Khẳng định giá trị văn hóa của dân tộc Việt

Chia sẻ

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày UNESCO vinh danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, báo Phụ nữ Thủ đô đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn về giá trị đặc biệt của một di sản đã được thế giới vinh danh…

Là người tham gia từ đầu Đề án xây dựng hồ sơ quốc gia “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đệ trình lên UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam vẫn nhớ như in cảm xúc vỡ òa khi ông Chủ tịch cuộc họp Ủy ban Liên chính phủ gõ chiếc búa chính thức thông qua hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào lúc 18 giờ 09 phút (tức 12 giờ 09 phút giờ Paris) ngày 6/12/2012.

Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, nhớ về những ngày đầu tiên soạn đề án đệ trình lên UNESCO, ông cũng như Ban soạn thảo đã đặt vấn đề gì lên đầu tiên để thấy được tầm quan trọng của “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”?

Chúng tôi đã thể hiện ngay trong phần đặt vấn đề của đề án là lễ hội Đền Hùng nói riêng hay “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nói chung có tầm quan trọng đối với cả dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện sâu sắc, tập trung nhất văn hóa tâm linh của người Việt và là kết tinh sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, và thờ Hùng Vương được xem là quá trình tín ngưỡng hóa chủ nghĩa yêu nước của người Việt Nam qua hàng chục thế kỷ. Đến thời điểm “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” được ghi danh, chưa có bất kỳ một hồ sơ tương tự về tín ngưỡng thờ tổ tiên chung của cả một đất nước được UNESCO lựa chọn đưa vào danh mục di sản của mình.

Việc thực hiện hồ sơ “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” ở Phú Thọ là một trong những công việc nặng nề nhưng có ý nghĩa nhất mà tôi được tham gia. Khi hồ sơ được chính thức thông qua, hiếm có khi nào, niềm vui trong tôi lại lớn đến thế. Công việc tri ân, tôn vinh tổ tiên, bước đầu quan trọng, đã được hoàn thành dù tôi biết, chặng đường lâu dài là nhiệm vụ giữ gìn và phát huy giá trị tín ngưỡng vô cùng quan trọng ấy còn rất vất vả…

Người dân nô nức đổ về Đền Hùng dâng hương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2022Ảnh: Trà MyNgười dân nô nức đổ về Đền Hùng dâng hương nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2022   Ảnh: Trà My

Sau 10 năm được công nhận, ông đánh giá ra sao về thành quả của chặng đường giữ gìn và phát huy giá trị tín ngưỡng ấy?

10 năm là một khoảng thời gian không quá dài nhưng chúng ta đã làm được rất nhiều việc trong nỗ lực tôn vinh giá trị tổ tiên - dân tộc mình. Có thể kể đến như: Cộng đồng đã tiến hành phục hồi những diễn xướng dân gian liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương đã mai một, thất truyền; phục dựng một số không gian thờ cúng Hùng Vương ở một số làng xã với sự hỗ trợ của Nhà nước.

Các nghi thức, diễn xướng dân gian liên quan đến Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng xã trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tiếp tục được sưu tầm, nghiên cứu. Các văn bia, thần tích, sắc phong, lệnh chỉ liên quan đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở các làng đã được sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ. Hoạt động quảng bá giá trị của tín ngưỡng được thực hiện khá bài bản và thực sự đã phát huy hiệu quả truyền thông... Tất cả giúp cho chúng ta một niềm tin vững chắc vào việc giữ gìn và phát huy tốt nhất giá trị của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương nói chung, lễ hội Đền Hùng nói riêng trong đời sống xã hội đương đại và cả tương lai.

Theo ông, ý nghĩa lớn nhất của việc UNESCO ghi danh tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là gì?

Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc đó là sợi chỉ đỏ tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc - đất nước trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và đất nước”; nhấn mạnh với nhân dân toàn thế giới về ý nghĩa của tín ngưỡng đặc biệt này đối với dân tộc Việt Nam: “Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm nhằm giáo dục đạo lý truyền thống biết ơn tổ tiên, trở thành nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cội nguồn.

Trong ngày Giỗ Tổ Hùng Vương và những ngày còn lại trong năm, hàng triệu lượt người hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng niệm Hùng Vương, nhớ ơn công lao tổ tiên trong dựng nước và giữ nước”.

Việc UNESCO ghi danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý nhớ về cội nguồn, hòa hợp dân tộc có từ hàng ngàn năm nay của người Việt, nâng cao ý thức tôn trọng đối với sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của người Việt.

Xin cảm ơn ông!

NAM PHONG

Tin cùng chuyên mục

 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.