Góp ý dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):
Những đề xuất về văn hóa Hà Nội sẽ dẫn dắt, định hướng cả nước
(PNTĐ) - Góp ý về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng: "Hà Nội – Không chỉ là Thủ đô chính trị mà còn là Thủ đô văn hóa của cả nước. Vì thế, những đề xuất về văn hóa giúp cho sự phát triển của Hà Nội sẽ dẫn dắt và định hướng cho sự phát triển văn hoá của đất nước".
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, Ban soạn thảo đã có rất nhiều điều khoản cho sự phát triển văn hoá Thủ đô. Từ chính sách về phát triển công nghiệp văn hoá hay chính sách ưu đãi cho hợp tác công tư, những chính sách đặc thù cho văn nghệ sĩ.
Mặc dù vậy, có thể có thêm được những chính sách, biện pháp để văn hoá Thủ đô có thể phát huy hơn nữa vị trí của mình. Cụ thể, trong Luật Thủ đô (sửa đổi), các lĩnh vực về công nghiệp văn hoá chỉ 4-5 lĩnh vực. Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hoá tầm nhìn đến năm 2030 có 12 lĩnh vực. Hà Nội có rất nhiều ngành có ưu thế như thời trang, phần mềm và các trò chơi giải trí, quảng cáo, thủ công mỹ nghệ, kiến trúc...cho nên dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cần được đưa thêm vào danh mục này.
Theo đại biểu, cần có chính sách tháo gỡ cho lĩnh vực hợp tác công tư, quản lý tài sản công cho Hà Nội, đặc biệt khi Hà Nội đang rất thận trọng với các thiết chế văn hoá như bảo tàng, các di tích lịch sử văn hoá.
"Những lĩnh vực này là vô cùng nhạy cảm. Nếu chúng ta không để ý, nếu làm thái quá một chút thì sẽ ảnh hưởng đến vật chất, ảnh hưởng đến những giá trị di tích, các thiết chế văn hoá này"- đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Hiện nay, một số di tích ở Hà Nội như Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng Thành – Thăng Long... đang nỗ lực tự gỡ khó cho mình bằng những dự án đổi mới hoạt động nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và cần giải pháp căn cơ, bền vững hơn từ một hành lang pháp lý liên quan đến đối tác công – tư, quản lý, sử dụng tài sản công.
Vì thế, theo đại biểu, Nhà nước chỉ nên giữ quyền quản lý, đưa ra các nguyên tắc, quy định quản lý, kiểm tra và giám sát quá trình quản lý và thực hiện các hoạt động ở các thiết chế văn hóa, khu di tích lịch sử, văn hóa, còn ở một số các dịch vụ nhất định như giải khát, trông giữ xe, thậm chí là tổ chức hoạt động du lịch tại các thiết chế và địa điểm này có thể hợp tác với các tổ chức và cá nhân bên ngoài để làm tốt hơn công việc của mình.
Hà Nội có một đặc thù là có rất nhiều các thiết chế văn hóa, thể thao trung ương tại Hà Nội như hệ thống các bảo tàng, thư viện, nhà hát, sân vận động,… đại biểu nêu liệu các thiết chế này có được hưởng các ưu đãi dành cho các thiết chế ở Hà Nội sau khi Luật Thủ đô (sủa đổi) được ban hành hay không?
"Tôi cho rằng, chúng ta nên cho phép các thiết chế văn hóa, thể thao trung ương này được áp dụng quy định tương tự khi chúng ta biết được rằng các quy định này có lợi cho sự phát triển văn hóa, thể thao, và các thiết chế này của trung ương thì đồng thời cũng vẫn phục vụ cho cả hoạt động văn hóa, thể thao của Hà Nội"- đại biểu Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.