Lan tỏa tinh thần Tết Việt

NGUYỄN THANH
Chia sẻ

(PNTĐ) -Không chỉ đánh dấu thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, Tết Nguyên đán của người Việt còn chứa đựng cốt cách, tinh thần dân tộc thông qua những phong tục, nghi thức cổ truyền đầy ý nghĩa. Bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp này, các chương trình, hoạt động tìm về truyền thống nở rộ mỗi dịp Tết đến, xuân về giống như lời nhắc nhở, khích lệ cộng đồng chung tay gìn giữ, lan tỏa tinh thần Tết Việt trong đời sống hôm nay.

Đã thành thông lệ, giáp Tết Nguyên đán là thời điểm Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động “Tết Việt - Tết phố”, nhằm lan tỏa nét đẹp văn hóa ngày Tết cổ truyền dân tộc. Năm nay, chương trình bắt đầu từ ngày 9-1, với việc tái hiện lễ rước cửa đình, cáo yết thành hoàng, cúng tổ nghề, dựng cây nêu… và diễn xướng nghệ thuật dân gian tại di tích đình Kim Ngân. Trước đó, tại nhiều điểm đến di sản, giao lưu văn hóa phố cổ, như: Ngôi nhà di sản, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ, Không gian nghệ thuật 22 phố Hàng Buồm… cũng được trang hoàng thành các không gian đón Tết theo kiểu người Hà Nội xưa, xen kẽ với đó là các hoạt động quảng bá nghề thủ công truyền thống, giới thiệu phong tục, tập quán ngày Tết hay con giáp của năm…, giúp công chúng và du khách có hình dung rõ ràng, đầy đủ hơn về dịp lễ, Tết quan trọng nhất trong năm của người Việt.

Lan tỏa tinh thần Tết Việt - ảnh 1
Các hoạt động truyền thống được tái hiện trong chương trình “Tết Việt - Tết phố” năm 2023 do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức.

Bà Lê Ngọc Mai (phố Quán Thánh, quận Ba Đình) rất ấn tượng với chuỗi hoạt động “Tết Việt, Tết phố” tại khu phố cổ. “Tham gia chương trình, tôi được chiêm ngưỡng, hiểu hơn về cách đón Tết của người xưa, được khuyến khích mặc áo dài và tham gia các nghi thức tại đình, trải nghiệm phong tục xin chữ cầu may cùng các chương trình diễn xướng văn hóa dân gian. Mỗi hoạt động đều mang lại cho tôi nhiều xúc động và thấy thêm trân trọng, yêu mến văn hóa nước mình hơn”, bà Lê Ngọc Mai chia sẻ.

Cũng trong thời gian này, tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội khởi động chương trình Tết Việt 2023, với không gian trưng bày hoa cây cảnh mùa xuân; không gian tái hiện nghi lễ Chính đán trong Hoàng cung Thăng Long xưa và không gian trưng bày Tết truyền thống, giới thiệu những phẩm vật không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền, thú chơi tranh Tết và những phong tục đón Tết đậm đà bản sắc, như: Treo câu đối, mừng tuổi, xin chữ đầu năm… Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội Nguyễn Thanh Quang, “Tết Việt” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long luôn có các nghi thức truyền thống là lễ cúng ông Công, ông Táo tại Điện Kính Thiên; phóng sinh cá chép tại dòng sông cổ và dựng cây nêu trước Đoan Môn…, nhằm tạo dựng một không gian đậm đà bản sắc.

Càng gần tới Tết Nguyên đán, các hoạt động khích lệ cộng đồng tìm về truyền thống lại càng nở rộ, cho thấy ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa luôn hiện hữu trong xã hội. Tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam có chương trình “Trải nghiệm Tết Việt vùng Kinh Bắc” với các hoạt động trình diễn nghệ thuật và trải nghiệm trò chơi dân gian; khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức “Hội chữ xuân”, nhằm mục đích bảo tồn, phát huy phong tục truyền thống lành mạnh dịp đầu năm của người Việt, còn Bảo tàng Hà Nội tổ chức chương trình “Chạm Tết xưa, đón Tết nay” với nhiều hoạt động vui chơi, trải nghiệm đậm đà bản sắc dân tộc… Nhiều không gian văn hóa khác, như: Làng cổ Đường Lâm, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Phố bích họa Phùng Hưng… thì phục dựng không gian Tết xưa, giới thiệu không khí Tết vùng cao, Tết làng cổ… bằng một loạt hoạt động trải nghiệm văn hóa hấp dẫn, riêng có.

Theo Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo, những hoạt động bổ ích, thiết thực này sẽ góp phần tôn vinh giá trị văn hóa, tạo sự đoàn kết, gắn bó, bồi đắp niềm tự hào với truyền thống của dân tộc nói chung và ngày Tết nói riêng; đồng thời là cầu nối, giúp du khách hiểu sâu sắc, chân thực bản sắc văn hóa, nét đẹp truyền thống của dân tộc.

Nói về những nỗ lực phục dựng Tết cổ truyền của cộng đồng nhiều năm qua, Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết, Tết Nguyên đán của người Việt mang ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện sâu sắc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, sự gắn kết của gia đình, cộng đồng xã hội. Đây còn là dịp để mọi người tìm về nguồn cội, khơi dậy, lan tỏa những giá trị văn hóa tốt đẹp, đã làm nên tinh thần, hồn cốt dân tộc.

Theo https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/828516/lan-toa-tinh-than-tet-viet

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.