Quận Tây Hồ lan tỏa phong trào “Bình dân học vụ số”: Hướng tới xã hội học tập trong kỷ nguyên số
(PNTĐ) - Với mục tiêu không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình chuyển đổi số, UBND quận Tây Hồ vừa phát động phong trào “Bình dân học vụ số” – một hoạt động thiết thực hưởng ứng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Thành ủy Hà Nội. Phong trào mang ý nghĩa tiếp nối truyền thống “xóa mù chữ” trong thời đại mới, tạo nền tảng tri thức số cho người dân, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại và phát triển nguồn nhân lực số cho địa phương.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Đình Khuyến - Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ nhấn mạnh ý nghĩa sâu sắc của phong trào trong việc xây dựng xã hội học tập và nền tảng tri thức số, từ đó góp phần phát triển quận Tây Hồ, Thủ đô Hà Nội và đất nước trong kỷ nguyên số.
Ôn lại lịch sử hào hùng của phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 – khi đất nước đối mặt với “giặc đói”, “giặc dốt” và “giặc ngoại xâm” – Chủ tịch UBND Nguyễn Đình Khuyến khẳng định: Phong trào ấy đã góp phần xóa nạn mù chữ, nâng cao dân trí, tạo nền tảng văn hóa và khoa học cho dân tộc.

Ngày nay, trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng, phong trào “Bình dân học vụ số” do Tổng Bí thư Tô Lâm phát động, chính là sự tiếp nối sứ mệnh lịch sử ấy – giúp mọi tầng lớp nhân dân, từ học sinh, sinh viên đến công nhân, nông dân, cán bộ công chức, có cơ hội tiếp cận công nghệ, nâng cao kỹ năng số để học tập, lao động và phát triển.
Phong trào “Bình dân học vụ số” được triển khai với mục tiêu phổ cập tri thức công nghệ, thu hẹp khoảng cách số và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ông Khuyến đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm: Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của chuyển đổi số.
Tổ chức các lớp học, khóa học trực tuyến với nội dung thiết thực, dễ tiếp cận; Huy động sự tham gia của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong việc hỗ trợ hạ tầng, thiết bị và tài liệu học tập; Đào tạo kỹ năng số cho các nhóm yếu thế, người cao tuổi và lao động tự do.
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu đã được tiếp cận những kiến thức nền tảng về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), mở đầu cho chuỗi hoạt động nhằm nâng cao nhận thức công nghệ trong cộng đồng.
Với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, Chủ tịch UBND Nguyễn Đình Khuyến kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân quận Tây Hồ tích cực hưởng ứng và tham gia các chương trình đào tạo kỹ năng số, cùng chung tay xây dựng một phong trào sâu rộng, thường xuyên và thực chất. Ông bày tỏ tin tưởng, phong trào sẽ lan tỏa mạnh mẽ, góp phần xây dựng xã hội học tập hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại số.

Chủ tịch UBND quận cũng kỳ vọng rằng, thông qua phong trào “Bình dân học vụ số” và chuyên đề về AI, kiến thức công nghệ sẽ được truyền tải sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, từ đó thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, đưa Tây Hồ trở thành điểm sáng trong hành trình đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của Thủ đô.
Trao đổi bên lề sự kiện với báo chí, bà Bùi Thị Lan Phương – Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ – cho biết: Quận xác định “Bình dân học vụ số” là bước kế thừa truyền thống của phong trào "xóa mù chữ" năm xưa, nay là “xóa mù công nghệ”, giúp ai cũng có thể trở thành công dân số.
Theo bà Lan Phương, quận Tây Hồ đặt mục tiêu đến năm 2026: Trên 95% cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công có hiểu biết về chuyển đổi số, kỹ năng sử dụng các nền tảng, dịch vụ số phục vụ công việc. 100% học sinh trung học được trang bị kiến thức và kỹ năng số để phục vụ học tập, nghiên cứu và sáng tạo, đồng thời có kỹ năng an toàn khi tương tác trong môi trường số.
Trên 85% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, biết khai thác thông tin, sử dụng dịch vụ số thiết yếu và bảo vệ bản thân trên không gian mạng. 80% người lao động có kiến thức cơ bản về công nghệ số, ứng dụng hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng suất lao động.
Phong trào “Bình dân học vụ số” hứa hẹn sẽ là bước đi đột phá, lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, phát triển công nghệ số một cách toàn diện, hướng tới xây dựng một Tây Hồ năng động – hiện đại – sáng tạo trong thời đại mới.