Hồn Tết Việt trong hơi thở hiện đại

Thạc sĩ Đặng Hoàng An
Chia sẻ

(PNTĐ) - Tết ngày nay có nhiều thay đổi và cách tân, với sự lược bỏ những thủ tục rườm rà, nhiều phụ nữ dần thoát ly khỏi gian bếp truyền thống... Tuy nhiên, trong quá trình này, có không ít giá trị của Tết cổ truyền bị xem nhẹ, mai một. Vậy nên, việc giữ hồn Tết Việt trong hơi thở thời hiện đại là rất cần thiết.

Như đã biết, Tết đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống và văn hóa truyền thống của người Việt Nam suốt hàng nghìn năm qua. Điều đặc biệt, Tết cổ truyền không chỉ đơn thuần là một kỳ nghỉ lễ mà còn mang ý nghĩa sâu sắc hướng về nguồn cội và văn hóa truyền thống của dân tộc.

Khi nhắc đến Tết, có lẽ thứ vọng về trong tâm tưởng của chúng ta là những hình ảnh, nhịp sống tất bật, hối hả của những ngày giáp Tết. Vào thời điểm cạn Chạp, nhiều gia đình sẽ bắt tay vào dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa với hy vọng xua tan đi những điều xấu hướng đến sự ấm cúng, thịnh vượng cho năm mới.

Không những vậy, mọi người còn rộn ràng chuẩn bị các món ăn truyền thống như dưa hành, củ kiệu, làm bánh mứt, gói bánh chưng, bánh tét và các món đặc sản của từng vùng miền. Bên cạnh đó, việc mua sắm Tết cũng trở thành nét đặc trưng, dễ thấy nhất là vào cuối năm các chợ địa phương, trung tâm mua sắm trở nên nhộn nhịp, đông đúc, tấp nập hơn…

Hồn Tết Việt trong hơi thở hiện đại - ảnh 1
Ảnh minh họa

Với sự phát triển của thời đại, các dịch vụ dọn nhà hay mua sắm tiện lợi đã ra đời giúp giảm tải gánh nặng, tiết kiệm thời gian cho nhiều gia đình bận rộn. Cảm giác hối hả và áp lực cho việc chuẩn bị Tết cũng được giảm nhẹ, tạo điều kiện cho mọi người thư giãn, tận hưởng trọn vẹn hơn bên gia đình.

Tuy nhiên, trong sự hiện đại hóa này, có thể cảm nhận được một số gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ, đang mất đi cơ hội cùng nhau chuẩn bị cho mùa Tết. Sự đơn giản hóa này có thể đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ mất đi cơ hội trải nghiệm và học hỏi từ những công việc truyền thống liên quan đến chuẩn bị Tết. Hiện trạng này có thể tạo ra khoảng cách giữa thế hệ trẻ và những giá trị lâu dài của xã hội.

Để giải quyết vấn đề này, các gia đình có thể kết hợp giữa sự tiện lợi của dịch vụ hiện đại và việc thực hiện các hoạt động truyền thống. Có thể tổ chức những buổi làm bánh, dọn dẹp nhà cửa cùng nhau để trao truyền những giá trị quý báu về Tết Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác, đồng thời tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ cho gia đình.

Ngày Tết cổ truyền còn là thời điểm trái tim nhiều người Việt trở nên ấm áp và gắn kết hơn bao giờ hết. Hành trình trở về quê hương cũng là một phần không thể thiếu trong tâm trí của bao người Việt. Hồi hương khi Tết đến xuân về không chỉ là một hành trình về địa lý, mà còn là dịp để mỗi người được đón nhận những khoảnh khắc ý nghĩa bên gia đình. Trở lại cố hương, chúng ta được gặp gỡ bạn bè, được quây quần bên gia đình, người thân và cùng nhau thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Tết đến, chúng ta còn được tưới tắm tình thương, thấu hiểu và trân trọng giá trị quý báu của tình thân gia đình, đồng thời cũng mở ra những trang kỷ niệm mới.

Hồn Tết Việt trong hơi thở hiện đại - ảnh 2
Ảnh minh họa

Kỳ thực, nỗi nhớ quê, nhất là trong dịp Tết, luôn là một đề tài chạm đến lòng người. Thời nay, với sự tiến bộ của giao thông và phương tiện di chuyển, việc trở lại cố hương trở nên dễ dàng hơn trước. Tuy nhiên, với sức ép của nền kinh tế, sự đô thị hóa và các nhu cầu công việc, nhiều người Việt Nam hiện nay không thể dành thời gian và kế hoạch để trở về quê hương trong dịp Tết cổ truyền.

Song, tôi đã chứng kiến bạn bè mình và nhiều người khác dù ở xa quê hương nhưng vẫn giữ những phong tục truyền thống ngày Tết. Những hình ảnh của họ, dù qua màn hình, vẫn toát lên không khí ấm áp và hân hoan của ngày Tết cổ truyền. Bằng cách này hay cách khác, họ vẫn giữ được liên kết với quê hương, truyền thống của dân tộc.

Và, một trong những thay đổi cũng đáng quan tâm là việc có nhiều phụ nữ đã “giải phóng” bản thân khỏi những định kiến truyền thống. Trước kia, trọng trách nấu nướng và những khâu chuẩn bị kĩ lưỡng cho các bữa cơm ngày Tết là nhiệm vụ thuộc về phụ nữ. Trong bối cảnh hội nhập, hình ảnh phụ nữ Việt không chỉ giới hạn ở gian bếp mà được trao nhiều cơ hội phát triển bản thân.

Theo cái nhìn tổng thể, mâm cơm truyền thống ngày Tết cũng dần có sự cách tân và đổi mới. Bữa cơm Tết không chỉ gói ghém ở những món ăn truyền thống, mà còn có sự kết hợp mới mẻ và sáng tạo từ các nền văn hoá ẩm thực khác nhau. Việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại không chỉ giúp loại bỏ những rườm rà, cầu kì không cần thiết trong chế biến, mà còn làm cho các món ăn ngày Tết trở nên hấp dẫn và thú vị hơn.

Tết cổ truyền, nếu nhìn rộng ra thì đây còn là cơ hội để truyền lại những truyền thống, tập quán và giá trị văn hóa từ đời này sang đời khác. Đó là nét đẹp văn hoá truyền thống, một phần quan trọng trong con người Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh những thay đổi tích cực, cũng có không ít giá trị của Tết cổ truyền dường như có phần bị mai một.

Hồn Tết Việt trong hơi thở hiện đại - ảnh 3
Ảnh minh họa

Những phong tục truyền thống như tảo mộ ông bà, cúng ông Táo, lễ đưa rước ông bà, đón Giao thừa, thăm viếng người thân họ hàng, thậm chí lời chúc Tết phần nào ít được chú trọng hơn trước, dần lược giảm hoặc thậm chí bị thay thế. Tết thời nay, mọi người có xu hướng tập trung nhiều hơn vào các hoạt động mua sắm, các hoạt động vui chơi, giải trí hiện đại hoặc du lịch, đặc biệt là với nhóm người trẻ tuổi.

Trong bối cảnh mới, một số nét văn hóa về Tết Việt đã có sự chuyển dịch theo không gian, thời gian và sự tác động nhất định của quá trình toàn cầu hóa là điều tất yếu. Đối mặt với thách thức của thời đại, nhiệm vụ giữ hồn cốt Tết Việt trong bước tiến của thời đại mới trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Giữ hồn cốt Tết Việt trong hơi thở thời hiện đại không chỉ là việc của mỗi cá nhân hay gia đình mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi người hãy đóng vai trò như một đại sứ văn hóa, tham gia tích cực vào công cuộc bảo tồn và phát triển những phong tục truyền thống Tết Việt giúp truyền lửa cho thế hệ sau, giúp cho các thế hệ trẻ hiểu và trân trọng giá trị văn hóa của dân tộc.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phường Cửa Nam, TP Hà Nội: Ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn

Phường Cửa Nam, TP Hà Nội: Ra quân tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn

(PNTĐ) - Chào mừng 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cán bộ và người dân phường Cửa Nam, TP Hà Nội đã ra quân, tích cực hưởng ứng phong trào vệ sinh môi trường, tham gia dọn dẹp vỉa hè, lòng đường, thu gom rác thải quanh khu vực làm việc.cùng nhau giữ gìn vệ sinh chung, tổng vệ sinh khu vực làm việc vào cuối giờ chiều thứ 6 và sáng thứ 7 hàng tuần.
Phường Cầu Giấy khám sức khỏe miễn phí cho đối tượng chính sách nhân kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh Liệt sĩ

Phường Cầu Giấy khám sức khỏe miễn phí cho đối tượng chính sách nhân kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh Liệt sĩ

(PNTĐ) - Sáng ngày 18/7/2025, Trạm Y tế phường Cầu Giấy phối hợp với bệnh viện Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội tổ chức khám bệnh, tư vấn kiến thức chăm sóc sức khoẻ, cấp thuốc, tặng quà các đối tượng chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn.
Phường Yên Hòa tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách trên địa bàn

Phường Yên Hòa tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách trên địa bàn

(PNTĐ) - Sáng ngày 17/7/2025, Đảng uỷ, HĐND - UBND và UB MTTQ Việt Nam phường Yên Hoà chủ trì phối hợp cùng Ngân hàng chính sách Xã hội thành phố Hà Nội, Tổng công ty 319 - Bộ Quốc phòng tổ chức thăm và tặng quà 6 gia đình chính sách, người có công trên địa bàn phường. Đây là một trong những hoạt động có ý nghĩa thiết thực nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2025).
Thành lập Trạm Y tế phường Nghĩa Đô

Thành lập Trạm Y tế phường Nghĩa Đô

(PNTĐ) - Sáng ngày 17/7, Đảng uỷ - HĐND - UBND - UB MTTQ Việt Nam phường Nghĩa Đô tổ chức Lễ khánh thành và công bố các Quyết định thành lập, bổ nhiệm nhân sự Trạm Y tế phường Nghĩa Đô tại địa chỉ số 22 phố Phạm Tuấn Tài, phường Nghĩa Đô, thành phố Hà Nội.