Khoảng 12,8 triệu lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Chia sẻ

Triển khai từ ngày 1/10, gói hỗ trợ trên 30.000 tỷ đồng từ nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp - gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt lớn nhất từ trước đến nay đang được giải ngân tới người lao động. Dự kiến, việc chi trả được thực hiện và hoàn thành trong tháng 10 cho người lao động (LĐ) có tài khoản cá nhân.

6 mức chi trả hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người LĐ vượt qua khó khăn của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, cùng với việc triển khai gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, trên cơ sở đề xuất của cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quốc hội đã đồng ý sử dụng nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 38.000 tỷ đồng tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn.

Trong gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng, dự kiến 8.000 tỉ đồng dành để thực hiện chính sách giảm mức đóng từ 1% còn 0% quỹ tiền lương tháng của những người LĐ tham gia BHTN trong thời gian 12 tháng (từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022) cho khoảng 386 nghìn đơn vị sử dụng LĐ. Trên 30.000 tỷ đồng còn lại chi hỗ trợ cho người LĐ theo 6 mức tương ứng với các mốc thời gian đóng BHTN. Cụ thể, với người LĐ có thời gian đóng BHTN dưới 12 tháng được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người; Từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng (tức từ 1 đến dưới 5 năm) được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; Từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng (từ 5 đến dưới 7 năm) là 2,4 triệu đồng/người; Từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng (từ 7 đến dưới 9 năm) là 2,65 triệu đồng/người; Từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng (từ 9 đến dưới 11 năm) là 2,9 triệu đồng/người và từ đủ 132 tháng (11 năm) trở lên được hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.

Là cơ quan thực hiện gói hỗ trợ, ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: Theo quy định của chính sách BHTN, người LĐ có trên 12 tháng tham gia BHTN mới được hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng riêng với gói hỗ trợ này người tham gia dưới 12 tháng cũng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ và dự kiến có hàng triệu người tiếp cận chính sách, trong đó có cả những người đã đóng BHTN nhưng đang nợ vẫn được hỗ trợ, miễn là đóng BHXH 1 tháng trở lên. Người LĐ trong cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang, đơn vị công lập, tổ chức chính trị, chính trị - xã hội… cũng tham gia BHTN nhưng không hưởng gói hỗ trợ này.

Những người lao động đầu tiên được nhận hỗ trợ từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệpNhững người lao động đầu tiên được nhận hỗ trợ từ nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp (Ảnh: Nguyễn Dũng)

Hoàn thành chi trả trong tháng 10

Ngày 1/10, những người LĐ đầu tiên đã được nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân tại ngân hàng từ gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng. Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong ngày đầu tiên thực hiện đã có gần 3.600 người LĐ ở 20 địa phương nhận chi trả. Cơ quan này phấn đấu đến ngày 5/10, hoàn thành chính sách hỗ trợ giảm mức đóng từ 1% xuống 0% cho các đơn vị sử dụng LĐ. Trong tháng 10, cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ bằng tiền mặt cho người LĐ.

Để hoàn thành việc chi trả một cách nhanh chóng, chính xác, các đơn vị nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các địa phương đã khai thác hiệu quả nền tảng dữ liệu công nghệ thông tin, mã định danh của từng người tham gia để xác định chính xác số liệu người LĐ và người sử dụng LĐ thuộc diện được hỗ trợ và thời gian tham gia BHTN chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp làm căn cứ tính mức hỗ trợ cho người LĐ. Để kịp thời chỉ đạo thông suốt gói hỗ trợ, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chi trả trợ cấp của Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố; Chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai để có giải pháp kịp thời, tránh sai sót, nhầm lẫn trong quá trình thực chiện, cảnh báo lạm dụng, trục lợi chính sách…

Để thuận tiện cho người LĐ, nhất là tại các tỉnh, thành phố vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch, cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ thực hiện đa dạng, linh hoạt hình thức tiếp nhận hồ sơ. Người LĐ có thể nộp hồ sơ trực tuyến thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ I-VAN hoặc ứng dụng BHXH (VssID); Thông qua dịch vụ bưu chính; trực tiếp tại cơ quan BHXH cấp tỉnh hoặc cấp huyện. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người LĐ, cơ quan BHXH chi trả tiền hỗ trợ cho người LĐ, khuyến khích chi trả thông qua tài khoản ngân hàng của người LĐ vừa đảm bảo kịp thời, minh bạch đến tận tay NLĐ, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp không chi trả hỗ trợ, cơ quan BHXH thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

NGUYÊN VŨ

Tin cùng chuyên mục

Đối thoại  về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

Đối thoại về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội

(PNTĐ) - Ngày 16/4, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàn Kiếm tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề: “Những điểm mới về chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội”.
Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

(PNTĐ) - Những ngày này, đông đảo người dân và du khách về với Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ). Lễ hội là hoạt động có tính quy mô cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, hướng mỗi người Việt Nam biết trân quý nguồn cội.
Điều kiện cung cấp nông sản vào chuỗi bán lẻ WinMart

Điều kiện cung cấp nông sản vào chuỗi bán lẻ WinMart

(PNTĐ) - Để cung cấp nông sản vào WinMart/WinMart+/WIN – chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam hiện nay, sản phẩm phải đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic… đồng thời, nông trại cũng chịu sự giám sát thường xuyên của bộ phận kiểm soát chất lượng thuộc WinCommerce…