Củ Chi, TP.HCM:

Hệ lụy từ vụ án “cố ý gây thương tích”​gần 4 năm chưa khép án

HẠNH HOA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bà Võ Thị Cẩm Linh (Củ Chi, TP.HCM) thông tin tới PV về việc rạng sáng ngày 07/10, chồng bà là ông Huỳnh Văn Thanh đã… tự vẫn. Vậy là, người đàn ông khắc khổ như nhánh cây khô bên đời ấy đã không thể vượt qua sự bế tắc cùng những cay đắng tận cùng trong cuộc sống nên chọn cách buông tay với hành trình gần 4 năm kêu oan cho mình và con trai là Huỳnh Tấn Trung... Đây là hệ lụy từ vụ án “cố ý gây thương tích” kéo dài gần 4 năm chưa khép án với sự luyến tiếc và quá đỗi thương tâm cho người trong cuộc.

Hệ lụy từ vụ án “cố ý gây thương tích”​gần 4 năm chưa khép án - ảnh 1

 Ông Huỳnh Văn Thanh trong cuộc trò chuyện với PV vào tháng 7/2024

 

Nỗi lòng ngổn ngang của người mẹ có con trai bị tạm giam gần 4 năm qua cùng  sự chết lặng trong tâm của người đàn bà vừa mất chồng trong đau đớn, bà Linh chia sẻ với PV câu chuyện của mình. Mọi việc bắt đầu từ tháng 5/2021, khi chớm bước vào tuổi 23, con trai bà là Huỳnh Tấn Trung (sinh năm 1998; hộ khẩu thường trú: Phước Hưng, Phước Thạnh, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) bị tạm giam để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 3, Điều 134, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), thời gian tạm giam bắt đầu từ ngày 29/5/2021.

Cùng với việc khởi tố, tạm giam Huỳnh Tấn Trung, bố Trung là ông Huỳnh Văn Thanh (sinh năm 1969; hộ khẩu thường trú: Phước Hưng, Phước Thạnh, Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) cũng bị khởi tố cùng điều khoản, cùng tội danh, nhưng được cho tại ngoại. Đến nay (tháng 10/2024), khi đã bước sang tuổi 27, Huỳnh Tấn Trung vẫn bị tạm giam. Tuổi hai mươi của con đang trôi qua trong trại tạm giam với tương lai mờ mịt, không biết đến bao giờ mới được về nhà? Còn ông Huỳnh Văn Thanh đã chọn cách ra đi, để lại những ngổn ngang, dày vò trăm mối. Rồi đây, người mẹ ấy sẽ phải làm gì, để đi tiếp chặng đường dang dở mà chồng bà đã theo suốt gần 4 năm qua? Và bà sẽ bám lấy điều gì trong sự việc bế tắc này, để sống tiếp?

Gạt đau thương chia sẻ với PV, bà Linh cho biết, trong suốt quá trình nhờ luật sư bào chữa cho mình và con trai, ông Thanh luôn đau đáu với câu hỏi: Con ông bị tạm giam để điều tra về tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại khoản 3, Điều 134, BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) gần 04 năm mà chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến vợ chồng ông thắc mắc rằng, tại sao với tội danh “Cố ý gây thương tích”, mà phải tạm giam lâu đến vậy? Điều tra vụ việc cố ý gây thương tích tốn nhiều thời gian vậy sao?

Hơn nữa, trong quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Củ Chi không có căn cứ xác định Huỳnh Tấn Trung phạm vào tội nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội danh đã khởi tố. Từ năm 2020 đến nay, vẫn chỉ là điều tra về tội “Cố ý gây thương tích”. Việc kéo dài thời hạn điều tra, kéo dài thời gian tạm giam Huỳnh Tấn Trung chỉ xoay quanh điều tra, gia hạn điều tra, điều tra bổ sung về tội “Cố ý gây thương tích” là có dấu hiệu không bình thường, thể hiện sự lúng túng trong điều tra.

Khi được PV đặt ra loạt câu hỏi về quá trình tạm giam Huỳnh Tấn Trung, quá trình xét xử vụ án, hành vi thực tế của Huỳnh Tấn Trung, bà Võ Thị Cẩm Linh chia sẻ rằng: Ngay từ thời điểm mới bị tạm giam, con trai tôi là Huỳnh Tấn Trung đã liên tục kêu oan. Trong các bản kiến nghị hay nêu ý kiến bào chữa gửi tới TAND huyện Củ Chi, Luật sư Phạm Hữu Quốc - luật sư bào chữa cho Huỳnh Tấn Trung trong vụ án này, đều đã phân tích chi tiết, nỗ lực làm rõ những luận điểm có thể dẫn đến hàm oan nếu kết tội Huỳnh Văn Trung, như: Cơ chế hình thành vết thương của bị hại Nguyễn Văn Châu, những lời khai không thống nhất của bị hại Nguyễn Văn Châu, lời khai mâu thuẫn của các nhân chứng,…

Luật sư cũng đã phân tích rõ những vấn đề như: Vật chứng không có dấu vân tay của bị cáo Huỳnh Tấn Trung; lời khai của các nhân chứng tại tòa không đồng nhất; có nhân chứng thấy bị cáo Huỳnh Tấn Trung không có mặt tại hiện trường; những người khai tận mắt chứng kiến bị cáo Trung gây ra, thì lời khai mâu thuẫn, lời khai không trùng khớp và sai với chứng nhận thương tích, nhân chứng đưa ra lời chứng buộc tội Huỳnh Tấn Trung vốn có mâu thuẫn với gia đình bị cáo (từng kiện cáo gia đình Trung ra xã), do đó, việc làm chứng không khách quan,...

Hệ lụy từ vụ án “cố ý gây thương tích”​gần 4 năm chưa khép án - ảnh 2

Ngôi nhà của ông Huỳnh Văn Thanh và bà Võ Thị Cẩm Linh sáng 7/10/2024, khi Công an tới hiện trường vụ tử tự ghi nhận sự việc

 

Bà Võ Thị Cẩm Linh cho biết, dù chồng bà là ông Huỳnh Văn Thanh không còn nữa, nhưng bà và người thân của ông Thanh sẽ vẫn đi tiếp con đường dang dở mà ông đã làm. Sẽ tiếp tục kêu oan cho Huỳnh Tấn Trung, kêu oan cho Huỳnh Văn Thanh và kêu oan cả cho Huỳnh Văn Khướu, Lê Duy An. “Chúng tôi sẽ không ngừng nghỉ con đường mà ông Thanh đã phải dùng cả mạng sống của mình để mong “thức tỉnh công lý”.

Ở thời điểm này, khi được biết vụ án sẽ được đưa ra xét xử vào ngày 22/10 tới đây, bà Linh khẩn thiết đề nghị, khi giải quyết vụ án này, các cơ quan chức năng hãy xem xét theo hướng: Chứng cứ đến đâu, xử lý đến đó. Nếu chưa xác định được chứng cứ có giá trị chứng minh tội phạm, thì cơ quan điều tra cần ra quyết định đình chỉ điều tra theo điểm b, khoản 1, Điều 230 Bộ luật TTHS 2015.

Nếu tiếp tục không chứng minh được một cách thuyết phục việc “có sự việc phạm tội”, không chứng minh được hành vi của Huỳnh Văn Trung cấu thành tội phạm, đề nghị các cơ quan Tư pháp của huyện Củ Chi ghi nhận và áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội. Đề nghị thả Huỳnh Tấn Trung, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo này. Đồng thời, tạo một môi trường minh bạch, công bằng trong đấu tranh, xử lý tội phạm.

Qua chia sẻ của bà Võ Thị Cẩm Linh, Báo Phụ nữ Thủ đô xin chuyển các nội dung kêu cứu của người mẹ này tới các cơ quan chức năng huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Đề nghị các cơ quan lắng nghe tâm tư nguyện vọng và những mong mỏi khẩn thiết của gia đình bà Linh; sớm công khai, minh bạch các căn cứ, trình tự, thủ tục luật định trong quá trình xử lý vụ án hình sự liên quan đến bị can Huỳnh Tấn Trung và vụ án hình sự khởi tố theo Quyết định số 237 ngày 24/7/2020.

Đề nghị xem xét, nhìn nhận về dấu hiệu “bất thường” trong việc tạm giam bị can Huỳnh Tấn Trung gần 04 năm qua; xem xét yếu tố oan sai hay bỏ lọt tội phạm trong vụ việc này. Đề nghị lưu tâm tới những nỗ lực của người cha Huỳnh Tấn Thanh trong việc dùng mạng sống để lên tiếng bảo vệ con trai mình. Trên hết, đề nghị giải quyết vụ án với tinh thần tôn trọng sự thật khách quan và đề cao tính nhân văn trong các hoạt động tư pháp. 

 

 

 

Tin cùng chuyên mục

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

(PNTĐ) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố bác sĩ Danh Sơn (36 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) về 3 tội danh: Giết người, Cướp tài sản và Tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng.
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

(PNTĐ) - BHXH TP.Hà Nội đã khẩn trương, tập trung phối hợp với cơ sở KCB tạo mọi điều kiện, đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật… để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị thương trong vụ hỏa hoạn tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào tối 18/12/2024.
Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

(PNTĐ) - Việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, để phòng tránh lừa đảo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn.