Hiểm hoạ cháy nổ tại các khu tập thể, chung cư cũ

Chia sẻ

Liên tiếp các vụ cháy nổ xảy ra thời gian gần đây đã gây thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Đặc biệt, tình trạng người dân tự ý cơi nới thêm phòng ở phía ngoài ban công, bắn hàng rào sắt xung quanh, tạo thành “chuồng cọp” gây khó khăn cho quá trình chữa cháy và thoát hiểm khi cháy nổ xảy ra.

Hiểm họa cháy nổ từ những “chuồng cọp”

Vụ hoả hoạn xảy ra tại số nhà 116 B9 Kim Liên (ngõ 65 Phạm Ngọc Thạch, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội) vào nửa đêm 21/4/2022 đã để lại hậu quả nặng nề, khiến 5 người trong một gia đình tử vong. Vụ cháy thêm một lần nữa là hồi chuông báo động về nguy cơ cháy, nổ tại các chung cư, khu tập thể cũ.

Theo ghi nhận của phóng viên tại các khu chung cư, tập thể cũ hiện nay trên địa bàn Hà Nội như: Khu tập thể Thành Công, Giảng Võ, Ngọc Khánh…, nhiều ngôi nhà có kiến trúc hạ tầng bị xuống cấp do sử dụng nhiều năm trước, không được thiết kế và xây lắp các thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tại các căn hộ ở các khu tập thể trên, người dân đua nhau sửa chữa, cơi nới, xây dựng lồng sắt kiên cố, không đảm bảo thông số kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy. Khi hoả hoạn xảy ra, các lối thoát hiểm bị bịt kín, công tác cứu hộ gặp rất nhiều khó khăn.

Ngoài ra, đa số khu tập thể, chung cư cũ lại tập trung trong các con ngõ nhỏ chỉ rộng từ 1,5-3m, không đủ để xe cứu hoả vào chữa cháy khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Nhiều khu nhà cũ do không có nơi để xe, việc trông giữ xe máy chỉ tự phát từ người dân ở tầng 1, trong khi đó, phương tiện phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, không đủ điều kiện nên khi xảy ra sự cố cháy là đe dọa đến tính mạng người dân.

Theo số liệu của Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an TP Hà Nội), trên địa bàn thành phố có 2.483 cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, trong đó có 1.569 chung cư, nhà tập thể cũ. Nhằm khắc phục các hạn chế, trong thời gian qua nhiều quận, huyện, cơ sở đã bố trí kinh phí, trang bị phương tiện báo cháy, chữa cháy... nhưng vẫn còn tới 1.316 cơ sở, phần lớn là chung cư, tập thể cũ chưa xây dựng kế hoạch, phương án khắc phục.

Kiến trúc sư Lê Thành An (Công ty Cổ phần Tư vấn kiến trúc AC) cho biết: “Hầu hết những khu chung cư hay tập thể cũ đã được xây dựng từ rất lâu và đưa vào sử dụng tính đến nay đã trên 50 năm tuổi nên bị xuống cấp rất nhiều. Các công trình này hiện nay đang bị thiếu trầm trọng các thiết bị để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy theo đúng quy định như: Bình chữa cháy, biển chỉ dẫn lối thoát nạn… dẫn đến việc mất an toàn khi xảy ra cháy nổ”.

Hàng loạt các lồng sắt “chuồng cọp” nhô ra gây mất an toàn tại Khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội)	Ảnh: C.NgọcHàng loạt các lồng sắt “chuồng cọp” nhô ra gây mất an toàn tại Khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội)  Ảnh: C.Ngọc 

Nâng cao nhận thức phòng cháy chữa cháy cho người dân

Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, khi xảy ra hỏa hoạn, “thời gian vàng” để dập tắt được ngọn lửa là từ 5-10 phút đầu tiên. Khi đó, nếu phát hiện sớm, đám cháy đang ở quy mô vừa và nhỏ, chưa lây lan trên diện rộng, người dân hoặc lực lượng dân phòng kịp thời sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, xe hoán cải có chứa thùng nước có vòi để cứu hoả trước khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến thì sẽ giảm thiểu được tối đa những hệ lụy do hỏa hoạn gây ra.

Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo, mỗi người dân cần trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy để bảo vệ gia đình trước các nguy cơ cháy nổ xảy ra. Theo đó, các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn; không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

Các căn hộ không lắp lồng sắt, lưới sắt ở lan can nhà có tầng. Trường hợp đã lắp thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy, thống nhất các thành viên trong gia đình biết; chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Các gia đình có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.

Bài và ảnh: Q.AN - C.NGỌC

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.