Mì chính “3 không” tràn lan trên thị trường
(PNTĐ) - Mì chính (bột ngọt) không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bán tràn lan trên thị trường khiến người tiêu dùng lo sợ ảnh hưởng tới sức khoẻ khi đây là gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, để xử lý triệt để vấn đề này là bài toán chưa có lời giải.
Mập mờ nguồn gốc, xuất xứ
Khảo sát của phóng viên tại nhiều siêu thị trên địa bàn Hà Nội, không khó để nhận biết các sản phẩm mì chính “3 không” (không nhãn mác, không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ) được tiêu thụ nhan nhản trên thị trường. Tại một cửa hàng trong khu vực chợ dân sinh cầu Lủ (quận Hoàng Mai), khi được hỏi mua mì chính số lượng lớn với giá thành rẻ để chuẩn bị mở quán ăn, người bán cho biết, có sản phẩm mì chính đựng trong bao tải với nhiều trọng lượng khác nhau từ 5-25kg/bao. Đây là mì chính được nhập từ nước ngoài về bán với giá chỉ 30.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho các quán ăn. Thế nhưng, khi người mua muốn xem trực tiếp sản phẩm thì người bán từ chối với lý do “không để ở đây vì sợ bị kiểm tra”. Nếu người nào muốn mua thì để lại số điện thoại và địa chỉ nhận sẽ có người vận chuyển đến, nhận hàng mới thanh toán tiền.
Trước đó, ngày 4/7/2024, Công an huyện Đông Anh phát hiện Lương Thị Bích đang giao mì chính ghi nhãn một nhãn hiệu nổi tiếng tại một cửa hàng trên địa bàn xã Liên Hà. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận có 20 gói loại 1kg; 30 gói loại 454gam. Lực lượng chức năng còn thu giữ thêm một số gói mì chính giả thương hiệu này tại cửa hàng.
Cuối năm 2023, lực lượng chức năng huyện Đông Anh cũng tạm giữ đối tượng Trần Văn Hồng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) sau khi phát hiện 62 gói mì chính giả loại 454g và 1kg, gần 1.000 bao bì tem nhãn giả có ghi bột ngọt Nhật Bản được đối tượng sử dụng để sản xuất, đóng gói mì chính giả, cùng nhiều loại thiết bị, dụng cụ như máy ép nhiệt, cân đĩa. Tại cơ quan công an, Trần Văn Hồng khai nhận, do sức tiêu thụ mặt hàng mì chính của các hãng dịp giáp Tết là rất lớn nên đã mua mì chính loại được đóng theo bao tải, không rõ nguồn gốc, sau đó đóng vào các gói ghi nhãn chính hãng để bán ra thị trường kiếm lời.
Nhan nhản mì chính “3 không”
Liên quan đến mì chính không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thông tin từ Tổng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, đầu tháng 10 vừa qua đã có văn bản gửi các tỉnh Vĩnh Phúc, TP Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Trị, Bình Định, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, An Giang xác minh nguồn gốc xuất xứ, sang chiết, đóng gói, ghi nhãn mì chính.
Qua xác minh và kiểm tra sơ bộ đã phát hiện 26 tổ chức, cá nhân tại 9 tỉnh, thành gồm: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, An Giang, Bình Định, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Trị có hành vi sang chiết, đóng gói mì chính không rõ nguồn gốc xuất xứ để tiêu thụ tại các chợ, tạp hóa... toàn quốc. Các tổ chức, cá nhân không phải là công ty sản xuất mì chính trực tiếp được cấp phép tại Việt Nam. Cùng đó nhiều sản phẩm mì chính được đóng gói cũng không rõ thông tin về thời hạn sử dụng. Đơn cử, như Công ty TNHH thực phẩm Starfood Việt Nam có sản phẩm mì chính King và Arion (trên bao bì chỉ ghi địa chỉ là số 27/533 đường Tam Trinh, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai; đóng gói tại: Số 93 Lĩnh Nam, phường Mai Động, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Công ty này cũng có thêm sản phẩm mì chính Aji-Gold (trên bao bì có ghi địa chỉ số 30, Lô N5A, khu tái định cư X2B phường Yên Sở, quận Hoàng Mai). Nhưng khi Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội kiểm tra, Công ty TNHH thực phẩm Starfood Việt Nam đã chuyển cơ sở sản xuất tại số 93 Lĩnh Nam và không còn ở địa chỉ nói trên, hiện chưa tìm thấy địa chỉ mới. Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đang tiếp tục xác minh các cơ sở khác.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, cơ quan quản lý thị trường tỉnh cũng tiến hành xác minh, kiểm tra cơ sở đóng gói mì chính nhãn hiệu Asato (tên ghi trên bao bì là Công nghệ sản xuất và thương mại thực phẩm Nhân Thịnh - TTT Phúc Sơn, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc). Khi cơ quan chức năng đến địa chỉ trên cũng không tìm thấy tên cơ sở đóng gói; địa chỉ ghi trên bao bì cũng không chính xác. Ngoài ra trên thị trường còn phát hiện một số sản phẩm có tên mì chính Kimochi, Sakara, Fuji-Moto, Acook, Famimoto, Phuta777, Sela... không ghi thông tin xuất xứ hàng hóa, ngày đóng gói; không thông tin tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa hoặc ghi nhãn không đúng, không theo quy định.
Cục Quản lý thị trường một số địa phương cho biết qua xác minh, khảo sát, kiểm tra tại một số địa phương ghi nhận nhiều cơ sở có "địa chỉ ảo", không có thật. Kiểm tra một số cơ sở đóng gói mì chính theo địa chỉ ghi trên bao bì, cơ sở đã ngưng sản xuất, không lưu mẫu.