Nét đẹp trong xây dựng nông thôn mới nâng cao

Chia sẻ

Sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương tiếp tục triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu đáp ứng những tiêu chí, yêu cầu cao hơn với mục đích nhân văn: nâng cao chất lượng cuộc sống, để người dân được tiếp cận và thụ hưởng các điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục, văn hoá tốt hơn.

Cuộc sống mới ở xã nông thôn mới nâng cao

Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, xã NTM nâng cao Bát Tràng (huyện Gia Lâm) có nghề gốm sứ truyền thống nổi tiếng trong và ngoài nước. Thời gian qua, công tác xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn xã đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Còn tại xã Yên Viên, với những điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý và tài nguyên, con người, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã đã đồng lòng thực hiện mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, trở thành một trong 2 xã đầu tiên của huyện Gia Lâm về đích trong thực hiện nhiệm vụ này. Trên địa bàn huyện, xã NTM nâng cao Phù Đổng đang đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm nông nghiệp và du lịch sinh thái.

Không chỉ có hạ tầng khang trang, ở xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ), việc xây dựng NTM nâng cao đã góp phần cải thiện rõ rệt thu nhập và đời sống người dân. Bí thư Đảng ủy xã Lê Tiến Long cho biết, cùng với nghề mây tre đan xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ, nghề nhân giống cây trồng và trồng bưởi Diễn cũng mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân. Năm 2021, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã ước đạt 66 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 0,1%.

Xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ) cũng vừa được Đoàn thẩm định thành phố thẩm định xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu TP Hà Nội đề nghị Chủ tịch UBND thành phố ra quyết định công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2021. Chủ tịch UBND xã Hợp Đồng Nguyễn Duy Phố cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng NTM, xã đã phát động phong trào "Thi đua xây dựng nông thôn mới nâng cao" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới" tới các thôn, khu dân cư...

Nhờ vậy, sau 5 năm triển khai, cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, xã đã huy động được hơn 10 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng các công trình văn hóa, đường làng, ngõ xóm… Đặc biệt, việc hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, làng quê xã Hợp Đồng đã khang trang, giàu đẹp hơn.

Tương tự, diện mạo xã NTM nâng cao Liên Ninh (huyện Thanh Trì) cũng khác xa so với trước đây. Tất cả tuyến đường trục xã, liên xã, trục thôn, ngõ xóm đều được trải nhựa hoặc đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, ô tô đi lại dễ dàng; những nút giao thông trên trục đường xã, liên xã được bố trí hệ thống biển báo hiệu đường bộ, gờ giảm tốc, góp phần bảo đảm an toàn giao thông. 8/8 thôn ở xã Liên Ninh có nhà văn hóa, sân thể thao đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của nhân dân.

Xã nông thôn mới nâng cao Liên Ninh (huyện Thanh Trì) ngày càng khang trang, sạch đẹpXã nông thôn mới nâng cao Liên Ninh (huyện Thanh Trì) ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Sau khi đạt chuẩn NTM, nhiều xã tại các huyện ngoại thành tiếp tục thực hiện xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu. Trong câu chuyện về nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, để đạt chuẩn NTM nâng cao, các địa phương phải đáp ứng 19 tiêu chí như Bộ tiêu chí với xã đạt chuẩn NTM nhưng mức độ, yêu cầu cao hơn.

Ví dụ, với tiêu chí trường học, quy định cả 3 cấp trường đều đạt chuẩn quốc gia, trong đó tối thiểu 1 cấp trường mầm non hoặc tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học. Hay tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã phải có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của toàn xã; các thôn có điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho người già, trẻ em; có nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt văn hóa thể thao phục vụ cộng đồng...

Ghi nhận ở các địa phương cho thấy, việc nâng cao chất lượng các tiêu chí đã tạo nên bước chuyển về “chất” cho các làng quê NTM nâng cao so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM cách đây ít năm.

Mục tiêu của chương trình là nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của nông dân. Nội dung này cũng thể hiện rất rõ trong Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy khóa XVII về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”. Với tinh thần đó, các địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đều quyết tâm xây dựng NTM nâng cao.

 Tuyến đường Yên Viên - Đình Xuyên được đầu tư đồng bộ, cây xanh, vỉa hè thoát nước, chiếu sángTuyến đường Yên Viên - Đình Xuyên được đầu tư đồng bộ, cây xanh, vỉa hè thoát nước, chiếu sáng.

Bước chuyển mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa

Công cuộc xây dựng NTM ở Hà Nội có điểm đầu nhưng không có điểm cuối. Hoàn thành xây dựng xã NTM là tiền đề tập trung nâng cao các tiêu chí và các địa phương đều nỗ lực để sớm đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Lê Văn Thìn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng cho biết, Đan Phượng quyết tâm đạt huyện NTM kiểu mẫu vào năm 2023 trước khi phát triển lên quận. Để hoàn thành mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2021, huyện Đan Phượng đã chỉ đạo, rà soát toàn bộ tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu và tiêu chí các phường để xây dựng lộ trình, giải pháp thực hiện đối với từng xã.

Những ngày cuối năm 2021, 5 xã của huyện là Đan Phượng, Liên Hà, Song Phượng, Tân Hội và Thọ Xuân đã được Đoàn thẩm định thành phố đánh giá đủ điều kiện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021. Đây cũng là các xã đầu tiên của TP về đích NTM kiểu mẫu. Đối với 10 xã còn lại trên địa bàn huyện, chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM đều được nâng cao, cơ bản đạt 3 tiêu chí về văn hóa, y tế, giáo dục và hộ nghèo theo Quyết định 691/QĐ-TTg ngày 05/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Để những miền quê Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa theo hướng sinh thái, bền vững, văn minh, hiện đại, trong giai đoạn 2021-2025, Hà Nội dự kiến sẽ đầu tư vào khu vực nông thôn 92.680 tỷ đồng (tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020). Nguồn lực này được đánh giá là rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Điểm mấu chốt là các địa phương cần đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế nông thôn cũng như huy động xã hội hóa trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố và các địa phương cần làm tốt công tác quy hoạch và tổ chức thực hiện theo quy hoạch; ban hành và thực hiện các quy chế quản lý kiến trúc không gian làng quê; tập trung đầu tư hoàn thiện các thiết chế văn hóa nông thôn, xây dựng công viên cây xanh theo hướng văn minh, hiện đại; tập trung triển khai các tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM để mỗi làng quê thật sự là nơi đáng sống.

Cùng với đó, các địa phương cần tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển công nghiệp làng nghề, dịch vụ nông nghiệp…; đồng thời, trên cơ sở tiềm năng, lợi thế đặc thù, chú trọng đầu tư, quảng bá, kết nối, phát triển các mô hình du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa…; gắn việc phát triển các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp với du lịch…

Trong giai đoạn phát triển mới, các địa phương cần có những định hướng xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu phù hợp với điều kiện và thế mạnh riêng có.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2021, ước số hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020, toàn Thành phố còn 1.363 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,06%, đặc biệt có 7 huyện: Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Thanh Trì không còn hộ nghèo.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2021 đạt 71,1% (cao hơn 3,59% so với năm 2019 và 0,85% so với năm 2020). Tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom vận chuyển trong ngày khu vực nông thôn khoảng 90-95%.Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý đạt 99%. Tỷ lệ thôn, làng được công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa đạt 62%. Tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa đạt 88%.

 HÀ LINH

“Trang thông tin có sự phối hợp của Văn Phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội”

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.