Nơi hồi sinh những “chúa tể sơn lâm”

Chia sẻ

Đó là Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Sóc Sơn, Hà Nội. Từ khi thành lập (năm 1996) đến nay, Trung tâm đã thực hiện tiếp nhận, cứu hộ, nuôi dưỡng và bảo tồn 45 cá thể Hổ được các cơ quan chức năng giải cứu trong các vụ vận chuyển, buôn bán hay tại các cơ sở nuôi nhốt bất hợp pháp.

Nơi hồi sinh những “chúa tể sơn lâm” - ảnh 1

Hồi sinh cuộc đời của Hổ

Theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội. Một trong các nhiệm vụ của Trung tâm là tổ chức thu nhận động vật hoang dã do buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp bị xử lý tịch thu; động vật hoang dã do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp, hiến tặng để cứu hộ; tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc điều trị bệnh cứu chúng khỏi tử vong; phục hồi sức khoẻ, tập tính để tái thả lại tự nhiên…. Bên cạnh đó, Trung tâm còn kết hợp nuôi dưỡng, bảo tồn trong điều kiện bán hoang dã và cho sinh sản các loài quý hiếm, cung cấp cho các cơ sở được phép gây nuôi động vật hoang dã.

Hiện nay, Trung tâm đang nuôi dưỡng, bảo tồn trên 600 cá thể động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quí hiếm thuộc nhóm IB và IIB theo quy định của Chính phủ như: Hổ, Gấu, Mèo rừng, Vượn, Khỉ…. Đối với Hổ, trung bình hàng năm, Trung tâm tiếp nhận, thực hiện cứu hộ 2-4 cá thể. Một số vụ việc tiếp nhận Hổ đáng chú ý như cá thể Hổ do kiểm lâm Đồng Nai bắt tại trung tâm vườn xoài xã Nam Thành vào tháng 12/2006; 2 cá thể Hổ do cảnh sát môi trường Hà Nội bắt vào tháng 1/2008;  4 cá thể Hổ do Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh bắt năm 2012... Năm 2013, tiếp nhận Hổ bị nuôi nhốt lâu ngày tại nhà dân được chuyển đến từ Nghệ An. Năm 2019, Trung tâm cũng tiếp nhận cứu hộ 2 cá thể Hổ được giải cứu từ Nghệ An. Năm 2020 vừa qua, số Hổ được đưa tới Trung tâm nhiều nhất là 4 con.

Các cán bộ tại Trung tâm đang chăm sóc  một chú Hổ mới được giải cứuCán bộ tại Trung tâm đang chăm sóc một chú Hổ mới được giải cứu-Ảnh: T.T

Bác sĩ Thú y Trịnh Thị Thu Hằng, Trưởng phòng kỹ thuật đã có 10 năm làm việc tại Trung tâm cho biết: Các cá thể Hổ được giải cứu từ các cơ sở nuôi nhốt trái phép, không đảm bảo điều kiện nuôi dưỡng thường gặp tình trạng béo phì, suy tim, suy gan, thận, hỏng cơ… do bị chủ cơ sở nhồi nhét nước, thức ăn, bơm thuốc nhằm kích trọng, tăng giá trị giao dịch khi bán hoặc nấu cao. Một số cá thể Hổ bị nhốt dài ngày trong chuồng trại ẩm thấp, chật chội… mắc các bệnh về mắt, tiêu chảy, viêm da, xương yếu do thiếu can xi, không được vận động, bị stress do căng thẳng, tù túng. Trong quá trình bị đưa đi vận chuyển, buôn bán, Hổ còn bị tiêm thuốc mê, nhốt trong thùng xe dẫn tới thể trạng càng suy kiệt. Ngoài Hổ ở tuổi trưởng thành (3-4 năm tuổi) chiếm số lượng lớn, Trung tâm còn đón cả hổ mới sinh chưa mở mắt, hổ non chỉ vài tháng tuổi...

“Sau khi tiếp nhận, chúng tôi thực hiện quy trình kiểm tra, thăm khám đánh giá sức khỏe tổng thể cho Hổ như lấy mẫu máu, siêu âm, xét nghiệm. Quá trình này mất khoảng 1 ngày. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ phân loại, chỉ định chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp với từng cá thể Hổ”-chị Hằng cho biết.

Nhân viên đang cho Hổ ăn -Ảnh: T.TNhân viên đang cho Hổ ăn -Ảnh: T.T

Đối với hổ non, Trung tâm sẽ lập một tiểu ban chăm sóc đặc biệt, chia ca để chăm sóc Hổ 24/24 giờ. Trong đó, cứ 2-3 tiếng, Hổ sẽ được cho uống sữa một lần, ngay cả vào ban đêm. Sữa dành cho Hổ có thể là loại sữa dùng cho trẻ sơ sinh, hay sữa cho chó, mèo được pha theo đúng tỷ lệ rồi cho vào bình để Hổ bú như đang bú mẹ. Thức ăn, dụng cụ cho Hổ phải được khử trùng cẩn thận để tránh Hổ bị nhiễm khuẩn, đau bụng.

Hổ đã lớn, có thể trạng tốt hơn sẽ được đưa vào khu chăm sóc cách ly để được các bác sĩ, nhân viên chăm sóc… thường xuyên theo dõi, đánh giá phản ứng, biểu hiện hành vi. Thời gian ở khu cách ly có thể kéo dài từ  02 tuần tới 1 tháng. Khi sức khỏe đã ổn định, Hổ được chuyển sang khu cứu hộ. Để hỗ trợ Hổ phục hồi tập tính sinh học, trong chuồng của Hổ được bài trí các dụng cụ, đồ chơi như cây, giá gỗ,  lưới, võng, lốp cao su để Hổ tập nhảy, leo trèo, cào, cắn, xé, rình mồi...

Hệ thống chuồng trại được thiết kế đặc biệt, đảm bảo an toàn cho nhân viên có thể thực hiện vệ sinh, cho ăn, chăm sóc Hổ.  Mỗi ngày 2 lần, các nhân viên chăm sóc sẽ dọn vệ sinh chuồng trại, cho Hổ ăn. Thức ăn cho Hổ được cán bộ chuyên môn  lên khẩu phần hàng ngày, đảm bảo an toàn, đủ dinh dưỡng và đa dạng, đặc biệt là gần giống với thức ăn của Hổ ngoài tự nhiên gồm: Thịt bò, gà, dê, thỏ, nội tạng (tim, gan), xương lợn…

Một chú Hổ non đang được cho bú sữaMột chú Hổ non đang được cho bú sữa

Cái dụi đầu tình cảm của Hổ

Sau khi được tiếp nhận vào Trung tâm, Hổ cũng được đặt cho những cái tên dựa theo địa danh mà Hổ được giải cứu như Hổ Pù Mát (Hổ được giải cứu ở Pù Mát, huyện Con Cuông, Nghệ An); theo đặc điểm nhận dạng như Hổ Rách tai, Hổ Kiếm (vì Hổ có vết dấu hình kiếm ở mặt); đặt theo tên các loại quả như Cam, Quýt; đặt theo vần như Chi, Châu, Ki, Kê…

Nhiều người vẫn nghĩ, Hổ là loài hoang dã, sống bản năng, không có tình nghĩa. Tuy nhiên, trong quá trình chăm sóc, các cán bộ Trung tâm nhận thấy, chúng cũng “hiểu chuyện”, mỗi con lại có cách thể hiện tình cảm, tính cách riêng. Như Hổ Pù Mát bình thường khá trầm tính, ít khi để ý đến các nhân viên chăm sóc. Một lần, Pù Mát không may bị mắc một mẩu lốp xe cao su vào  răng nhưng không gỡ ra được. Khi thấy nhân viên chăm sóc tới, Pù Mát liền ghếch một bên miệng lên chấn song sắt để báo tin rồi còn đứng im để các nhân viên dùng dụng cụ gắp miếng cao su từ xa. Sự hợp tác của Pù Mát giúp các nhân viên không phải dùng tới biện pháp gây mê. Xong việc, Pù Mát vừa đi vừa vẫy đuôi như thể đang nói lời cảm ơn.

Một chú Hổ đang thảnh thơi nằm thư giãn-Ảnh: T.TMột chú Hổ đang thảnh thơi nằm thư giãn-Ảnh: T.T

Hay như Hổ Cam được đưa về Trung tâm trong tình trạng rất yếu do mắc bệnh viêm phế quản co thắt nặng. Suốt hai tháng trời, các nhân viên phải thay nhau bồng bế, bón cho Hổ Cam từng giọt sữa, từng mẩu thịt nhỏ… Sự kiên trì, tỷ mẩn ấy đã giúp Hổ Cam dần dần bình phục như một kỳ tích.

Lại có cá thể Hổ thuộc loài Đông Dương, đến vớiTrung tâm năm 2008 khi mới 1 tuổi, nặng 40kg. Nhờ được chăm sóc tốt, Hổ lớn nhanh, phát triển cân đối, nặng hơn 100 kg với 4 chân thon gọn, mắt tròn, hai hàng ria cân đối nên được các nhân viên âu yếm gọi là Hổ “Hoa hậu”. Sau này, Hoa hậu còn sinh tới 10 chú hổ con tại Trung tâm. Cá thể Hổ Beo, sống tại Trung tâm đến nay đã được 13 năm, hay gầm rú to để thể hiện bản tính của con đực đầu đàn muốn thống trị muôn loài nhưng lại rất tình cảm, thường dụi đầu vào song sắt như thể làm nũng khi được các nhân viên gọi tên.

Chăm sóc Hổ là nghề nguy hiểm vì luôn đối diện với nguy cơ bị tấn công. Theo chị Hằng, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên  phải có năng lực, chuyên môn tốt, có tình yêu thương động vật, tâm huyết, trách nhiệm. Các anh chị không chỉ nắm rõ đặc tính chung của loài Hổ mà còn thuộc đặc điểm, sở thích, tính nết của từng cá thể Hổ đang được nuôi dưỡng, bảo tồn tại Trung tâm. Việc quan sát các hành vi bất thường của Hổ (buồn bã, bỏ ăn, bất an, căng thẳng…) cũng rất quan trọng vì đây sẽ là đầu mối để các bác sĩ có thể kịp thời phát hiện, chữa trị bệnh kịp thời cho Hổ. 2 năm qua, trong bối cảnh dịch Covid-19, để giảm thiểu khả năng lây nhiễm dịch bệnh từ người sang Hổ, có giai đoạn, cán bộ, nhân viên Trung tâm “3 tại chỗ” tại Trung tâm không được về nhà; khi chăm sóc động vật cũng phải giữ khoảng cách, đeo khẩu trang...  

Để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên phải có năng lực, chuyên môn tốt, có tình yêu thương động vậtĐể có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên phải có năng lực, chuyên môn tốt, có tình yêu thương động vật

Nhờ được chăm sóc, nuôi dưỡng chu đáo, gần như 100% Hổ sau khi được giải cứu, đưa tới Trung tâm đều được cứu sống, phục hồi sức khỏe, phát triển tốt. Chỉ có một số ít cá thể do bị nuôi nhốt, tiêm thuốc tăng trọng trong thời gian dài, sau vài ngày đến Trung tâm, toàn bộ các lớp cơ bị phá hủy, nhiễm trùng…  không thể qua khỏi. Đây cũng chính là điều khiến các cán bộ, nhân viên Trung tâm day dứt, mong sớm chấm dứt tình trạng buôn bán trái phép, ngược đãi, xâm phạm quyền sống cơ bản của động vật, giết hại động vật… để trục lợi.

Sau khi được chăm sóc khỏe mạnh và hoàn toàn bình phục, Hổ có thể được chuyển giao tới một số nơi như vườn thú, vườn quốc gia… hoặc ở tại Trung tâm. Trong số này, Hổ Đồng Nai (được tiếp nhận tại cơ sở nuôi nhốt bất hợp pháp tại Đồng Xoài, Đồng Nai) là cá thể gắn bó với Trung tâm lâu nhất, tính đến nay đã hơn 15 năm. Một số cá thể khác ở tại Trung tâm trên dưới 10 năm. Trung tâm cũng đã nuôi sinh sản thành công một số cá thể Hổ mẹ. Tuy nhiên, do điều kiện chăm sóc Hổ con, diện tích chuồng trại còn hạn chế nên việc cho Hổ sinh sản đang phải tạm dừng.

Theo ông Lương Xuân Hồng, Giám đốc Trung tâm, Trung tâm đã đề xuất UBND Thành phố phê duyệt đầu tư mở rộng dự án Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội giai đoạn 2021-2025 lên 13ha. Như vậy khi hoàn thành, Trung tâm sẽ có điệu kiện phát triển theo hướng hiện đại, bảo tồn, chăm sóc tốt hơn nhiều loài động vật hoang dã, trong đó Hổ, chuẩn bị điều kiện tái thả Hổ vào tự nhiên.

HOÀNG LAN

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.