Câu chuyện “khát nước” xuyên nhiều thập kỷ

Kỳ 3: Khắc khoải mong nước về

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Trong một thời gian dài, hàng nghìn hộ dân sinh sống ở các địa phương dọc tuyến đường ống dẫn nước sông Đà đi qua phải trông cậy vào nước ngầm từ giếng khoan, giếng khơi, luôn rơi vào cảnh thiếu nước, mất nước thường xuyên, cuộc sống phải vật lộn, khốn khổ vì thiếu nước.

Kỳ 3: Khắc khoải mong nước về - ảnh 1
Khu vực chế biến và sân rửa của trường Tiểu học Dương Liễu B, huyện Hoài Đức.

Khốn khổ vì thiếu nước
Ở rất gần đường ống dẫn nước sông Đà, nhưng hàng nghìn hộ dân xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất lại đang phải vật lộn với việc thiếu nước sinh hoạt. 

Chỉ trong nửa tháng, ông Kiều Văn Hải (64 tuổi, ở thôn 3, xã Thạch Hòa) phải 3 lần thuê khoan giếng, 2 lần thất bại, đến lần thứ ba đạt độ sâu 40m mới thấy nước, nhưng nước vẫn đục và rất yếu. Do địa chất, nơi đây hiếm có nhà nào khoan một lần mà “ăn ngay” được. Loay hoay khoan cho bằng được nước là bởi liên tục cả tháng ròng nhà ông Hải đã phải đi xin nước hàng xóm, nhưng giếng khoan của hàng xóm cũng dần cạn. Ba lần khoan, gia đình ông Hải đã phải chi phí tổng cộng là 20 triệu đồng nên dẫu phải nước đục cũng là “có còn hơn không”.

“Khoan được nước, dù ít nhiều cũng là còn may mắn lắm, chứ nhiều hộ khoan đến 5-6 mũi, phí công vô ích khi không lên được giọt nước nào”- ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng thôn 5, xã Thạch Hòa chia sẻ.

Trăn trở về tình hình bà con phải khốn đốn vì thiếu nước, ông Cường cho hay, toàn bộ người dân trong thôn đều phải sử dụng nước giếng khơi, giếng khoan và nước mưa. Tuy nhiên, hơn 3 tháng nay ao hồ cạn, giếng khơi cạn, nhiều giếng khoan cũng cạn. Các gia đình chạy quanh xin nước nhà nhau, sử dụng phải rất tiết kiệm, chắt chiu đến từng giọt nước, nhiều nhà đã phải mua nước 1-2 triệu đồng/tháng để có nước sinh hoạt. Như gia đình bà Nguyễn Thị Dung (ở thôn 5, xã Thạch Hòa) tiết kiệm cả trong đun nấu ăn uống đến sinh hoạt, bình quân dùng 1 khối nước (1m3), mỗi tháng cũng phải chi phí đến hơn 1 triệu đồng. Chi phí cho nước đã trở thành gánh nặng với gia đình bà từ đầu năm đến nay.

Ông Nguyễn Văn Cường cho hay: “Nhà tôi chỉ có 2 vợ chồng, ngày nào cũng phải cất công bơm đến 9-10 lần, cứ 2-3 tiếng lại gạn nước một lần cũng được chừng 4 thùng sơn (mỗi thùng khoảng 50ml)”. 

Chủ tịch UBND xã Thạch Hòa Nguyễn Bá Khải cho biết, toàn xã có 2.900 hộ dân với 11.600 nhân khẩu, xã nằm trọn trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nên không tiến hành xây dựng nông thôn mới. Hiện đang là thời gian cao điểm của khô hạn, nhiều gia đình đang phải đối diện với tình trạng khan hiếm nước. Ngoài 200 hộ dân ở khu tái định cư Bắc Phú Cát (thôn 1, 2) đã có nước sạch thì còn lại chưa có nước sạch tập trung. Trước tình trạng này, UBND xã cũng đã có kiến nghị lên UBND huyện Thạch Thất và các ngành chức năng. Rất mong sớm có nước sạch được dẫn về cho nhân dân trong toàn xã.

Còn đối với các hộ mới ra ở khu tái định cư (cũng trên địa bàn thôn 5) để bàn giao nhà đất cho dự án Đại học Quốc gia thì còn khó khăn hơn. Bởi nơi đây tiền thân là khu chăn nuôi lợn của một đơn vị quân đội, nước ngầm bị ô nhiễm mùi phân lợn. 

Để sớm bàn giao nhà và đất cho đơn vị thi công dự án Đại học Quốc gia, gia đình ông Nguyễn Văn Thanh và gia đình bà Nguyễn Thị Thảo đã tiên phong ra xây dựng nhà và ở đầu tiên ở khu tái định cư này. Hiện khu tái định cư đã có 7 hộ sinh sống và 7 hộ đang xây dựng phải đối diện với tình cảnh “ba không”: Không đường vào, không điện và không nước sạch.
Đường thì phải đi tạm trên lối đi gập ghềnh đất đá, điện thì đấu nhờ đơn vị đang thi công các công trình trường học, còn nước thì phải khoan giếng. Gia đình ông Nguyễn Văn Thanh đã khoan 5-6 mũi khoan công nghiệp mà vẫn không có nước và đang phải đi xin nước nhà bà Nguyễn Thị Thảo may mắn khoan được. Khu tái định cư dự án Đại học Quốc gia này mà ở đủ thì có đến 500 hộ dân, tuy nhiên, với tình cảnh còn đang thiếu thốn ngổn ngang, các hộ sẽ chưa thể về ở được. 
Ông Cường buồn rầu: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, từ các cuộc tiếp xúc cử tri để phản ánh nỗi khổ của dân đến các ngành, các cấp nhưng nước sạch vẫn chưa được dẫn về. Đường cùng, chúng tôi chỉ còn biết lạy trời mưa xuống, khoảng 2-3 trận mưa rào là sẽ đầy các giếng khơi”.

Tại xã Thạch Hòa hiện có hơn 6.000 người đang ở tạm trú, trong đó có nhiều sinh viên ở trọ trong các dãy nhà cho thuê. Tình cảnh thiếu nước cũng đang khiến nhiều khu trọ khốn đốn. Gia đình anh Nguyễn Thiên Tâm ở cụm 1, thôn 3, xã Thạch Hòa có khoảng 80 phòng cho thuê trọ, trước đây vẫn sử dụng nước giếng khoan, nhưng gần đây nước cạn, anh phải mua nước để đảm bảo cho người thuê trọ có nước sinh hoạt. Theo anh Tâm, giá nước mua về là 65.000 đồng/m3, trong khi anh vẫn chỉ thu với giá không đổi là 15.000 đồng/m3, số còn lại anh phải bù lỗ. 

Gặp Nguyễn T.H - một sinh viên đang thuê trọ, H. bộc bạch: “Chúng em ở đây phải tiết kiệm hết mức, thậm chí còn phải nhịn tắm hoặc phải dùng nước đóng chai về rửa mặt”.

Khắc khoải mong nước sớm về vùng bãi 
Cũng gần đường ống nước sông Đà chạy dọc Đại lộ Thăng Long, hàng nghìn hộ dân ở các xã của huyện Hoài Đức đã được sử dụng nước sông Đà. Tuy nhiên, ở các xã vùng bãi ven sông Đáy như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai còn nhiều hộ dân chưa có nước sạch tập trung dẫn về. 

Kỳ 3: Khắc khoải mong nước về - ảnh 2
Bà Nguyễn Thị Dung ở thôn 5, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất cho biết gia đình phải mua nước sử dụng. 

Dẫn phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô đi tham quan khu bếp, khu vực sân rửa, giới thiệu về hệ thống nước của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Tuyển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Dương Liễu B (xã Dương Liễu) chia sẻ: Khó khăn nhất của nhà trường hiện nay chính là chưa có nước sạch sông Đà dẫn về như các hộ trong xã. Toàn trường có 15 lớp học với 525 học sinh, 27 cán bộ giáo viên, nhân viên sinh hoạt, ăn uống tại trường mà phải rất tiết kiệm. Bởi nước giếng khoan bơm lên để sinh hoạt, rửa, vệ sinh, còn đun nấu ăn uống nhà trường phải mua nước đóng bình.

 Cô Tuyển bày tỏ: “Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành sớm đưa nước sạch sông Đà về các thôn còn lại của xã”.
Đây cũng là tâm tư cán bộ giáo viên một điểm trường Mầm non Dương Liễu B và Trường THCS Dương Liễu đang chưa có nước sạch tập trung.

Tính đến hết năm 2022, mạng lưới cấp nước tập trung của thành phố Hà Nội đã bao phủ, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho 100% người dân khu vực đô thị và khoảng 85% người dân khu vực nông thôn. Từ nay đến năm 2025, Thành phố phấn đấu nâng tỷ lệ cấp nước cho người dân khu vực nông thôn lên 100%.

Xác nhận thông tin về 2 trường và 1 điểm trường đang cần có nước sạch tập trung, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu Nguyễn Bá Hưng cho biết, toàn xã có 3.700 hộ thì 2.300 hộ đã có nước sạch tập trung, còn 1.400 hộ ở 4 thôn vùng bãi (gồm thôn Mới, Me Táo, Đồng Phú, Hòa Hợp) cũng đang phải sử dụng nước giếng khoan và nước mưa để sinh hoạt, nhiều hộ dân và các nhà trường phải mua nước đóng bình về ăn uống.

Hiện Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội đang cung cấp nước cho địa phương nguồn nước sông Đà (được dẫn về từ Đại lộ Thăng Long). Số còn lại hiện đã có một số tuyến ống nước được rải từ năm 2017-2018 nhưng vẫn chưa có nước về. Được biết, nguyên do là áp lực nước từ làng xuống vùng bãi thấp. Theo ông Nguyễn Bá Hưng, UBND xã Dương Liễu đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Hoài Đức và các đơn vị chức năng, mong sớm hoàn thiện hệ thống nước để người dân vùng bãi có nước sạch tập trung phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Về vấn đề trên, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân cho biết, hiện toàn huyện đã có 92% số hộ (68.161 hộ) được cung cấp sử dụng nước sạch tập trung. Thời gian tới, UBND huyện Hoài Đức sẽ tiếp tục đôn đốc Công ty cổ phần Nước sạch Tây Hà Nội tập trung nguồn lực, phối hợp UBND các xã Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế và phòng, ban liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai mạng cấp nước khu vực dân cư vùng bãi của 3 xã, đảm bảo trong năm 2023 cung cấp nước sạch cho 100% người dân trên địa bàn theo đúng mục tiêu dự án được duyệt.

(Còn tiếp)

 

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.