Làm lộ đề thi, hai giảng viên đại học lĩnh án

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiều 14/7, TAND TP Hà Nội tuyên án vụ án làm lộ đề thi môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hồi năm 2021.

Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Thị My (60 tuổi) mức án 13 tháng 4 ngày tù, bằng thời gian tạm giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh, bị cáo Bùi Văn Sâm (74 tuổi) lãnh mức án 12 tháng cải tạo không giam giữ.

Làm lộ đề thi, hai giảng viên đại học lĩnh án - ảnh 1
Hai bị cáo tại toà

HĐXX đánh giá hành vi của các bị cáo vì động cơ cá nhân, làm trái công vụ, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước, dẫn đến thiếu tính công bằng, minh bạch, gây bức xúc cho dư luận. Từ đó, ảnh hưởng xấu đến kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021.

Theo HĐXX, kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia là kỳ thi không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong việc đánh giá, khảo sát năng lực của các trí thức trẻ - những người chủ tương lai của đất nước, mà còn là thước đo kết quả của công tác giáo dục và đào tạo. Kết quả các kỳ thi từng năm sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến từng mặt của đời sống xã hội, tương lai của các thế hệ thanh thiếu niên. Nên nếu xảy ra hiện tượng tiêu cực xung quanh việc tổ chức kỳ thi sẽ gây phản ứng không tốt trong dư luận xã hội, ảnh hướng xấu đến uy tín của nhà nước, ngành giáo dục.

"Thời điểm mà các bị cáo thực hiện các hành vi trái công vụ diễn ra trong giai đoạn làm ngân hàng câu hỏi nên về bản chất đây không phải là vụ án lộ đề thi. Song các hành vi này đã taọ ra dư luận không tốt trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2021", bản án nêu.

Trong phần xét hỏi trước đó, hai bị cáo cơ bản thừa nhận các hành vi như cáo buộc, song đều với nhận thức "ngây thơ, đơn giản", rằng kiến thức là chung, giảng dạy nội dung kiến thức cho học sinh sắp thi sẽ không có vấn đề gì.

Song theo phân tích của HĐXX, các câu hỏi được họ biên soạn trong thời gian được Bộ Giáo dục Đào tạo phân công ra ngân hàng câu hỏi và ra đề thi chính thức cho đợt thi Tốt nghiệp TPHP Quốc gia, do đó, đây không phải "kiến thức" đơn thuần, mà là câu hỏi sử dụng trong đợt thi, là sản phẩm trí tuệ và tài liệu bảo mật mà chỉ Bộ Giáo dục Đào tạo có quyền sử dụng.

HĐXX đánh giá, ngân hàng câu hỏi không thuộc danh mục "Bí mật Nhà nước" của Bộ Giáo dục Đào tạo mà chỉ thuộc dạng tài liệu bảo mật nội bộ. Còn đề thi các bị cáo tham gia lựa chọn trong giai đoạn sau, thuộc danh mục "Bí mật Nhà nước", ở mức "Tối mật".

Thời điểm mà các bị cáo thực hiện các hành vi trái công vụ diễn ra trong giai đoạn làm ngân hàng câu hỏi, đo đó về bản chất đây không phải là vụ án lộ đề thi. Song việc xét xử các bị cáo còn là bài học cảnh tỉnh với người khác manh tâm phạm tội tương tự, tòa nêu.

Các bị cáo đã được ký cam kết bảo mật thông tin trước khi tham gia 5 đợt công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi, do đó, tòa đánh giá, hai bị cáo "biết và buộc phải biết" các hành vi của mình không được cho phép.

Đối với luận điểm của luật sư cho rằng các bị cáo không được tính là cán bộ, nhân viên nhà nước, do đó không thể truy tố, xét xử về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, HĐXX phân tích, Luật phòng chống tham nhũng quy định "người được giao thực hiện nhiệm vụ công vụ nhất định và có quyền hạn thực hiện quyền và công vụ đó.

Việc soạn câu hòi cho ngân hàng câu hỏi, xếp thứ tự câu hỏi, lựa chọn đề thi chính thức là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và đào tạo, bằng các quyết định đã giao Cục khảo thí. Ông Sơn, bà My đã được giao nhiệm vụ Tổ trưởng, Tổ phó, là người cuối cùng sắp xếp thứ tự câu hỏi, phục vụ cho giai đoạn làm đề thi tiếp theo.

Tòa do vậy đánh giá, cả hai bị cáo đều là những "người có nhiệm vụ, quyền hạn", bị ràng buộc bởi các quy định của luật. Việc truy tố xét xử các bị cáo tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, do đó, là có cơ sở, đúng pháp luật.

Bản án xác định, để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đề thi theo hai giai đoạn: xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi. Trong cả 5 đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi, ông Sâm và bà My được phân công làm Tổ trưởng và Tổ phó, xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và tham gia Hội đồng ra đề thi môn Sinh học.

Ở giai đoạn 1, khi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi,VKS cáo buộc bà My 3 lần mang các tài liệu ra khỏi khu vực quy định, gồm các bảng thống kê số lượng câu hỏi mới được biên soạn. Bà chỉnh sửa, hoàn thiện trên máy tính ở nhà, rồi in đưa ông Sâm.

Nhận các tài liệu trên, ông Sâm chỉnh sửa trực tiếp trên bản in, trao đổi để bà My ghi chép lại, đưa về nhà chỉnh sửa, hoàn thiện. Họ sau đó đưa nội dung câu hỏi này vào ngân hàng câu hỏi trong các đợt xây dựng ngân hàng câu hỏi tiếp theo.

Biết được quy luật rút câu hỏi của phần mềm quản lý của Bộ Giáo dục và đào tạo, hai người thống nhất sắp xếp câu hỏi do mình biên soạn, biên tập vào các vị trí "ngắm sẵn" với mục đích để khi được chọn thì các câu hỏi này sẽ cùng một tổ hợp. Sau đó khi tham gia Hội đồng ra đề thi, họ sẽ chọn các tổ hợp câu hỏi này để làm đề thi chính thức.

Cùng quá trình đó, hai bị can dùng các câu hỏi đã được đưa vào ngân hàng câu hỏi thi để ôn thi cho 8 học sinh lớp 12 "có mối quan hệ họ hàng, quen biết" muốn xét tuyển Đại học khối B.

Ông Sâm và bà My được cơ quan điều tra xác định "không nhận tiền của phụ huynh, học sinh", phạm tội vì "nể nang, tình cảm cá nhân". Ông Sâm khai món quà duy nhất được nhận từ phụ huynh là một hộp sâm Hàn Quốc, đã giao nộp công an trong giai đoạn điều tra.

Ở giai đoạn 2, ra đề thi, ngày 8/6/2021, Hội đồng ra đề thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 được thành lập. Bà My được làm Tổ trưởng Tổ ra đề thi môn Sinh học, khi nhận 16 tổ hợp câu hỏi, đã định hướng lựa chọn 4 mã đề do mình và ông Sâm biên soạn làm đề thi chính thức. Các thành viên trong Tổ đồng ý.

Sau thẩm định, phản biện, chỉnh sửa, 4 mã đề này có một số thay đổi song nội dung giữ nguyên, được Hội đồng ra đề thi phê duyệt làm 4 đề thi chính thức môn Sinh học dùng cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2021.

Sau khi báo chí phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn Sinh. Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Giáo dục và đào tạo kiểm tra, xác minh. Bà My và ông Sâm bị khởi tố ngày 10/6/2022.

Tin cùng chuyên mục

Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

Bàn giải pháp phát triển đô thị Hà Nội xanh bền vững

(PNTĐ) - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị xanh theo hướng bền vững. Hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp và nhiều diễn giả là chuyên gia hàng đầu về phát triển quy hoạch, phát triển đô thị đã tập trung thảo luận các khung pháp lý,cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hơn nữa các đô thị theo hướng xanh, bền vững.
Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

Để sông Tô Lịch thành “dải lụa xanh” của Thủ đô

(PNTĐ) - Sông Tô Lịch đang từng bước chuyển mình, dần trở nên thân thiện với người dân khi dọc hai bên bờ sông được cải tạo thành đường đi bộ. Nỗ lực hồi sinh sông Tô Lịch đang tiếp tục được thực hiện từng bước bằng những chỉ đạo quyết liệt, cụ thể của lãnh đạo Thành phố tại các dự án vệ tinh nhằm bổ trợ nguồn nước và giảm tải nguồn gây ô nhiễm. Người dân Thủ đô kỳ vọng trong tương lai sông Tô Lịch sẽ là “dải lụa xanh” của Hà Nội, cùng Thủ đô vươn mình đón “kỷ nguyên xanh”.