Kiến nghị bổ sung đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng

Chia sẻ

Từ thực tế triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động (LĐ) và người sử dụng LĐ gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng trị giá 26.000 tỷ đồng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất, kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung một số đối tượng thụ hưởng để gói hỗ trợ đến kịp thời, đúng đối tượng.

Người lao động được hỗ trợ chưa cao 

Bà Trần Thị Thanh Hà - Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đánh giá: Nghị quyết số 68 đã bám sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ, thể hiện tính nhân văn và phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người LĐ. Tính đến giữa tháng 9, tại 27 tỉnh, thành phố, qua báo cáo của Liên đoàn Lao động cơ sở, đã có 1.163.017 đoàn viên, người LĐ nhận hỗ trợ với số tiền trên 1.677 tỷ đồng; 170.640 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào Quỹ tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp với số tiền 1.068 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, theo Liên đoàn Lao động TP, tính đến ngày 16/9, đã có 12.938 người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không hưởng lương được nhận hỗ trợ với số tiền 46,188 tỷ đồng; 221 người LĐ ngừng việc nhận hỗ trợ với số tiền 221 triệu đồng; Ngân hàng Chính sách Xã hội hỗ trợ doanh nghiệp vay trên 16,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc do ảnh hưởng dịch bệnh cho 3.750 lượt LĐ. 

Tuy nhiên, qua triển khai, giám sát quá trình thực hiện Nghị quyết 68, bà Trần Thị Thanh Hà cho biết: Có một số khó khăn, vướng mắc khiến số người LĐ được thụ hưởng chính sách còn rất thấp (1.163.017 đoàn viên, người lao động/16.200.000 người, chiếm tỷ lệ 7,1%) và số tiền hỗ trợ đã chi trả là 1.677 tỷ đồng/11.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 15%). Các thủ tục để người LĐ hoàn thiện hồ sơ tiếp cận chính sách dù đã giảm 2/3 so với gói hỗ trợ năm 2020 nhưng do có những quy định rất chặt về điều kiện như “doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương” trong khi các địa phương có những cách hiểu khác nhau về việc “tạm dừng hoạt động” và cho phép hoạt động “3 tại chỗ” dẫn dến việc triển khai hỗ trợ cho người LĐ vẫn còn rất chậm, chưa kịp thời. 

Đặc biệt, trong số 12 chính sách hỗ trợ của Nghị quyết 68, hiện có chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người LĐ khó thực hiện.

Người LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP tại quận Bắc Từ LiêmNgười LĐ tạm hoãn hợp đồng LĐ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP tại quận Bắc Từ Liêm (Ảnh: Thanh Thảo)

Kịp thời tháo gỡ khó khăn và bổ sung đối tượng thụ hưởng

Để Nghị quyết 68/NQ-CP phát huy tác dụng trong việc hỗ trợ kịp thời người LĐ và doanh nghiệp, theo bà Trần Thị Thanh Hà, TLĐLĐVN đề xuất bổ sung thêm một số đối tượng thụ hưởng như người LĐ chưa được ký hợp đồng LĐ, chưa được tham gia bảo hiểm xã hội được quan tâm hỗ trợ như: Đối tượng không có quan hệ LĐ (LĐ tự do); viên chức, người LĐ trong các đơn vị sự nghiệp công khác (nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề…). Để đảm bảo hoạt động và duy trì sản xuất, nhiều doanh nghiệp tại các TP lớn đã áp dụng “3 tại chỗ” song chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30-50% người LĐ. Do đó, có một bộ phận lớn người LĐ phải tạm hoãn hợp đồng LĐ, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn, cần được bổ sung để hỗ trợ. Đồng thời, TLĐLĐVN đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ cho người LĐ đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ họ giảm bớt khó khăn. 

Tại Hà Nội, đến hết ngày 17/9, thông qua tổng đài đường dây nóng 1022 về công tác hỗ trợ các chính sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận và xử lý thông tin 1.885 cuộc gọi của người dân, trong đó chiếm phần lớn là các cuộc gọi (907 cuộc) giải đáp các vướng mắc về thủ tục hành chính của Sở, tiếp nhận và xử lý kiến nghị, phản ánh của công dân đối với gói hỗ trợ… Để tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân gói hỗ trợ của Chính phủ, ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Sở đã có công văn hướng dẫn các đơn vị một số khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai hỗ trợ, tập trung vào đối tượng LĐ tự do để chính sách hỗ trợ đến đúng đối tượng. Từ hướng dẫn của Sở, nhiều đối tượng như: Người giúp việc, trông trẻ theo giờ - công việc không thường xuyên trong một gia đình thì được coi là tự làm, gia sư hoạt động độc lập kèm cặp dạy thêm cho học sinh tại các gia đình là đối tượng không phát sinh quan hệ LĐ cũng thuộc diện hỗ trợ nếu đáp ứng đúng các quy định theo Quyết định 3642 của UBND TP hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 68…

VIỆT BÁCH

 

Tin cùng chuyên mục

Đoàn viên, người lao động Thủ đô thi đua làm theo Bác

Đoàn viên, người lao động Thủ đô thi đua làm theo Bác

(PNTĐ) - Thời gian qua, các cấp Công đoàn Thủ đô đã bám sát sự chỉ đạo của LĐLĐ Thành phố, chủ động, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” (Chỉ thị số 05), qua đó góp phần định hướng tư tưởng, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đoàn viên, người lao động.
Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

(PNTĐ) - Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; hướng tới mục tiêu chung đó là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.