Định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030: Hiện thực hóa khát vọng phát triển

Kỳ 3: Phát triển Hà Nội theo trục xanh

HÀ LINH
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phát triển Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, an ninh, an toàn là một trong những phương hướng phát triển và tổ chức không gian đô thị. Đây cũng là một trong những nội dung được các đơn vị tư vấn chú trọng trong việc lập quy hoạch phát triển Thủ đô thời kỳ 2021-2030.

Kỳ 3: Phát triển Hà Nội theo trục xanh - ảnh 1
Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô gắn với phát triển không gian và hạ tầng đô thị.
Ảnh: Hữu Thắng

Quy hoạch nông thôn gắn với phát triển đô thị

Trong không gian đô thị Thủ đô, sông Hồng được định vị là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông. Các đơn vị tư vấn nghiên cứu tăng tỉ lệ đất phát triển đô thị; xây dựng mô hình TP Hà Nội trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hòa Lạc, Xuân Mai); xây dựng đô thị thông minh trên cơ sở phát triển khu vực hai bên trục đường Nhật Tân - Nội Bài; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng.

Phương án quy hoạch cũng nhấn mạnh, sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hoà hai bên sông của Hà Nội. Vì thế cần quy hoạch xây dựng khu vực nông thôn hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị. Khai thác hiệu quả cảnh quan thiên nhiên vùng nông thôn, hành lang xanh kết hợp với phát triển du lịch xanh hài hoà, gắn với phát triển đô thị, giữ gìn bản sắc văn hoá truyền thống, kết nối đồng bộ với quy hoạch khu vực đô thị.

Theo TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, Thủ đô Hà Nội nên có cơ chế, chính sách đặc thù với quan điểm, định hướng “đô thị xanh”, “đô thị hiện đại”; “đô thị tiện ích”. Vì vậy cần ý tưởng theo hướng loại bỏ nhà thấp tầng (nhà riêng lẻ của khu dân sự, nhà liền kề, phân lô, bán nền) trong khu lõi của Thủ đô và xây dựng hệ thống nhà tầng hiện đại. Điều này vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân tại Thủ đô Hà Nội ngày càng gia tăng và mở rộng được hệ thống hạ tầng cây xanh, công viên, quảng trường…; nâng cấp được hệ thống công trình công cộng.

Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của Hà Nội, tác động không chỉ đến đời sống của 8,4 triệu người dân Thủ đô mà còn làm thay đổi diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, xứng đáng là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của quy hoạch lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm diện tích đất công cộng, cây xanh, việc điều chỉnh quy hoạch cần tính toán để đáp ứng hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư. Các chuyên gia cho rằng, điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đòi hỏi tập trung công sức, trí tuệ sự tham gia của cả hệ thống chính trị Hà Nội cũng như của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Tuy nhiên, dù đưa ra phương án nào cũng phải lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm đời sống vật chất - tinh thần cho người dân.

 Tuy nhiên, TS Chu Mạnh Hùng lưu ý định hướng này sẽ không áp dụng cho khu vực xác định là khu vực nội đô lịch sử với những công trình kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử như: Nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc khác có ý nghĩa trong việc bảo tồn kiến trúc cổ, kiến trúc châu Âu và những truyền thống tốt đẹp được giữ gìn bảo tồn, phát huy, phát triển. Để làm được điều này, trong quy hoạch sử dụng đất, cần điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái cấu trúc, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất ở theo hướng mở rộng các dự án khu đô thị hiện đại.
Hướng tới xây dựng Thành phố “Xanh”
PGS.TS Phạm Tuấn Anh, Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải cho rằng, để đạt được quan điểm thành phố “xanh”, cần có bài toán quy hoạch sử dụng đất ngay từ thời điểm hiện tại. Hiện nay, tỷ lệ cây xanh đô thị của Hà Nội mới đạt khoảng 2m2/người; trong khi theo quy chuẩn với các đô thị loại 1, loại đặc biệt, tỷ lệ cây xanh đô thị tối thiểu khoảng 6 - 7m2/người. Như vậy, quỹ đất dành cho cây xanh cần tăng lên để đạt được tiêu chí này. Tại các khu vực ngoại thành, quỹ đất còn nhiều, nhưng lại ưu tiên cho phát triển khu đô thị, trong khi quỹ đất dành cho cây xanh, hạ tầng chưa đảm bảo. 

“Chúng tôi kiến nghị khi phê duyệt các dự án khu đô thị mới, mật độ cây xanh, hạ tầng phải đảm bảo yêu cầu tối thiểu nêu trên” - TS Tuấn nói.

Ngày 7/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 313/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây chính là pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai lập Quy hoạch Thủ đô. 

PGS.TS Đặng Văn Hà, Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, Thủ đô Hà Nội cần được phủ màu xanh đặc trưng. Theo nhiều nhà nghiên cứu, Hà Nội có những màu xanh đặc trưng của từng con phố, những hàng cây cổ thụ đã là hình ảnh quen thuộc từ bao lâu nay, trở thành tình yêu, nỗi nhớ của người Hà Nội và cả những du khách khi đến với Thủ đô. Những hàng cây ấy đã mang lại những vẻ đẹp riêng cho từng đường phố, vừa sinh động, vừa có hồn. Những loài cây của Hà Nội đã đi vào thơ ca, văn học và còn rất nhiều loài cây tạo nên vẻ đẹp thơ mộng, đặc sắc cho Hà Nội. Đây có thể là màu xanh của Hà Nội, màu xanh của quá khứ, hiện tại và tương lai, của Thủ đô văn hiến, hiện đại, của thành phố vì hòa bình. Vì vậy cần giải quyết tốt bài toán không gian xanh đô thị.

“Quy hoạch, thiết kế không gian xanh đô thị cần được tiến hành đồng bộ với các hạng mục quy hoạch xây dựng khác của đô thị; nghiên cứu chọn giống cây trồng phù hợp. Sự liên kết giữa các mảng xanh, vành đai xanh, hành lang xanh (giữa ao, hồ với sông và kênh, mương; giữa vườn hoa - công viên với các hành lang, vành đai cây xanh) và đặc biệt với diện tích rừng cần đảm bảo tính liên tục; tạo sự kết nối giữa các mảng xanh, hành lang xanh trong đô thị với vùng ngoại ô và nông thôn, tôn trọng tiêu chí quy định về kích thước cũng như nội dung thiết kế cấu trúc hành lang, vành đai cây xanh theo hướng gần với tự nhiên… Màu xanh của cây xanh, đất xanh hòa quyện với màu xanh phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội chính là khát vọng xanh của người dân Thủ đô, của đất nước về một Thủ đô bền vững, xứng tầm quốc gia và quốc tế” - TS Đặng Văn Hà phân tích. 

KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện theo đúng quy trình, quy định, tuân thủ các quy định của các luật, nghị định liên quan. Trong đó, việc điều chỉnh quy hoạch phải hướng đến lợi ích, sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, lấy người dân làm trọng tâm, ưu tiên bảo đảm diện tích đất công cộng, cây xanh, bảo đảm đời sống tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh quy hoạch cần tính toán để đáp ứng hạ tầng đô thị cho khu vực chứ không chạy theo lợi nhuận của nhà đầu tư. Đồng thời, phải bảo đảm việc điều chỉnh quy hoạch không làm phá vỡ quy hoạch chung, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên chịu tác động của quy hoạch đó, và phải thông báo công khai, minh bạch.

(Còn nữa)

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Bitcoin lao dốc vì Trump

Bitcoin lao dốc vì Trump

(PNTĐ) - Giá Bitcoin đã giảm về mốc 101,5 USD/ đơn vị vào trưa nay (theo giờ Việt Nam). Nguyên nhân tiền số suy giảm do tác động từ phát biểu của Tổng thống thứ 47 của Mỹ - Donal Trump.
Hà Nội: Nhiều đổi mới trong lễ hội đầu xuân

Hà Nội: Nhiều đổi mới trong lễ hội đầu xuân

(PNTĐ) - Nhằm góp phần để công tác chuẩn bị lễ hội đầu xuân năm mới được thực hiện đúng quy định, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã phối hợp cùng các đơn vị, sở, ngành tổ chức đoàn kiểm tra công tác tổ chức lễ hội tại Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) và Lễ hội đền Sái (huyện Đông Anh)
Chủ tịch Công đoàn viên chức TP Hà Nội thăm tặng quà đoàn viên, công chức người lao động tiêu biểu

Chủ tịch Công đoàn viên chức TP Hà Nội thăm tặng quà đoàn viên, công chức người lao động tiêu biểu

(PNTĐ) - Nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, chiều 21/1, đồng chí Nguyễn Chính Hữu, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội, Chủ tịch Công đoàn Viên chức Thành phố làm trưởng đoàn đã thăm, chúc Tết và tặng quà cho đoàn viên, công chức người lao động tiêu biểu của cơ quan Hội LHPN Hà Nội.
Chung tay “Gửi quà góp Tết” cho người nghèo

Chung tay “Gửi quà góp Tết” cho người nghèo

(PNTĐ) - Chiến dịch “Gửi quà góp Tết” hoạt động nằm trong khuôn khổ Phong trào “Tết Nhân ái” được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức thường niên. Chiến dịch “Gửi quà Góp Tết” xuân Ất Tỵ năm 2025 đặt mục tiêu hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho hơn 1,2 triệu người có hoàn cảnh khó khăn.