Làm giàu từ rau hữu cơ

Chia sẻ

PNTĐ-Chị Đặng Thị Cuối đã mạnh dạn cùng chồng đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

 
Chị Cuối (hội viên Hội Nông dân xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) đã mạnh dạn cùng chồng đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng mô hình sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ cao, cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
 
Chị là một trong 10 gương mặt phụ nữ Thủ đô tiêu biểu được Hội LHPN TP Hà Nội vinh danh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2014-2019.
 
Làm giàu từ rau hữu cơ - ảnh 1
Chị Cuối làm giàu từ ý tưởng trồng rau hữu cơ

 
Năm 2000, chị Cuối lập gia đình. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, chị đi xuất khẩu lao động Đài Loan với hi vọng sẽ kiếm thêm thu nhập lo cho các con ăn học. Tại đây, chị vào làm việc ở các trang trại trồng rau sạch và thấy bất ngờ với hình thức sản xuất rau sạch của người bản địa. “Họ chỉ làm 1ha đất vườn nhưng trồng rau theo quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh nên mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Rau thành phẩm đạt yếu tố chất lượng, đảm bảo môi trường và an toàn cho người sử dụng” - chị Cuối nói. Càng làm việc, chị càng hun đúc ước mơ sau này sẽ xây dựng mô hình rau an toàn do mình làm chủ.
 
 Mấy lần về thăm nhà, chị đều trao đổi với chồng về điều mà “mắt thấy, tai nghe, tay làm”, nhưng anh Quý không tin, bởi hằng ngày, anh cật lực làm lụng, trồng rau còn không đủ ăn, nói gì đến làm giàu. Do đó, chị đã thuyết phục chồng cùng sang Đài Loan để vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất rau sạch.
 
Lần này, anh Quý tận mắt chứng kiến cách làm của các trang trại trồng rau công nghệ cao ở Đài Loan và cùng vợ xây dựng “ước mơ” ấy. Anh chị gom góp mua từng bạt nilon, dây buộc, khung sắt, máy làm đất, máy gieo hạt... để gửi về nhà, phục vụ cho quá trình làm rau sạch sau này. “Hơn 10 năm đi xuất khẩu lao động, người ta gửi tiền về nhà, còn vợ chồng tôi chỉ gửi công cụ làm vườn” - chị Cuối cười.
 
Khi nghe tin nhà nước có chính sách về dồn điền đổi thửa, đẩy mạnh nông nghiệp công nghệ cao, vợ chồng chị Cuối nhận thấy đây là cơ hội tốt để trở về quê hương thực hiện dự định của mình. Đầu năm 2017, anh chị về nước và bắt tay vào trồng rau sạch tại quê hương Đan Phượng.
 
Với 3ha đất bãi của nhà và thuê thêm của bà con xung quanh, anh chị quyết định đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới. Cấu trúc nhà màng đơn giản, dễ lắp ráp, không cần làm móng, thanh treo tùy chọn phù hợp theo diện tích, hệ thống thông gió bên hông, nước tưới tự động qua hệ thống lọc. Trang trại không lên luống, xử lý nấm bệnh bằng máy đốt dùng khí ga, gieo hạt bằng máy từ trong ra ngoài, gieo xong đóng cửa, tưới giữ ẩm bằng pép phun sương chờ ngày thu hoạch... Sau 2 năm thực hiện hiệu quả, anh chị mở rộng mô hình đến 15 mẫu đất để phục vụ canh tác nông nghiệp công nghệ cao.
 
Theo chị Cuối, so với canh tác truyền thống chỉ được 3-5 tạ/sào thì trồng rau công nghệ cao cho năng suất gấp 5-6 lần. Đặc biệt, sản xuất rau hữu cơ theo công nghệ cao hạn chế tối đa tác động của thời tiết nên có thể tăng thêm nhiều vụ, vụ nào cũng là vụ canh tác chính. Ngoài ra, mô hình rau hữu cơ của vợ chồng chị Cuối được sử dụng toàn bộ bằng chất liệu tự nhiên như đạm cá, giun quế, lạc, đậu tương để ủ phân thay thế phân bón hóa học, thuốc trừ sâu tự chế, nguồn nước đảm bảo xử lý qua 3 bộ lọc được kiểm tra nghiêm ngặt, nước tưới cũng là nước ăn của gia đình.
 
Do đó, chất lượng sản phẩm rau làm ra an toàn, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường sinh thái.
 
Hiện bên cạnh các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, dền, rau muống... trang trại còn trồng thêm súp lơ, ngô, dưa chuột, măng tây, hẹ... mang lại thu nhập hàng tỷ đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho 10-15 lao động với mức lương trung bình 5-7 triệu đồng/tháng. Toàn bộ sản phẩm rau được các bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp, 16 trường mầm non trong huyện, các chợ lân cận và chuỗi Toomato, Bactom đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 
 
Ngoài ra, chị còn tích cực tham gia ủng hộ với số tiền hơn 100 triệu để làm đường đi giao thông nội đồng. Không dừng ở đó, chị và chồng còn tận tình hướng dẫn và chuyển giao những tiến bộ khoa học cho các hộ nông dân trong huyện sản xuất rau và áp dụng kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn hữu cơ, để các hộ cùng phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. “Mô hình này rất phù hợp ngay cả ở quy mô đầu tư hộ gia đình có diện tích đất không lớn, nhiều hộ gia đình trồng rau hữu cơ theo công nghệ cao của vợ chồng anh chị đã bắt đầu có thu nhập” – chị Cuối nói.
 
Quỳnh An 

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Điện Biên - địa chỉ đỏ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

(PNTĐ) - Trong không khí nhộn nhịp của Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024 và các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh đất Điện Biên anh hùng là địa chỉ đỏ không thể bỏ lỡ trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đến Điện Biên dịp này, du khách hòa mình vào không khí đặc biệt trong những ngày tháng lịch sử.
Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

Nhiều hoạt động thiết thực hướng về Điện Biên Phủ anh hùng

(PNTĐ) - Thực hiện Kế hoạch số 84/KH-BCA-X03 ngày 26/02/2024 của Bộ Công an về tổ chức phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc”, thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) Đoàn công tác của Cụm Thi đua số 2 – Bộ Công an gồm 05 đơn vị do đồng chí Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập cảnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, dân vận, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại tỉnh Điện Biên.