Mô hình CLB Liên thế hệ Tự giúp nhau: Thành quả bền vững từ sự gắn kết cộng đồng tại quận Tây Hồ
(PNTĐ) - Sau 5 năm triển khai Đề án 1336 của Chính phủ về xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ Tự giúp nhau (CLB LTHTGN), quận Tây Hồ đã ghi nhận những thành tựu nổi bật, cho thấy sự kết hợp hiệu quả giữa định hướng chính sách và sự chủ động sáng tạo tại địa bàn.
Trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số ngày càng tăng, mô hình CLB LTHTGN không chỉ mang tính nhân văn sâu sắc mà còn là giải pháp khả thi để phát huy vai trò người cao tuổi, thúc đẩy gắn kết xã hội và phát triển cộng đồng bền vững.

Mô hình thực chất, hiệu quả từ cơ sở
Thông tin tại Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Đề án 1336 của Chính phủ, về xây dựng và nhân rộng mô hình CLB LTHTGN, vào sáng 23/5, bà Trần Thị Thu Hường - Chủ tịch Hội NCT quận Tây Hồ khẳng định: Đây là mô hình không chỉ vì người cao tuổi, mà là vì cả cộng đồng”.
Cụ thể, sau 5 năm triển khai (2020-2025), mô hình CLB LTHTGN đã trở thành một điểm sáng trong công tác chăm sóc, phát huy vai trò NCT tại quận Tây Hồ. Theo báo cáo của Hội NCT quận, tính đến tháng 4/2025, 100% phường trên địa bàn quận (8/8) đã thành lập CLB LTHTGN. Mỗi CLB đều hoạt động nền nếp, đúng định hướng, trở thành hạt nhân gắn kết các thế hệ và tạo dựng cộng đồng tương thân tương ái.
Không đơn thuần là nơi sinh hoạt văn hóa, CLB LTHTGN tại Tây Hồ còn là mô hình hội tụ nhiều chức năng: từ chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tăng thu nhập, bảo vệ quyền lợi, đến lan tỏa tinh thần sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau. Hiện toàn quận có 509 hội viên đang tham gia CLB.

Trong đó 355 người từ 55 tuổi trở lên và 154 người dưới 55 tuổi - minh chứng cho tính chất “liên thế hệ” thực chất chứ không chỉ là khẩu hiệu. Đặc biệt, có tới 392 hội viên là phụ nữ, chiếm hơn 77% - phản ánh vai trò chủ động và tích cực của phụ nữ cao tuổi trong cộng đồng dân cư đô thị.
Một trong những điểm nhấn đáng ghi nhận là hoạt động hỗ trợ kinh tế. Toàn bộ 8 CLB đều thành lập tổ tăng thu nhập, tổ chức cho vay vốn quay vòng với sự tham gia của 28 hội viên.
Tổng quỹ các CLB hiện lên tới hơn 412 triệu đồng, trong đó có một CLB huy động được tới 159,1 triệu đồng - một con số đáng nể trong bối cảnh kinh phí hỗ trợ từ bên ngoài còn hạn chế. “Chúng tôi không trông chờ hoàn toàn vào ngân sách mà phát huy nội lực của chính cộng đồng”, một thành viên Ban Chủ nhiệm chia sẻ tại hội nghị.

Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe cũng là một nội dung được các CLB đặc biệt chú trọng. 8/8 CLB đều tổ chức tập dưỡng sinh, khám sức khỏe định kỳ, đo huyết áp, cân nặng cho hội viên. Trong 5 năm qua, đã có 44 lượt khám sức khỏe được tổ chức, giúp NCT tầm soát bệnh sớm, duy trì lối sống lành mạnh và chủ động phòng ngừa các vấn đề sức khỏe tuổi già.
Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đánh giá cao hoạt động tình nguyện của các CLB. Trung bình mỗi CLB hiện có 3 hội viên nhận được sự chăm sóc thường xuyên từ các tình nguyện viên tại nhà, đặc biệt là các cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Với 23 lượt chăm sóc tại nhà được ghi nhận và 30 lượt hỗ trợ hoạt động cộng đồng, mô hình CLB LTHTGN đã thực sự trở thành chỗ dựa tinh thần, vật chất cho người cao tuổi tại khu dân cư.
Gắn kết thế hệ, bồi đắp cộng đồng nhân ái
Nói tới sự đa dạng trong hoạt động của CLB LTHTGN quận Tây Hồ, không thể không nhắc đến các chương trình truyền thông, phổ biến chính sách pháp luật. 19 buổi truyền thông về quyền và lợi ích người cao tuổi đã được tổ chức, giúp hội viên nắm vững các chính sách liên quan, biết cách tự bảo vệ quyền lợi và tham gia tích cực vào đời sống xã hội. Cùng với đó, các chương trình văn nghệ, giao lưu văn hóa, sinh hoạt định kỳ cũng góp phần nuôi dưỡng đời sống tinh thần phong phú cho các cụ.

Đặc biệt, trong mô hình của Tây Hồ, dấu ấn của “liên thế hệ” không chỉ thể hiện ở mặt cơ cấu hội viên, mà còn qua sự tham gia ngày càng nhiều của thế hệ trẻ. Những người dưới 55 tuổi, có chuyên môn như bác sĩ, luật sư, kỹ sư đã tình nguyện tham gia CLB với vai trò tư vấn, hỗ trợ chuyên môn. Họ mang đến nguồn năng lượng mới, khơi thông dòng chảy tri thức, kinh nghiệm giữa các thế hệ - điều hiếm thấy ở nhiều mô hình xã hội hiện nay.
Ghi nhận và đánh giá cao những thành quả ấn tượng của CLB LTHTGN cũng như Hội NCT quận Tây Hồ, ông Phạm Minh Giáp, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi TP Hà Nội cũng nhấn mạnh vai trò tiên phong của quận trong việc triển khai hiệu quả Đề án 1336, biến các CLB LTHTGN thành những “mái nhà chung” ấm áp, nơi người cao tuổi được sẻ chia, hỗ trợ và phát huy trí tuệ, kinh nghiệm.
Ông Giáp cũng khuyến khích Hội NCT quận Tây Hồ tiếp tục phát huy những ưu điểm, đồng thời chủ động tìm kiếm các giải pháp sáng tạo để khắc phục những khó khăn, đặc biệt là trong việc đa dạng hóa nguồn quỹ và thu hút sự tham gia của thế hệ trẻ, biến kinh nghiệm của người cao tuổi thành sức mạnh cho sự phát triển cộng đồng.


Phó Chủ tịch Hội NCT thành phố tin tưởng rằng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của các hội viên, Hội NCT quận Tây Hồ sẽ tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành công, góp phần xây dựng một cộng đồng người cao tuổi khỏe mạnh, hạnh phúc và có ích cho xã hội.
Thành công của mô hình tại Tây Hồ cho thấy: Khi chính sách đi cùng hành động thực tiễn, khi cộng đồng đồng lòng, những điều tưởng như nhỏ bé lại tạo nên giá trị lớn lao và bền vững.