Khắc ghi công lao của hậu phương người lính
PNTĐ-Sáng 18/7, báo Phụ nữ Thủ đô trang trọng tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Hậu phương người lính” và tôn vinh những nhân vật tiêu biểu trong các bài viết đạt giải.
Thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017), sáng 18/7, báo Phụ nữ Thủ đô trang trọng tổ chức lễ trao giải cuộc thi viết “Hậu phương người lính” và tôn vinh những nhân vật tiêu biểu trong các bài viết đạt giải. Đó là những người mẹ, người vợ liệt sỹ - thương binh, những cá nhân có nhiều đóng góp trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
![]() |
Tổng biên tập Báo PNTĐ Trần Thị Thu Hằng trao giải cho các tác giả (Ảnh: Nguyễn Thực) |
Miền ký ức thiêng liêng
Năm 2017, một trong chuỗi các hoạt động ý nghĩa và thiết thực của báo Phụ nữ Thủ đô hướng về kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ là phát động cuộc thi viết: “Hậu phương người lính” nhằm tri ân những đóng góp to lớn, sự hy sinh thầm lặng của người mẹ, người vợ - những hậu phương vững chắc để người lính yên tâm vững bước ra trận, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược cũng như trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc hiện nay.
Sau một thời gian phát động, báo Phụ nữ Thủ đô đã nhận được sự hưởng ứng tham gia nhiệt tình của đông đảo bạn đọc. Hàng nghìn bài viết được các độc giả ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành: Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… gửi về dự thi là hàng ngàn câu chuyện, tấm gương hậu phương người lính gây xúc động lòng người.
Bà Trần Thị Thu Hằng – Tổng Biên tập báo Phụ nữ Thủ đô đã đánh giá rất cao chất lượng các bài viết và trân trọng đón nhận các tác phẩm dự thi thay cho lời cảm ơn sâu sắc của Ban Tổ chức cuộc thi trước những trang viết tràn đầy cảm xúc, niềm tự hào về sự hy sinh âm thầm, nghị lực phi thường của những người mẹ, người vợ, người con của những người lính.
Bên cạnh những cây bút quen thuộc, các cộng tác viên, gắn bó với tờ báo, cuộc thi “Hậu phương người lính” đã thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn đọc ở mọi lứa tuổi, ngành nghề: giáo viên, học sinh, sinh viên, cán bộ hưu trí…; đặc biệt là chị em cán bộ hội viên phụ nữ. “Họ đều là những cây bút không chuyên, có người chưa một lần từng viết văn, làm thơ nhưng đã viết lên những tác phẩm rất xúc động và tình cảm. Điều này cho thấy, cuộc thi viết “Hậu phương người lính” đã có sức lan tỏa lớn, “chạm” đến miền ký ức thiêng liêng trong sâu thẳm trong trái tim của rất nhiều độc giả mà ở đó họ luôn dành sự biết ơn, lòng kính trọng và sự cảm phục sâu sắc trước những mất mát, hy sinh lớn lao và thầm lặng với các anh hùng liệt sỹ, cựu chiến binh, thương bệnh binh và thân nhân của họ” - Tổng biên tập Thu Hằng chia sẻ.
Sau nhiều ngày ấp ủ, tác giả Nguyễn Thị Bích Hồng ở Yên Sở, Hoàng Mai đã gửi đến cuộc thi bài viết ý nghĩa về người chị gái của chồng mình - bà Nguyễn Thị Đính, người vợ liệt sỹ hy sinh cả tuổi xuân thờ chồng, vượt qua nhiều khó khăn vất vả trong cuộc sống thường nhật để chăm lo chu toàn việc nhà, nuôi dạy các con khôn lớn trưởng thành, xứng đáng với sự hy sinh quên mình vì Tổ quốc của chồng – liệt sỹ Nguyễn Văn Đạo.
Tác giả Nguyễn Minh Nguyệt ở Tứ Liên, Tây Hồ kể lại câu chuyện xúc động của nữ y tá Phan Hồng Mai. Người con gái Hà Thành này đã tình nguyện làm vợ, dành cả cuộc đời chăm sóc nhà văn, nhà báo chiến trường lúc ấy là thương binh nặng 1/4 Sơn Tùng. Bà đã bán hết cả gia tài, cùng nhà văn Sơn Tùng đi khắp mọi miền đất nước để thực hiện tâm nguyện: sưu tầm tư liệu để viết sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong đó có tác phẩm nổi tiếng “Búp sen xanh”.
Nhiều tác giả cũng gửi đến cuộc thi các bài viết về hậu phương của người lính trong thời bình. Trên mặt trận mới hôm nay, những người mẹ, người vợ, người con của các chiến sỹ nơi biên giới, hải đảo đang viết tiếp trang sử đẹp của thế hệ các bà, các mẹ đi trước. Chị Mai Hoa – “Cô giáo Hoa san hô” giáo viên Ngữ văn trường THCS Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm trong tác phẩm cùng tên của tác giả Hoàng Anh là người phụ nữ có nghị lực và tinh thần vượt khó phi thường.
Chồng chị là một chiến sỹ đảo Trường Sa thường xuyên xa nhà, chị Mai Hoa vừa tần tảo thay chồng nuôi dạy 2 con vừa nỗ lực tự mình chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo (ung thư máu). Khó khăn vất vả là vậy nhưng chưa bao giờ chị Hoa nản chí hay than trách. Chị vẫn luôn nở nụ cười với các em học sinh trong mỗi giờ lên lớp, phấn đấu là một trong những nhà giáo tiêu biểu của Thủ đô để chồng yên tâm chắc tay súng nơi đầu sóng, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tự hào tiếp bước truyền thống của các bà, các mẹ
Cuộc thi viết “Hậu phương người lính” cũng nhận được nhiều bài dự thi của các tác giả trẻ, thế hệ sinh ra và trưởng thành trong những năm tháng hòa bình. Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Châu ở Long An chỉ được biết về ký ức chiến tranh qua lời kể của những người thân trong gia đình, song những năm tháng hoạt động cách mạng gian khổ và trường kỳ của ông bà ngoại trong lòng cuộc chiến miền Nam đã trở thành niềm tự hào và động lực cho cô gái trẻ sống, cống hiến xứng đáng với sự hy sinh cao cả của ngoại. Vì thế, khi được biết báo Phụ nữ Thủ đô phát động cuộc thi viết, Mỹ Châu đã ghi lại câu chuyện của ngoại trong mạch cảm xúc dâng trào như sự tri ân sâu sắc dành cho bà ngoại thân yêu của mình.
Tác giả Vũ Ngọc Yến – nữ cán bộ Hội Phụ nữ huyện Phú Xuyên ghi lại những việc làm trách nhiệm và có ý nghĩa của một hội viên xã Đại Thắng. Đó là chị Phạm Thị Dần, người phụ nữ trưởng thành sau chiến tranh nhưng đã có nhiều năm tâm huyết với việc quy tập, tìm kiếm phần mộ liệt sỹ. Mặc dù đang phải bươn chải lo cho cuộc sống gia đình nhưng tấm gương một người trẻ dấn thân vào việc nghĩa thật đáng ghi nhận và trân trọng.
Tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền – một nữ cán bộ trẻ làm việc tại Khu di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu chuyên sâu về các vị tướng tài ba của dân tộc. Trong những tác phẩm dự thi của mình, tác giả bày tỏ sự ngưỡng mộ tài thao lược của các tướng lĩnh và cảm phục sự hy sinh lớn lao của người vợ tướng như bà Ngô Duy Liên – người bạn đời của Trung tướng Lê Hiến Mai; bà Phạm Thị Mậu – phu nhân của Thiếu tướng Trần Thế Môn... Những người vợ ấy, trong chiến tranh bom đạn, trong gian khó bộn bề vẫn một mình vừa nuôi con, chạy sơ tán, vừa tăng gia sản xuất, chăm lo đời sống gia đình, không đòi hỏi một chút nào quyền lợi cho riêng mình. “Sự tận tụy, khiêm nhường và giản dị của các bà, các mẹ thật đáng trân trọng và tự hào. Được gặp gỡ, trò chuyện với họ là niềm vinh dự với những người trẻ và đó là tấm gương để mình tiếp tục phấn đấu, cố gắng, tiếp bước truyền thống tốt đẹp của thế hệ trước” – tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền chia sẻ.
Từ hàng ngàn bài dự thi, qua các vòng chấm công tâm, nghiêm túc, thận trọng, cuộc thi viết “Hậu phương người lính” đã khép lại với nhiều thành công, ấn tượng đẹp. Ban giám khảo đã chọn ra 16 bài xuất sắc nhất để trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba, 5 giải Khuyến khích và 5 giải Chuyên đề.
“Cuộc thi viết "Hậu phương người lính" do Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được tổ chức và trao giải trong những ngày tháng 7 thiêng liêng khi cả nước cùng tri ân các thương binh liệt sỹ - những người đã hy sinh xương máu vì hòa bình độc lập của đất nước. Những bài viết tham dự cuộc thi đều có chất lượng cao, tôn vinh nhiều tấm gương hậu phương cảm động. Mỗi mẹ, mỗi chị một hoàn cảnh, dù là hậu phương của người lính ở thời chiến hay thời bình đều phải đối mặt với nhiều gian nan, vất vả. Tuy nhiên, trên những trang viết dự thi, chúng tôi không nhận thấy có sự ủy mị, than trách mà đều toát lên nghị lực phi thường, tinh thần vượt khó, vươn lên muôn vàn thử thách để nêu gương sáng về người mẹ Việt Nam Anh hùng; người vợ thuỷ chung, người con hiếu thảo, người phụ nữ mẫu mực, trung hậu và đảm đang” Thạc sỹ tâm lý Đinh Đoàn, thành viên Ban giám khảo chung khảo chia sẻ. |
Danh sách các tác phẩm đoạt giải Giải Nhất: “Nội tướng” sắt son của Đại tướng Văn Tiến Dũng, tác giả Vũ Lan Chi. Giải Nhì: “Nhân niềm tin và vinh quang cho chồng” tác giả Phạm Huyền; “Vợ lính thời chiến và cuộc sống thời bình”, tác giả Nguyễn Thị Thu Hiền. Giải Ba: “Phần thưởng vô giá của người vợ liệt sỹ”, tác giả Huy Hoàng; “Cô giáo “Hoa san hô””, tác giả Hoàng Anh; “Chuyện tình của một thầy giáo thương binh”, tác giả Lê Sỹ Tứ. Giải Khuyến khích: “Một tình yêu son sắt, một nghị lực phi thường”, tác giả Nguyễn Thị Hiền; “Truyện kể về chị”, tác giả Từ Thị Hân; “Sự hy sinh thầm lặng”, tác giả Nguyễn Thị Bích Hồng; “Người nữ quân y của Trung đoàn Tây Tiến năm xưa”, tác giả Nguyễn Phú Tuấn và “Người nặng lòng với những hương hồn liệt sỹ”, tác giả Vũ Ngọc Yến. Giải chuyên đề: + Bài viết hay về "hậu phương" của tiền phương: “Ngoại tôi”, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Châu. + Bài viết hay về Mẹ Việt Nam Anh hùng: “Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Tý – Bình dị mà cao cả”, tác giả Trần Đức Hiển. + Bài viết hay về người vợ: “Hậu phương vững chắc của tác giả “Búp sen xanh”, tác giả Nguyễn Minh Nguyệt + Bài viết hay về hạnh phúc người lính đảo: “Để anh vững vàng bám biển giữa ngàn khơi”, tác giả Mai Thắng |
Nhóm PV