Hệ giá trị văn hóa Hà Nội trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô

PGS.TS Bùi Hoài Sơn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hà Nội đã có rất nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thương hiệu văn hóa cho mình để luôn xứng tầm là trung tâm lớn nhất về văn hóa của cả nước. Những thương hiệu lớn như Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo đã trở thành định hướng lớn cho sự phát triển Thủ đô những năm vừa qua. Bên cạnh đó, những hoạt động sôi nổi của các không gian sáng tạo, các sự kiện sáng tạo hay Tuần lễ văn hóa nghệ thuật đã biến Thủ đô thành một trung tâm lớn về văn hóa.

Đối diện với thách thức 

Có được những điểm nhấn như vậy là nhờ một phần rất lớn đến từ quyết tâm của Đảng bộ và sự chung sức của nhân dân Thành phố trong phát triển văn hóa, đặc biệt là đến từ đội ngũ doanh nhân sáng tạo, văn nghệ sĩ, trên cơ sở vốn văn hóa đồ sộ, được kết tinh qua hàng ngàn năm lịch sử, lắng đọng và tỏa sáng những giá trị văn hiến, văn minh, thanh lịch cho người Thủ đô.

Trong bối cảnh sắp tới, bên cạnh những thuận lợi, thời cơ thì những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển văn hóa, con người Hà Nội là rất lớn. Nền kinh tế thị trường, cùng với những tác dụng tích cực, cũng khiến cho con người quan tâm quá nhiều đến những giá trị vật chất, lợi ích cá nhân mà phai nhạt phần nào những giá trị tinh thần, vì cộng đồng; quá trình hội nhập quốc tế lại làm cho những giá trị bên ngoài lấp lánh, bóng bẩy dễ thu hút người dân trong nước, đặc biệt là công chúng trẻ; còn sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin với Internet và mạng xã hội đã đem đến những thế giới mới, nhanh hơn, nhiều hơn, khiến con người bị choáng ngợp, và nhiều khi không kiểm soát được hành vi của mình trên không gian mạng, và từ đó ảnh hưởng đến cuộc sống thực. 

Xã hội giờ đây khác trước rất nhiều. Thế giới trở nên phẳng hơn và thành một ngôi làng. Những gì chúng ta thấy ngày hôm nay có thể hơn cả những giấc mơ cách đây vài năm. Những vấn đề mới khiến kinh nghiệm cũ không thể bao quát và xử lý hết được. Trong những giai đoạn cụ thể, sự phát triển văn hóa và con người trở nên mất định hướng, và kết quả là chúng ta thấy khá nhiều những bất ổn, lệch chuẩn, không phù hợp đang diễn ra trong xã hội. Đó là lý do khiến chúng ta phải nghĩ nhiều hơn đến việc xây dựng hệ giá trị văn hóa cho giai đoạn phát triển hiện nay cũng như tiếp theo của đất nước nói chung, Thủ đô nói riêng.

Hệ giá trị văn hóa Hà Nội trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 1
Hội Gióng ngày đầu Xuân. Ảnh: Int

Hệ giá trị văn hóa cho Thủ đô quan trọng bởi chỗ, khi những giá trị tỏa sáng ở Thủ đô sẽ có tác dụng dẫn dắt sự phát triển văn hóa của cả nước. Đối với Hà Nội, việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được triển khai bài bản qua nhiều năm. Kết quả không chỉ dừng lại ở các bộ quy tắc ứng xử, các hoạt động được tổ chức thường xuyên mà thực sự đã đọng lại trong ý thức và hành vi của mỗi người dân Thành phố. “Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” không chỉ là câu ca dao, mà còn là niềm tự hào, lời dăn dạy và thước đo cho phẩm chất con người Hà Nội.

Bên cạnh nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của hệ giá trị văn hóa trong sự phát triển thành phố, đầu tiên, chúng ta cần tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hành các giá trị ấy.

Những hy vọng và tin tưởng 

Khi triển khai hệ giá trị văn hóa gồm dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học ở Hà Nội, chúng ta cần cụ thể hóa những nội dung này, dành sự quan tâm thích đáng, đầu tư nguồn lực phù hợp để xây dựng thành công các hệ giá trị. Phát huy giá trị dân tộc ở Thủ đô chính là cách chúng ta khai thác giá trị di sản, đặc trưng riêng có của Hà Nội để làm giàu có thêm kho tàng văn hóa của Thành phố, để tạo ra một Hà Nội có bản sắc riêng, độc đáo, trở thành sức mạnh mềm Hà Nội. Hướng đến giá trị dân chủ trong văn hóa Hà Nội chính là sự quan tâm nhiều hơn đến chăm lo sức sáng tạo, quyền thụ hưởng văn hóa nghệ thuật ở Thủ đô. Khi chúng ta tạo được môi trường tốt, kích thích sự sáng tạo qua ban hành chính sách, hình thành các không gian sáng tạo, vui chơi... chúng ta sẽ có cơ hội tuyệt vời để tạo ra tinh thần tốt cho cả thành phố và mỗi cá nhân. Đó cũng là môi trường phù hợp để nảy nở những tài năng sáng tạo cho Hà Nội và cho đất nước. Tinh thần nhân văn trong giá trị văn hóa có nghĩa là hướng đến con người, đề cao tình nghĩa, nhân ái, yêu thương con người, tôn trọng nhân phẩm. Tinh thần nhân văn trong văn hóa sẽ tạo điều kiện hình thành tinh thần nhân văn trong mọi hoạt động của xã hội, từ đó, khiến xã hội phát triển hài hòa và bền vững hơn. 

Hệ giá trị văn hóa Hà Nội trên hành trình xây dựng và phát triển Thủ đô - ảnh 2
 Hà Nội luôn giữ được những nét đẹp văn hóa ngàn đời - tiềm năng của sự phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: Int

Trong khi đó, tinh thần khoa học trong hệ giá trị văn hóa sẽ giúp cho chúng ta ý thức tốt hơn về nhiệm vụ nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức cho con người đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và xã hội học tập. Thực hành các giá trị văn hóa này không chỉ được thực hiện một cách chung chung, mà cần được cụ thể hóa hơn nữa ở từng đối tượng, nhóm người cụ thể. Việc xây dựng hệ giá trị văn hóa Hà Nội cũng không thể thực hiện chỉ dựa trên ý chí chủ quan. Chúng ta cần có sự quan tâm thích đáng, đặc biệt là đầu tư nguồn lực để định hình và triển khai các giá trị này trong thực tiễn cuộc sống. Bên cạnh nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, ý nghĩa của hệ giá trị văn hóa trong sự phát triển thành phố, đầu tiên, chúng ta cần tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hành các giá trị ấy. Đó có thể là những sự kiện tuyên truyền, tôn vinh giá trị văn hóa Thủ đô ở những giải báo chí, phong trào xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, hay những tấm gương người tốt, việc tốt. Đó cũng có thể là những không gian sáng tạo, công cộng, những công trình văn hóa như bảo tàng, nhà hát, thư viện, nhà văn hóa... để người dân có thể thực hành và thỏa mãn nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ nghệ thuật của mình... 

Đầu năm 2022, Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống đã tổ chức một cuộc tọa đàm trực tuyến “Thành phố như một tuyệt tác tập thể”. Có rất nhiều ý kiến tâm huyết liên quan đến chủ đề này. Không chỉ có một sự kiện như vậy, sau đại dịch Covid-19, rất nhiều các sự kiện khác cũng đã được tổ chức để truyền cảm hứng cho sự phát triển văn hóa Hà Nội. Tất cả chứng minh một nỗ lực lấy văn hóa, sáng tạo để bừng sáng những tiềm năng của Thành phố. 

Chúng ta tin tưởng rằng, bằng cách định hướng xây dựng giá trị văn hóa, Hà Nội của chúng ta sẽ thực sự là Thủ đô văn hóa, nơi kết tinh và tỏa sáng những tinh hoa văn hóa của đất nước, giữ nhịp đập cho sự phát triển quốc gia và tạo nên sức mạnh nội sinh cho cả dân tộc. 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.