Làm gì để không sập bẫy lừa đảo?

HUYỀN TRANG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần khuyến cáo người dân về các hành vi, thủ đoạn lừa đảo qua mạng hiện nay, song vẫn có rất nhiều người “sập bẫy”. Do đó, bên cạnh việc tuyên truyền, cảnh báo của cơ quan chức năng, mỗi người cần tự trang bị “vắc-xin số” để phòng ngừa lừa đảo trực tuyến hiện nay.

Nhận diện 3 nhóm lừa đảo và 24 hình thức lừa đảo

Theo Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.

Thống kê cho thấy, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện có ba nhóm lừa đảo chính gồm: giả mạo thương hiệu; chiếm đoạt tài khoản trên Zalo, Facebook và các hình thức kết hợp. Các hình thức lừa đảo gồm 24 hình thức chính, gồm: Combo du lịch giá rẻ: Các cuộc gọi mời đến dự giới thiệu về khu nghỉ dưỡng và tặng miễn phí vé đi nghỉ; mời mua các gói du lịch có thể đi được nhiều nơi, dễ dàng, tiêu chuẩn cao với mức giá đóng trước rất hời...

Lừa đảo cuộc gọi video Deepfake, Deepvoice: Dùng công nghệ để ghép mặt và giọng nói của người quen sau đó nhờ chuyển tiền...; lừa đảo là nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cảnh báo "khóa SIM" vì chưa chuẩn hóa thuê bao; lừa đảo giả danh giáo viên/nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu...; lừa đảo tuyển người mẫu nhí; nhờ bình chọn cho cháu, người quen tham gia một cuộc thi nào đó...

Làm gì để không sập bẫy lừa đảo?  - ảnh 1
Ảnh minh họa

Các đối tượng lừa đảo giả danh các công ty tài chính, ngân hàng thay mật khẩu, cho vay lãi suất cao...; lừa đảo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án... nói người nhà "vô tình" liên quan đến tội phạm như ma túy, bí mật an ninh...; lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền thành công với các dịch vụ mua hàng trực tuyến...; lừa đảo giả mạo trang thông tin điện tử của các cơ quan, doanh nghiệp như bảo hiểm xã hội, ngân hàng, chứng khoán... thông báo các vấn đề được quan tâm về lương, bảo hiểm...; lừa đảo đầu tư chứng khoán, tiền ảo, đa cấp với mức siêu lợi nhuận…

Một số đối tượng lừa đảo tuyển cộng tác viên online cho các dịch vụ đa cấp rất đơn giản, ví dụ như: Chỉ cần nghe/click vào 1 số nội dung trên you tube, tiktok theo link gửi sẵn sẽ có thu nhập 200.000 -300.000 đồng/ngày; Lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng rồi xin lấy lại tiền... hoặc lừa đảo dịch vụ lấy lại tiền khi đã bị lừa; lừa đảo dịch vụ lấy lại Facebook, tăng like trên Facebook; Lừa đảo tình cảm, làm quen, rồi dẫn dụ đầu tư tài chính; lừa đảo có người gửi bưu kiện, hoặc trúng thưởng, hoặc có khoản tiền ngoại tệ chuyển đến... cần có tiền ứng trước để lấy ra.

Thậm chí, các đối tượng còn sử dụng chiêu thức lừa đảo cho số đánh đề/mua xổ số trăm phát trăm trúng; Lừa đảo rao bán hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử...; lừa đảo gửi link nội dung hấp dẫn về vụ việc giật gân, hoặc có nội dung nhạy cảm sẽ xóa ngay sau vài phút để cài cắm các ứng dụng ăn cắp thông tin cá nhân sử dụng cho mục đích chiếm đoạt tài sản, cài link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen…

Ngoài ra còn là các hình thức lừa đảo: SMS Brandname, phát tán tin nhắn giả mạo; lừa đảo lấy cắp Telegram OTP; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền như FlashAI; rải link phishing lừa đảo, seeding quảng cáo "bẩn" trên Facebook...

Người dân cần nâng cao cảnh giác

Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, để không trở thành nạn nhân của các thủ đoạn lừa đảo trên, người dân không chuyển tiền, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP, tài khoản E-Banking theo yêu cầu từ người lạ. Cài đặt bảo vệ các tài khoản mạng xã hội bằng xác thực 2 lớp.

Nếu tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo, ...) bị hack, chiếm quyền sử dụng, nên công bố ngay cho những người thân quen, bạn bè có trong danh bạ biết để phòng ngừa loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nếu nhận được tin nhắn từ người thân hỏi vay mượn tiền, chuyển khoản, nạp thẻ điện thoại... nên gọi điện thoại hoặc gặp trực tiếp để hỏi chính xác trước khi chuyển tiền.

Làm gì để không sập bẫy lừa đảo?  - ảnh 2
Ảnh minh họa

Người dân không nên vay tiền online từ các ứng dụng không rõ nguồn gốc; không nộp các loại phí, thuế do đối tượng yêu cầu để được nhận khoản vay, bởi đây là hình thức lừa đảo hoặc cho vay lãi nặng qua các ứng dụng điện thoại di động.

Cảnh giác khi làm quen, kết bạn hẹn hò qua mạng xã hội, các web và ứng dụng hẹn hò; cảnh giác với tất cả các e-mail và đường link lạ, tuyệt đối không nhập và gửi thông tin cá nhân vào các cửa sổ trong các trang web mà chưa kiểm chứng về sự an toàn và nguồn gốc của nó. Không cài đặt các ứng dụng lạ mà có yêu cầu cấp quyền truy cập vào danh bạ, tin nhắn, camera...

Tìm hiểu rõ nguồn gốc, hạn chế mua sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giá trị lớn qua mạng xã hội. Hãy lựa chọn cách mua hàng trên các sàn thương mại điện tử được cấp phép, có uy tín, có lượng đánh giá tích cực lớn.

Bên cạnh đó, cần cảnh giác với các lời mời tham gia đầu tư tài chính trên không gian mạng, tuyệt đối không đầu tư khi chưa tìm hiểu rõ ràng; cảnh giác trước các lời mời, quảng cáo tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ hưởng tiền hoa hồng trên các trang mạng xã hội. Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng qua các phương tiện thông tin truyền thông. Kịp thời thông báo cho cơ quan Công an gần nhất để được tiếp nhận, giải quyết nếu nghi ngờ có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Nguyên nhân dẫn đến bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng là do ý thức cảnh giác của người dân chưa cao. Mặc dù cơ quan chức năng đã phát đi nhiều cảnh báo, tuyên truyền phương thức, thủ đoạn của tội phạm, nhưng người dân vẫn có tư tưởng hám lợi, không cảnh giác.

Công tác đấu tranh gặp khó một phần bởi khi tố giác tội phạm, người tố giác khó cung cấp chứng cứ, hình ảnh, ghi âm, video… chứa thông tin, hành vi phạm tội của đối tượng. Một số bị hại có tâm lý ngại trình bày nội dung liên quan đến mất cảnh giác và thiếu hiểu biết của mình…

Có nhiều trường hợp, quá trình thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường sử dụng số điện thoại không chính chủ, sim rác để gọi điện, nhắn tin, đăng ký tài khoản MXH Zalo, Telegram, Wechat, Facebook được tạo lập, quản lý ở nước ngoài.

Ngoài ra, đối tượng sử dụng các số điện thoại VoIP (phương thức truyền thông của mạng internet bằng hình thức chuyển mạch gói, chuyển kênh, chuyển vùng đầu số điện thoại khác mã vùng của Việt Nam) để gọi điện lừa đảo; sử dụng nhiều tài khoản ngân hàng cung cấp cho người bị hại chuyển tiền vào sau đó chuyển đến nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt.

Nhiều đối tượng lừa lấy thông tin căn cước công dân, họ tên người khác để tự đăng ký tài khoản ngân hàng và đi lừa đảo. Người đứng tên tài khoản đó cũng không hay biết…

Luật sư Hùng cho rằng, với những cuộc gọi, thông tin gây sốc, mới nhận được qua điện thoại hoặc tin nhắn, người dân phải xác minh và đặt nghi vấn. Tự trau dồi kiến thức, kỹ năng khi tham gia mạng xã hội sẽ giúp người dân có “vắc-xin số” trong việc phòng, chống tội phạm công nghệ cao. Bên cạnh đó, sự quản lí của nhà nước và nhà mạng rất quan trọng.

“Tôi nghĩ nên có những đường dây nóng để người dân báo cáo những cuộc gọi điện đe dọa, lừa đảo…, kịp thời thông báo đến những người khác để cảnh giác” - luật sư Hùng nói.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

Vụ bác sĩ sát hại người tình rồi phân xác ở Đồng Nai: Đề nghị truy tố 3 tội danh

(PNTĐ) - Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai vừa ban hành kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, đề nghị truy tố bác sĩ Danh Sơn (36 tuổi, trú tại huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) về 3 tội danh: Giết người, Cướp tài sản và Tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí quân dụng.
Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

Đảm bảo quyền lợi BHXH, BHYT cho các nạn nhân vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng

(PNTĐ) - BHXH TP.Hà Nội đã khẩn trương, tập trung phối hợp với cơ sở KCB tạo mọi điều kiện, đảm bảo đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật… để hỗ trợ, chăm sóc, điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị thương trong vụ hỏa hoạn tại quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng (quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội) vào tối 18/12/2024.
Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

Khuyến cáo người dân cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo

(PNTĐ) - Việc đầu tư vào các website, ứng dụng, sàn giao dịch tiền ảo tiềm ẩn nhiều nguy cơ do tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, để phòng tránh lừa đảo, người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo, đặc biệt là các sàn quảng cáo, hứa hẹn lợi nhuận cao hoặc cơ hội đầu tư hấp dẫn.