Định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030: Hiện thực hóa khát vọng phát triển

Kỳ 1: Khẳng định vị thế của Thủ đô

HỒNG QUÂN - HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục… đang đứng trước cơ hội và sự chuyển mình hết sức to lớn khi Hà Nội đang triển khai lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 15-NQ/BCT của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với khát vọng phát triển, Thủ đô trong tương lai không xa sẽ trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan toả, liên kết vùng đô thị, sánh vai với Thủ đô các nước lớn trong khu vực và trên thế giới.

Sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ, nhìn chung, diện mạo Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi; cảnh quan đô thị và nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển theo hướng hiện đại hóa. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế.

 Kỳ 1: Khẳng định vị thế của Thủ đô - ảnh 1
Lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 phải đáp ứng phát triển kinh tế xã hội. Ảnh: Hải Linh

Vẫn còn những điểm nghẽn trong quy hoạch Thủ đô

Ngày 26/7/2011, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” chỉ rõ: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, giải trí chất lượng cao… Theo đó, Chính phủ đã xác định các chỉ tiêu phát triển đô thị, định hướng tổ chức phát triển không gian, định hướng phát triển các khu chức năng, hạ tầng kỹ thuật; định hướng bảo tồn di sản văn hóa, lịch sử… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: Đồ án quy hoạch chưa phát huy được vai trò, vị thế, tiềm năng và thế mạnh của Thủ đô Hà Nội trong Vùng Thủ đô; quy mô dân số đã vượt ngưỡng dự báo; tỷ lệ đô thị hóa đạt thấp, chất lượng phát triển đô thị chưa đồng đều dẫn đến những khó khăn trong việc phân bố, điều tiết, quản lý và kiểm soát dân cư; tiến độ triển khai các đô thị vệ tinh theo quy hoạch còn chậm; kết cấu hạ tầng đô thị chưa theo kịp nhu cầu phát triển đô thị, tính đồng bộ chưa cao. Ngoài ra, việc tạo lập khu vực "hành lang xanh" với tỷ lệ 70% quỹ đất toàn thành phố đã tạo nên những giới hạn của sự phát triển đô thị… Do đó, việc nghiên cứu, điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô để phù hợp với tình hình thực tiễn của Thành phố và định hướng phát triển kinh tế - xã hội trước mắt cũng như lâu dài là rất cần thiết. 

Trung tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Bạo - Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng cho biết: Hiện nay, quá trình nghiên cứu và hoàn chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải đảm bảo định hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Đồng thời phải khai thác được hiệu quả các điều kiện tự nhiên; giữ gìn bản sắc văn hóa; từng bước nâng cao chất lượng đô thị và nông thôn; đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo, chỉnh trang, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường… Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, việc điều chỉnh Quy hoạch Thủ đô Hà Nội là một trong những yêu cầu tất yếu khách quan để Thủ đô Hà Nội tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân, lan tỏa, trở thành vùng động lực thúc đẩy phát triển Vùng Đồng bằng sông Hồng, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực. 

Sáng 29/9, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội và Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội chủ trì, phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo khoa học “Định hướng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Tham dự hội thảo có hơn 350 đại biểu, trong đó có đại diện các Ủy ban của Quốc hội, đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, hội thảo thu hút sự tham gia, đóng góp ý tưởng của đội ngũ trí thức, nhà khoa học đến từ hơn 80 trường đại học, cao đẳng và học viện trên địa bàn TP Hà Nội. Việc tổ chức Hội thảo là điểm đặc thù, thuận lợi riêng có của Thủ đô Hà Nội đối với việc huy động nguồn lực chất xám ngay tại địa bàn Thủ đô cho công tác Quy hoạch Thủ đô nói riêng và phát triển Thủ đô nói chung.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ và trầm tích nhiều lớp tinh hoa của nhiều thời trong suốt quá trình phát triển. Đến nay, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác song phương với khoảng 110 Thủ đô. Bên cạnh đó, Hà Nội có nhiều tiềm năng về địa hình, tài nguyên tập trung rất nhiều các cơ quan nghiên cứu trên địa bàn. Tuy nhiên, về tăng trưởng kinh tế, trước năm 2016, Hà Nội có xu hướng tăng trưởng cao, sau đó giảm dần so với cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng. Tốc độ tăng trưởng dịch vụ cao nhưng nguồn thu từ du lịch thấp, nhiều du khách coi Hà Nội là điểm ghé tạm thời chứ không phải là điểm đến, vì vậy chưa thu được lượng lưu trú du lịch.

GS.TS Hoàng Văn Cường cũng cho rằng, hiện Hà Nội vẫn còn một số điểm nghẽn như: Thiếu thể chế mặc dù có Luật Thủ đô với những quy định đặc thù nhưng không vượt trội; hạ tầng chưa đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng công cộng, hệ thống đường sắt đô thị chưa phát triển; ô nhiễm môi trường và các quy định về phòng, chống lũ làm hạn chế khai thác có hiệu quả các nguồn lực tự nhiên. Năng lực và ý thức, tinh thần của đội ngũ cán bộ thực thi trong bộ máy quản lý còn hạn chế, e dè, né tránh, không tạo được những đột phá, dám nghĩ, dám làm.

Từ những đánh giá trên, định hướng Quy hoạch cho Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được quán triệt dựa trên triết lý phát triển Thủ đô Hà Nội mà trong đó, các yếu tố văn hoá, văn hiến, văn minh Thăng Long - Hà Nội là những trụ cột xuyên suốt khi xây dựng bất kể phương án quy hoạch nào.

Khẳng định vị thế của Hà Nội trong định hướng Quy hoạch Thủ đô
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng chia sẻ: Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch của cả nước. Vì thế, mỗi lần lập quy hoạch là một dấu ấn phát triển quan trọng của Thủ đô.

Mục tiêu của việc lập và điều chỉnh quy hoạch lần này là phát triển Hà Nội trở thành đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; người dân Hà Nội có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.

Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm; triển khai đồng bộ các chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng khu vực nông thôn hài hòa với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường cảnh quan, tạo sự bền vững.

Việc lập và điều chỉnh quy hoạch Thủ đô lần này cũng xuất phát từ thực tế, sau hơn 10 năm thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định số 1259 ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ. 
Ngày 7/7/2023 UBND TP Hà Nội có Kế hoạch số 185/KH-UBND, nêu rõ 4 yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, quận, huyện tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém và đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội.

Trong đó yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp nhằm khắc phục toàn diện các tồn tại, hạn chế trong quá trình lập Quy hoạch Thủ đô. Bên cạnh đó, nâng cao trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền các cấp, cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ trách nhiệm, tổ chức thực hiện gắn với trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị tham gia thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô. Tăng cường sự phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương trong công tác lập Quy hoạch Thủ đô.

Theo kế hoạch này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cần tổ chức xây dựng kế hoạch tiến độ chi tiết, cụ thể từng tuần từ nay đến hết năm 2023, phân công cụ thể từng đơn vị, cá nhân chủ trì, lãnh đạo phụ trách theo tinh thần “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả công việc” và cách thức phối hợp với Tổ công tác Thường trực lập Quy hoạch Thủ đô bảo đảm không bỏ sót, không chồng chéo, trong đó đề cao trách nhiệm của người đứng đầu bộ phận, đơn vị.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xét xử nhóm thanh niên gây rối trật tự công cộng

Xét xử nhóm thanh niên gây rối trật tự công cộng

(PNTĐ) - Sáng ngày 30/11/2023, Toà án Nhân dân huyện Thanh Oai đã mở phiên toà xét xử nhóm thanh niên sử dụng “phóng lợn”, vỏ chai bia ném, đuổi đánh nhau gây mất trật tự công cộng tại đường tỉnh lộ 427 thuộc địa phận thôn Đại Định, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội.
Thuốc lá điện tử: Hiểm họa cho sức khỏe và tinh thần giới trẻ

Thuốc lá điện tử: Hiểm họa cho sức khỏe và tinh thần giới trẻ

(PNTĐ) -Hiện nay, một số loại thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá sợi còn được cho thêm ma túy để gây tác dụng mạnh hơn so với ma túy truyền thống. Các loại thuốc này đang được rao bán trên các mạng xã hội với giá cao gấp đôi, gấp ba so với loại bình thường. Tình trạng này đang gây lo lắng cho nhiều người, nhất là các bậc phụ huynh. Bởi đa phần người sử dụng TLĐT là học sinh, sinh viên.