Nạn nhân bạo lực gia đình:

Lên tiếng để bước đến con đường sáng

BÀI VÀ ẢNH QUỲNH AN
Chia sẻ

(PNTĐ) -Các nạn nhân bị bạo lực gia đình đã mạnh mẽ đối diện thực tế, tìm kiếm sự giúp đỡ và hỗ trợ từ cộng đồng, trong đó có Ngôi nhà Bình yên để mạnh dạn bước về phía ánh sáng, tìm lại hạnh phúc của cuộc đời mình.

Lên tiếng để bước đến con đường sáng - ảnh 1
Chị P.N.L (nạn nhân bị bạo lực, người thứ hai từ phải sang) chia sẻ với các chuyên gia tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Trung tâm Phụ nữ và Phát triển

Chị K là một trong số các trường hợp mà cả 5 mẹ con chị lần lượt tạm lánh tại Ngôi nhà Bình yên (Trung tâm Phụ nữ và phát triển, Hội LHPN Việt Nam) do bị chồng bạo hành nghiêm trọng. Chị kết hôn năm 2004 và có 4 con. Quá trình chung sống, chị thường xuyên bị chồng bạo hành đến nhập viện. Vì quá đau khổ, chị đã từng tự tử nhưng bất thành.

Chị cũng đã từng làm thủ tục ly hôn, nhưng trước sự níu kéo của chồng, chị lại tha thứ. Tháng 3/2021, chồng chị tiếp tục cầm dao đe dọa và dùng gậy sắt đánh chị bị thương. Trong cơn bĩ cực, chị bế con út bỏ trốn ra Hà Nội, tạm lánh ở Ngôi nhà Bình yên. Biết tin, chồng chị tiếp tục tìm mọi cách để ép vợ quay về, như đe dọa đánh đập các con ở quê...

 Nhờ sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, công an và chính quyền địa phương, các nhân viên Ngôi nhà Bình yên đã đưa các con chị K ra Hà Nội tạm lánh với mẹ. 7 tháng tạm lánh ở Ngôi nhà Bình yên, chị K được chăm sóc sức khỏe, điều trị tâm lý, cung cấp kiến thức pháp luật…, đồng thời hỗ trợ thủ tục ly hôn. Các con của chị được tạo điều kiện để đi học. Sau khi ly hôn, chị K tự tin hơn, tham gia các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng sống, khởi nghiệp kinh doanh và được Ngôi nhà Bình yên hỗ trợ gói sinh kế để chị mở một quán ăn bình dân, cuộc sống dần ổn định…

Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (2002-2022) với chủ đề “CWD-20 năm kiến tạo nền tảng, khát vọng vươn xa” do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển tổ chức ngày 19/7 mới đây, chị P.N.L (45 tuổi, trú tại Thường Tín, Hà Nội) nghẹn ngào chia sẻ: “Gần 20 năm, chị phải sống trong cuộc sống hôn nhân đầy nước mắt khi chung sống với người chồng vũ phu, bạo lực.

Đều đặn 1 tuần vài lần, chồng chị lại gây sự, đánh mắng vợ. Vì thương con, chị cố gắng chịu đựng, nhưng như thế chồng chị càng lấn tới. 5 năm trước, lúc đó con gái của chị học lớp 12 và bắt đầu thi đại học. Đúng ngày thi của con, chồng chị lôi vợ ra đánh bầm dập, gãy xương sườn và còn dùng kéo đâm chị bị thương”. 

“Lúc đó, tôi vô cùng bế tắc, không biết đi đâu, về đâu, trong đầu chỉ nghĩ đến cái chết. May mắn, có người gợi ý cho tôi gọi vào đường dây tư vấn của Ngôi nhà Bình yên. Sau khi nghe tư vấn, các nhân viên của Ngôi nhà Bình yên đã đưa tôi đến đây để tạm lánh” - chị N.L xúc động.  

Phải mất 1 thời gian trị liệu, chị N.L mới ổn định lại. Chị còn được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý nên nhanh chóng ly hôn được với chồng. “Con gái tôi giờ đã tốt nghiệp đại học, chuẩn bị đi làm. Tôi cảm ơn các cán bộ Ngôi nhà Bình yên, bởi nhờ có họ, có cộng đồng không bỏ mặc mà mẹ con tôi đã sống sót và tìm lại được niềm vui, hạnh phúc” - chị N.L nói.

Bà Lê Thị Thủy - nguyên là Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển cho biết: Hoàn cảnh của chị N.L chỉ là một trong hàng nghìn nạn nhân của bạo lực gia đình được hỗ trợ. Nhiều trường hợp mà Trung tâm can thiệp, giúp đỡ còn bi đát hơn. Có người bị chồng bạo hành tinh thần, bị đánh đập suốt nhiều năm nhưng các nạn nhân vẫn cam chịu hoặc không thể bỏ chạy vì bị cấm đoán hoặc không thể ly hôn. Sau khi được nhân viên tham vấn hỗ trợ hầu hết các trường hợp can thiệp đều có kết quả tích cực. 

Chia sẻ về những đóng góp tích cực của Ngôi nhà Bình yên trong hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, bà Dương Thị Ngọc Linh, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển nhấn mạnh: Hiện Trung tâm đã thành lập, vận hành hiệu quả 3 Ngôi nhà Bình yên tại Hà Nội và Cần Thơ. 

“Chúng tôi đang vận hành Tổng đài hỗ trợ phụ nữ, trẻ em 1900969680 và phần mềm quản lý ca nhằm tư vấn kịp thời 24/7 cho phụ nữ và thu thập thông tin, số liệu các trường hợp tiếp cận dịch vụ phục vụ công tác, đánh giá tình hình và tham mưu chính sách về bình đẳng giới. Hơn 20 năm qua, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển đã tổ chức được 16.114 ca tham vấn với 19.513 người được tham vấn. Hàng trăm ca tham vấn cộng đồng và kết nối hỗ trợ giải quyết tại các địa phương. Các trường hợp đến với Ngôi nhà Bình yên thường bị bạo lực nặng nề, lâu dài, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng nên 100% nạn nhân đến với Ngôi nhà Bình yên đều được hỗ trợ tham vấn xã hội, hỗ trợ pháp lý nhằm đảm bảo các quyền lợi về nuôi con, phân chia tài sản… Hơn 90% trẻ em được hỗ trợ theo học kịp thời, không bị gián đoạn việc học (trừ trường hợp trẻ bị mất an toàn khi đến trường); 70% phụ nữ chưa có nghề đã được học nghề và có việc làm phù hợp với năng lực và tìm được việc làm ổn định sau khi hồi gia…” – bà Ngọc Linh nói.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.