, xây dựng kênh bán hàng trực tuyến...
Còn theo Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ phát triển phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Hảo, với vai trò tham mưu cho Hội LHPN thành phố thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệp giai đoạn 2018-2025”, ngoài việc xây dựng mạng lưới chuyên gia công nghệ giúp nữ chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh có kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến, trung tâm đã triển khai dự án “Phụ nữ ứng dụng công nghệ số”; tổ chức tập huấn, hướng dẫn chị em hưởng ứng cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024; đồng thời kết nối hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ…
Ngoài ra, các cơ sở Hội LHPN trên địa bàn thành phố cũng chung tay giúp cán bộ, hội viên phụ nữ, các nữ chủ kinh doanh nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, qua đó giúp chị em có thêm cơ hội phát triển kinh tế, gia tăng doanh số bán hàng.
Phụ nữ khởi nghiệp để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Tất nhiên, việc khởi nghiệp chưa bao giờ là dễ dàng. Để có thể khởi nghiệp thành công, cùng với nỗ lực, quyết tâm, bản lĩnh của mỗi người phụ nữ, cần sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp, ngành và đặc biệt là sự đồng thuận, cổ vũ, hậu thuẫn từ phía gia đình, người thân. Từ đó, giúp phụ nữ có thêm niềm tin, sức mạnh và động lực để khởi nghiệp, vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong xã hội.