Những cây cầu “chắp cánh” cho Thủ đô hội nhập phát triển
(PNTĐ) - Với định hướng phát triển thành đô thị hiện đại trục không gian trung tâm chạy dọc sông Hồng, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hà Nội sẽ được xây dựng thêm 10 cây cầu bắc qua sông Hồng, góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực ven đô và nội thị.
Trên sông Hồng, đoạn chảy qua thành phố Hà Nội hiện có 8 cây cầu đang được khai thác vận hành, mang sứ mệnh lịch sử kết nối giữa quá khứ với hiện tại, trở thành động lực “chắp cánh” cho Thủ đô trong hội nhập, tạo sức vóc mạnh mẽ và bền vững. 8 cây cầu đó gồm: Cầu Long Biên, cầu Chương Dương, cầu Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì; cầu Văn Lang (nối huyện Ba Vì với thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ); cầu Vĩnh Thịnh (nối thị xã Sơn Tây với huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).
Ảnh: Int
Trường tồn cùng lịch sử, nối quá khứ với hiện tại
Những cây cầu bắc qua sông Hồng ở Hà Nội không chỉ mang ý nghĩa quan trọng trong kết nối giao thông, giao thương phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô mà còn mang kiến trúc, vẻ đẹp đầy hoài cổ, là dấu tích khắc ghi lịch sử hào hùng của dân tộc qua các thời kỳ.
Cao tuổi nhất là cây cầu Long Biên đã vững bền qua 122 năm. Cây cầu được người Pháp đấu thầu xây dựng năm 1897, Công ty Daydé et Pillé trúng thầu mức kinh phí quy định không vượt quá 5,5 triệu franc. Ngày 12/9/1898, toàn quyền Đông Dương đã làm lễ khởi công xây dựng cầu, vị trí được chọn ngay nơi chiếc tàu của Pháp nổ súng bắn vào Ô Quan Chưởng và Cửa Bắc trước đó.
Sau gần 3 năm thi công, ngày 28/2/1902, cầu Long Biên chính thức được khánh thành và được đặt tên là Paul Doumer - tên của vị toàn quyền Đông Dương sở tại và trở thành một trong bốn cây cầu thép lớn nhất thế giới thời đó và là cây cầu có độ dài thứ hai trên thế giới (sau cầu Brooklyn của nước Mỹ). Sau ngày Hà Nội giải phóng, cầu được đổi tên thành cầu Long Biên.
Từ khi cầu được đưa vào sử dụng đã mở ra một thời kỳ mới của quá trình đô thị hóa Hà Nội, thúc đẩy kết nối giao thương với các tỉnh phía Bắc và Đông Bắc của đất nước. Cây cầu Long Biên bắc qua 3 thế kỷ đã chứng kiến bao thăng trầm, trở thành chứng nhân lịch sử cùng người dân Thủ đô kiên cường, vững vàng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong những ngày mùa thu năm 1954, cầu Long Biên chứng kiến những người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Hà Nội.
Năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đi vào giai đoạn ác liệt nhất, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định xây dựng cầu Thăng Long - cây cầu thứ hai bắc qua sông Hồng ở Hà Nội, sau cầu Long Biên.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ khốc liệt, để kết nối khu Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) với Hà Nội, Đảng và Nhà nước ta có chủ trương xây dựng một cây cầu lớn dành cho cả đường bộ và đường sắt. Sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, ngày 26/11/1974, cây cầu Thăng Long được khởi công xây dựng và chính thức khánh thành ngày 9/5/1985, sau 11 năm thi công, với sự giúp đỡ, viện trợ của Liên Xô (cũ). Cầu Thăng Long là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt-Xô.
Cầu Thăng Long có kết cấu thép, bản mặt cầu cũng bằng thép, vào thời điểm bấy giờ, đây là kỹ thuật xây dựng cầu rất hiện đại, lần đầu tiên được áp dụng ở Đông - Nam Á. Với tổng chiều dài toàn bộ cầu khoảng 10,7km, cầu được áp dụng những công nghệ hiện đại nhất, và được gọi “công trình thế kỷ” của Việt Nam thời bấy giờ.
Tháng 6/1983, Hà Nội tiếp tục khởi công xây dựng cầu Chương Dương và cầu được hoàn thành năm 1985 (sau cầu Thăng Long 1 tháng). Cầu Chương Dương được đánh giá là huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Thủ đô, kết nối hai bờ sông Hồng. Cây cầu thép - bê tông hoàn toàn do các kỹ sư và công nhân Hà Nội thiết kế, thi công trong thời gian ngắn. Tên cầu Chương Dương - được đặt theo một bến trên sông Hồng, nơi từng vang chiến thắng đánh bại quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII, để khơi dậy khí thế thi đua lao động sản xuất, tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc Việt Nam.
Ngay khi đi vào vận hành, ba cây cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương phát huy sứ mệnh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô, thông thương giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc, mang lại sự đổi thay lớn cho các địa phương ở hai bên cầu của Thủ đô, quá trình đô thị hoá nhanh lên, diện mạo từ làng lên phố đổi thay văn minh, hiện đại.
Kết nối, tạo tầm vóc mới cho Thủ đô
Tiếp theo ba cây cầu Long Biên, Thăng Long, Chương Dương, đầu thế kỷ XXI Hà Nội có thêm các cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy 1-2, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh (Sơn Tây), Văn Lang (Ba Vì). Mỗi cây cầu bắc qua dòng sông Hồng đều mang sứ mệnh về lịch sử, văn hoá, kinh tế, xã hội của Thủ đô và cả nước.
Cầu Thanh Trì chính thức được thông xe ngày 2/2/2007, trở thành cây cầu bê tông cốt thép lớn nhất Đông Nam Á với 6 làn xe chạy, có chiều dài hơn 12.000m (trong đó cầu chính qua sông dài 3.084m), rộng 33,10m. Cầu Thanh Trì góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ cho trục kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mang sứ mệnh thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bằng Bắc bộ.
Để chào đón Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, tháng 9/2010, cầu Vĩnh Tuy 1 được thông xe, với chiều dài 5.830m, trong đó, cầu chính qua sông dài 3.778m. Cầu có kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, gồm 77 nhịp, phần cầu chính được bố trí chuỗi nhịp dài 990m, đặt trên 2 mố và 76 trụ, trong đó 6 nhịp thông thuyền giữa sông dài 135m/nhịp, mặt cắt ngang 19,25m. Cầu Vĩnh Tuy 1 trở thành cây cầu rộng nhất Việt Nam.
Cầu Nhật Tân được khởi công tháng 3/2009 với sự giúp đỡ của Chính phủ Nhật Bản. Tháng 1/2015, cầu Nhật Tân gồm 4 làn xe, dài 8,3km được đưa vào sử dụng và trở thành cầu dây văng lớn nhất Việt Nam. Cầu nằm trên tuyến đường Vành đai 2, kết nối trung tâm Hà Nội với các khu công nghiệp phía Bắc. Cầu Nhật Tân đã tạo một điểm nhấn ấn tượng trong cảnh quan đô thị Hà Nội, một tuyến cao tốc đô thị hiện đại đẹp nhất miền Bắc.
Ngày 30/8/2023, cầu Vĩnh Tuy 2 được đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư lên đến 2.538 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn) khoảng 3,5km, mặt cắt ngang cầu trên toàn tuyến rộng 19,25m. Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, cầu Vĩnh Tuy trở thành cây cầu có chiều rộng mặt cắt ngang lớn nhất trong số các cây cầu bắc qua sông Hồng với 8 làn ôtô (40m).
Đến nay, 8 cây cầu bắc qua sông Hồng đã mang sứ mệnh lịch sử kết nối giữa quá khứ với hiện tại, trở thành động lực chắp cánh cho một Thủ đô cởi mở trong hội nhập, tạo sức vóc mạnh mẽ và bền vững, góp phần tạo diện mạo mới cho khu vực ven đô và nội thị.