Nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động

Bài và ảnh: VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) -Tết Nguyên đán đang cận kề. Trong khi nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phố gặp khó khăn phải cho hàng nghìn lao động nghỉ việc, thì tại Hà Nội, các doanh nghiệp và tổ chức công đoàn vẫn đang nỗ lực duy trì việc làm ổn định để người lao động có thu nhập, và đảm bảo các chế độ cho họ.

Nỗ lực đảm bảo việc làm cho người lao động - ảnh 1
Công nhân làm việc tại Công ty TNHH Hanopro Gia Lâm (KCN Hanopro Lệ Chi, huyện Gia Lâm)

Thời điểm này những năm trước, người lao động thường tăng ca để bảo đảm tiến độ đơn hàng, thì năm nay nhiều nơi lại không có việc, công nhân không được làm thêm giờ, thu nhập bị giảm sút. Trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 150.000 doanh nghiệp, với trên 2,5 triệu lao động. Những tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh kinh tế Thủ đô khởi sắc, thị trường lao động tiếp tục duy trì đà phục hồi, số người lao động có việc làm tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân người lao động (NLĐ) đạt 8,5 triệu đồng.

Từ tháng 9/2022, tình hình sản xuất, kinh doanh ở một số doanh nghiệp gặp khó khăn, việc làm và thu nhập của NLĐ có chiều hướng giảm. Các doanh nghiệp lớn có nguồn lực kinh tế mạnh thì gồng lỗ để duy trì lao động, các doanh nghiệp xuất khẩu gián tiếp không có khả năng tài chính thì buộc phải thu hẹp sản xuất, sản xuất cầm chừng, công nhân làm 5 ngày/tuần hoặc 15 ngày/tháng, hoặc “ứng” ngày nghỉ phép của năm sau (2023). Một số doanh nghiệp đã xây dựng phương án cho NLĐ nghỉ dài ngày, có thể kéo dài cả tháng hoặc cho nghỉ chờ việc hưởng lương tối thiểu vùng. Thậm chí, một số doanh nghiệp đã phải cắt, giảm lao động, chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ) với NLĐ.

Thống kê từ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, đã có 31 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở báo cáo phải giảm giờ làm, cắt giảm 13.016 lao động. Trong đó, có 10.374 lao động bị giảm giờ làm, 2.642 lao động bị chấm dứt HĐLĐ; 1.017 NLĐ bị nợ lương, với số tiền nợ 9,977 tỷ đồng.
Riêng tại các khu công nghiệp và chế xuất, có 7 doanh nghiệp với 6.148 lao động bị ảnh hưởng, có 1.609 người bị giảm giờ làm; 647 người bị chấm dứt HĐLĐ; 100 người bị nợ lương, số tiền nợ 850 triệu đồng (thuộc công ty TNHH Inkel Việt Nam)…

Theo bà Hoàng Thị Thu Hồng, Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Hà Nội, hiện nhiều doanh nghiệp đang phải căng mình để giữ chân công nhân bởi doanh nghiệp có đơn hàng đến hết quý I/2023 là rất ít, chủ yếu là doanh nghiệp duy trì đơn hàng đến hết tháng 12/2022. Nếu tình trạng này kéo dài thì khó khăn cho doanh nghiệp ngành dệt may khi đơn hàng có trở lại, bởi do đặc thù của ngành là thu nhập không cao, thời gian làm việc kéo dài, thường phải làm thêm giờ nên rất khó thu hút lao động. Hiện ngành dệt may Hà Nội có 4 đơn vị đang nợ lương người lao động, trong đó có 2 doanh nghiệp do người nước ngoài làm chủ, ngành đã báo cáo thành phố và các cơ quan chức năng.

Bà Hồng cho biết, trong bối cảnh cận kề Tết Nguyên đán, Công đoàn ngành ưu tiên dồn nguồn lực hỗ trợ, chăm lo Tết cho toàn bộ người lao động tại những doanh nghiệp đang nợ lương, không cần xét chọn đối tượng như những đơn vị khác với mức hỗ trợ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/lần.

“Đây chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi mong muốn có sự can thiệp của Chính phủ trong các hoạt động đẩy mạnh xúc tiến thương mại để có thêm các đơn hàng mới - đây mới là động thái cốt lõi để người lao động có việc làm ổn định, bảo đảm thu nhập cho người lao động”- bà Hồng đề xuất.

Trong khi nhiều doanh nghiệp khó khăn phải cắt giảm lao động thì cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn duy trì và đảm bảo được việc làm, thu nhập và báo hiệu Tết no đủ cho công nhân. 

Ông Nguyễn Quốc Quyền, Phó Tổng Giám đốc công ty Cổ phần hãng sơn Đông Á cho biết, đối diện với việc sụt giảm các công trình xây dựng, năm nay, công ty đã phải chuyển hướng phục vụ đối tượng khách hàng hộ gia đình thi công các công trình nhà dân… Để đảm bảo việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động, công ty đã có kế hoạch sản xuất sản phẩm mới phù hợp với đối tượng khách hàng, sắp xếp lại quy trình sản xuất, tiết kiệm các chi phí… Vì vậy, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão và năm 2023, công ty vẫn đảm bảo việc làm và thu nhập, lao động vẫn có đầy đủ tháng lương thứ 13 và các chế độ thưởng, quà tết.

Bà Tạ Thị Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hanopro Việt Nam tại huyện Gia Lâm (B4 Khu công nghiệp Hanopro, Lệ Chi, Gia Lâm) cho biết, mỗi tháng công ty sản xuất các loại băng dính, hạt chống ẩm, màng quấn PE… khoảng 900 tấn. Năm 2022, tổng doanh thu của công ty là hơn 300 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2021. Vì vậy, công ty vẫn đảm bảo đầy đủ việc làm, thu nhập và các chế độ phúc lợi cho 200 lao động có thu nhập từ 5 triệu đồng (thử việc) đến 25 triệu đồng/người/tháng. 

Trước thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã tới gần, mới đây, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 69/KH-LĐLĐ hỗ trợ cụ thể và trực tiếp bằng tiền mặt cho NLĐ khó khăn do thiếu việc làm, mất việc, bị nợ lương. Theo đó, đối tượng hỗ trợ là đoàn viên, NLĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có tổ chức Công đoàn thuộc LĐLĐ quản lý hoặc doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn nhưng đã thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn. Dự kiến, tổng số tiền hỗ trợ đoàn viên, NLĐ khó khăn là 30 tỷ đồng, được trích từ nguồn kinh phí tích lũy của LĐLĐ thành phố Hà Nội được chuyển khoản về các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để hỗ trợ người lao động.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

Hội LHPN Hà Nội tập huấn công tác đối ngoại năm 2024

(PNTĐ) - Chiều 19/4, Hội LHPN Hà Nội tổ chức tập huấn công tác đối ngoại năm 2024 với chuyên đề: "Hiệp định Giơnevơ - Ý nghĩa lịch sử với tình hình Việt Nam và thế giới hiện nay”. Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Thị Thiên Hương đến dự.
 Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

Thủ đoạn mới: Gắn định vị vào gói hàng ma tuý để thả trôi trên biển

(PNTĐ) - Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04 - Bộ Công an) cho biết, thời gian qua, lực lượng chức năng phát hiện nhiều gói ma túy được đóng gói và có thiết bị định vị, để rồi sau đó các đối tượng buôn bán trục vớt mang đi tiêu thụ.
Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

Công bố biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029

(PNTĐ) - Biểu trưng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX là hình ảnh kết hợp cấu trúc chữ tượng hình từ số lần Đại hội, biểu hiện thông qua chữ số IX, là sự tích hợp các hình tượng tiêu biểu xoay quanh biểu trưng Thanh niên Việt Nam.