Khi phụ nữ, người già là “con mồi” của kẻ lừa đảo

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam đang diễn biến ngày càng phức tạp. Đáng chú ý, một trong những mục tiêu mà tội phạm mạng đang hướng tới chính là phụ nữ và những người cao tuổi do đây là đối tượng được xác định thường hạn chế về mặt công nghệ, ít tiếp cận thông tin, dễ bị thuyết phục, tài chính có sẵn.

Người cao tuổi dễ bị “dính bẫy”

Cùng với sự phát triển của internet và phổ biến của điện thoại thông minh tại Việt Nam, lừa đảo qua mạng trở thành một mối lo ngại lớn, đặc biệt với những người lớn tuổi. Theo Báo cáo WeAreSocial 2024, Việt Nam hiện có 79% dân số sử dụng internet, tập trung vào nhóm độ tuổi từ 16 - 64, trong đó, 97% người dùng kết nối internet qua điện thoại di động. Một độ phủ rất lớn về lượng người dùng trực tuyến. Đáng chú ý, số liệu từ Google vừa công bố cho thấy 49% người trên 55 tuổi từng là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.

Theo Google, thói quen lên mạng không an toàn là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sập bẫy lừa đảo, 90% người dùng từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% từng bị lừa đảo. Điển hình là vào ngày 8/1/2024, công an huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh nhận được thông tin từ Agribank Chi nhánh Thạch Hà về việc có một khách hàng nữ là bà T.T.T (sinh năm 1946, trú tại tổ dân phố 6, thị trấn Thạch Hà) đang có ý định chuyển 392,7 triệu đồng cho ai đó. Qua giao dịch, nhân viên ngân hàng nhận thấy bà T có nhiều biểu hiện lo lắng, bất an. Nghi vấn bà T bị lừa đảo nên nhân viên ngân hàng đã tạm dừng hoạt động giao dịch và liên hệ với Công an thị trấn Thạch Hà.

Khi phụ nữ, người già là “con mồi” của kẻ lừa đảo - ảnh 1
Ảnh minh họa

Nhận được thông tin, Công an thị trấn Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã kịp thời có mặt, giải thích, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các loại tội phạm. Lúc này, bà T mới nhận ra sự thật là mình đã bị lừa đảo.

Bà T kể, mấy ngày trước, bà nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ của một người đàn ông, thông báo thông tin căn cước công dân bị lộ lọt, có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu chuyển tiền để giải quyết vụ việc, nếu không sẽ bị phạt 15 năm tù. Lo sợ, trưa ngày 8/1, bà T đã bán 3 chỉ vàng và rút 2 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 392.700.000 đồng để đến Agribank Chi nhánh Thạch Hà chuyển vào số tài khoản mà đối tượng lạ cung cấp.

Trước đó, ngày  2/11/2023, tin từ Công an thị trấn Vân Du (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hoá) cho biết, đơn vị vừa phối hợp với ngân hàng Agribank ngăn chặn một vụ giả danh Công an để lừa đảo 60 triệu đồng. Cụ thể, vào 15h ngày 26/10/2023, bà N.T.U (68 tuổi, trú khu phố 3, thị trấn Vân Du) nhận được cuộc gọi từ một số máy lạ nói bà lừa đảo 60 triệu đồng và đã báo Công an Hà Nội để bắt giữ bà.

Hoảng sợ vì bị đe dọa, bà U lập tức ra ngân hàng Agribank chi nhánh Vân Du để nhờ giao dịch viên rút 60 triệu đồng tiền tiết kiệm để chuyển khoản. Trước yêu cầu của bà U, chị Phương đã nhận ra có nguy cơ bà đang bị lừa nên đã báo lên cho Công an để về làm rõ sự việc. Sau khi được tuyên truyền và nhận ra phương thức lửa đảo của những kẻ lạ mặt, bà U đã dừng chuyển tiền, từ đó tránh được một vụ lừa đảo.

Khi phụ nữ, người già là “con mồi” của kẻ lừa đảo - ảnh 2
Ảnh minh họa

Một cụ bà khác 77 tuổi ở tỉnh Quảng Ngãi đã suýt chuyển 900 triệu đồng cho kẻ giả danh công an để lừa đảo. Theo đó, ngày 29/9/2023, bà N.T.H.V (77 tuổi, phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi) liên tục nhận được các cuộc gọi từ số máy lạ xưng là công an và thông tin bà V liên quan đến vụ án ma túy, rửa tiền mà Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đang điều tra. Bằng những lời hù dọa, kẻ giả danh công an yêu cầu bà V không được nói cho ai biết.

Do bà V dùng điện thoại sóng 2G nên kẻ lừa đảo yêu cầu bà V đi mua smartphone, kèm một sim Viettel để liên lạc. Tuổi cao, không thành thạo sử dụng điện thoại thông minh, kẻ lừa đảo tốn nhiều thời gian để hướng dẫn bà V tạo tài khoản Zalo. Sau đó, gọi video qua Zalo cho bà V với nhiều người mặc sắc phục cảnh sát, trong không gian làm việc giống tại cơ quan công an để nạn nhân tin tưởng. Nhóm người này còn gửi cả lệnh bắt giam bà V qua Zalo để đe dọa.

Bà V quá sợ hãi đã mở tài khoản ngân hàng như hướng dẫn, rồi đến Vietcombank Quảng Ngãi tất toán 900 triệu đồng trong sổ tiết kiệm. Thấy bà V có dấu hiệu bất thường, liên tục nhận điện thoại trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi, nhân viên Vietcombank đã kịp thời trấn an, liên hệ với Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao hỗ trợ, ngăn chặn không cho bà V chuyển 900 triệu đồng cho nhóm người lừa đảo.

90% nạn nhân dính bẫy lừa đảo trực tuyến là phụ nữ

Theo báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023 của Tổ chức Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo mới đây, người Việt Nam bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng lên tới 16 tỷ USD, chiếm gần ⅓ so với tổng số tiền cả thế giới bị lừa đảo chiếm đoạt là 53 tỷ USD.

Đáng nói, chỉ trong quý III năm 2023, có 790 vụ lừa đảo trên mạng đã được phát hiện. 1/4 số vụ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tổng số tiền thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng - Thông tin tại Hội thảo do Bộ Công an phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) vừa tổ chức.

Điều đáng qua tâm là trong số các nạn nhân bị dính bẫy lừa đảo có tới 90% nạn nhân là phụ nữ.

Khi phụ nữ, người già là “con mồi” của kẻ lừa đảo - ảnh 3
Ảnh minh họa

Theo bà bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhận định, không chỉ ở Việt Nam, ở nhiều nơi trên thế giới, phụ nữ luôn là những người yếu thế. Họ nhạy cảm, tự ti, cả tin và cũng dễ bị đe dọa. Đáng nói, khi phụ nữ gặp nguy hiểm hay bị lừa đảo, họ rất ngại đứng ra tố cáo vì sợ gặp phải những đánh giá không hay về mình.

Trên thực tế, các phương thức lừa đảo qua điện thoại trên đã quá cũ, nhưng dường như ít có người quan tâm đến lời cảnh báo trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là những người già, phụ nữ hay những người ít tiếp xúc với thông tin thời sự hằng ngày nên vẫn có nạn nhân dính bẫy.

Các thủ đoạn lừa đảo phụ nữ qua mạng phổ biến là giả vờ tán tỉnh yêu đương rồi lừa tình, lừa tiền, lừa đảo bán hàng online, việc làm tại nhà, cộng tác viên online để hưởng hoa hồng…

Đơn cử như vụ việc xảy ra tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội ngày 11/3, chị Đ, SN 1989, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội, lên mạng xã hội tìm hiểu cách kiếm tiền online. Sau đó, chị nhận được lời mời làm cộng tác viên làm nhiệm vụ mua bán hàng hóa sẽ được hưởng tiền hoa hồng. Sau vài lần đầu được trả hoa hồng cao, chị Đ bắt đầu “đầu tư” với số tiền lớn hơn.

Sau nhiều lần chuyển tiền, với số tiền khoảng 1,9 tỷ đồng theo yêu cầu của “đối tác”, chị Đ không còn được nhận được tiền hoa hồng nữa. Lúc này chị Đ mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo. Hay ngày 19/2, chị M (SN 1983, trú tại Hà Đông, Hà Nội) lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online cho nhãn hàng thời trang.

Chị sau đó được hướng dẫn làm nhiệm vụ tăng tương tác cho nhãn hàng sẽ được hưởng hoa hồng. Chị M đã nạp 1,4 tỷ đồng nhưng không rút được tiền gốc và hoa hồng. Biết mình bị lừa, người phụ nữ 41 tuổi đã đến Công an phường Trung Văn trình báo.

Mới đây nhất, một phụ nữ ở quận Đống Đa, Hà Nội cũng đã mất 500 triệu đồng khi nhận được cuộc gọi của một người tự xưng là cán bộ công an đề nghị chị cập nhật thông tin định danh mức 2 tại nhà trên phần mềm dịch vụ công giả mạo. Sau khi thao tác theo hướng dẫn của đối tượng lừa đảo, chị N mới phát hiện tài khoản ngân hàng bị trừ 500 triệu đồng.

Những vụ việc trên cho thấy, việc trang bị nhận thức và cung cấp các kỹ năng an toàn trên không gian mạng là vấn đề cần được chú trọng. Khi mọi người nâng cao cảnh giác mới giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các chiêu trò lừa đảo qua mạng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tư nhân

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tư nhân

(PNTĐ) - Giải thưởng Phát triển Kinh doanh thuộc chương trình Dự án “Tăng trưởng doanh nghiệp của tôi” đã trao 280 triệu đồng cho 29 nữ chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh xuất, nhằm hỗ trợ các chị em phát triển và củng cố hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Gắn kết cộng đồng, nâng tầm chất lượng sống

Gắn kết cộng đồng, nâng tầm chất lượng sống

(PNTĐ) - Trong những năm qua, huyện Đan Phượng (Hà Nội) đã đạt được những bước tiến vượt bậc trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và sự đổi mới trong phương pháp triển khai, Đan Phượng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một địa phương điển hình về văn hóa, văn minh, hiện đại.
Công an Hà Nội trao tặng 3 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Hà Giang xoá nhà tạm, nhà dột nát

Công an Hà Nội trao tặng 3 tỷ đồng hỗ trợ tỉnh Hà Giang xoá nhà tạm, nhà dột nát

(PNTĐ) - Sáng 19/5, đoàn công tác Công an thành phố Hà Nội do Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an Thành phố làm trưởng đoàn đã trao tặng 3 tỷ đồng cho tỉnh Hà Giang để hỗ trợ xây mới và sửa chữa 50 căn nhà cho hộ nghèo, gia đình chính sách, hộ khó khăn về nhà ở tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang.