Phấn đấu chăm lo hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người khó khăn trị giá 600 tỷ đồng dịp Tết 2023

VÂN NGA
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp Hội phấn đấu chăm lo, hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương với tổng giá trị hoạt động đạt 600 tỷ đồng.

Phấn đấu chăm lo hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người khó khăn trị giá 600 tỷ đồng dịp Tết 2023 - ảnh 1
Tết Nhân ái tổ chức tại Hà Nội (ảnh CTĐ)

Thời gian triển khai các hoạt động của Phong trào “Tết Nhân ái” 2023 bắt đầu từ ngày 1/1/2023 đến 16/1/2023 (tức từ ngày 10/12 đến ngày 25/12 âm lịch), trong đó cao điểm từ ngày 6/1/2023 đến ngày 15/1/2023 (tức từ ngày 15/12 đến ngày 24/12 âm lịch).

Tính đến ngày 6/1, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã hỗ trợ hơn 16 tỷ đồng cho 48 tỉnh, thành phố; hỗ trợ 77.732 sản phẩm sữa cho 54 tỉnh, thành phố với trị giá hơn 16 tỷ đồng; hỗ trợ các sản phẩm hàng gia dụng cho 5 tỉnh với trị giá gần 1 tỷ đồng. Tổng giá trị hỗ trợ hơn 33 tỷ đồng.

Dự kiến, Trung ương Hội sẽ phục vụ các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm và tặng quà Tết tại các tỉnh: Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Đà Nẵng, Bình Phước, Bạc Liêu, Lào Cai, Kiên Giang, Đắk Lắk…

Đến nay đã có 50 tỉnh, thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố có văn bản chỉ đạo các cấp Hội thực hiện vận động nguồn lực phấn đấu đạt chỉ tiêu 1 triệu suất quà tết. Các tỉnh đã tổ chức phát động Phong trào “Tết Nhân ái” như: Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Thanh Hóa, Hà Nam, Lạng Sơn… Trung ương Hội phối hợp với Hội Chữ thập đỏ 10 tỉnh, thành phố (gồm: Hà Nội, Bạc Liêu, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Tuyên Quang, Kiên Giang, Bình Phước, Lâm Đồng, Đà Nẵng, Thanh Hóa) tổ chức điểm Chương trình “Tết Nhân ái” gồm chuỗi các hoạt động Tặng quà - Hội Chợ - Vui Tết, phục vụ 15.000 người hưởng lợi.

Phấn đấu chăm lo hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người khó khăn trị giá 600 tỷ đồng dịp Tết 2023 - ảnh 2
Trao quà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình "Tết Nhân ái" tại Hà Nội (ảnh CTĐ)

Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: “Phong trào “Tết Nhân ái” năm nay được tổ chức với nhiều nét mới. Đó là sự đa dạng trong cách thức tổ chức các hoạt động, bao gồm: Tặng quà và chúc Tết, chuỗi “Chợ Tết Nhân ái”, “Cửa hàng dịch vụ đón Tết”, cỗ Tết, hoạt động vui Tết. Trung ương Hội tổ chức điểm Chương trình “Tết Nhân ái” tại 10 tỉnh, thành phố trải dài từ Bắc vào Nam, đảm bảo sự đa dạng các vùng miền, đa dạng các đối tượng được trợ giúp, từ biên giới xa xôi miền núi phía bắc (xã biên giới Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai) đến các địa danh lịch sử khu vực phía nam (Sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước; huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang…), hay những địa phương bị ảnh bởi thiên tai, bão lũ, các địa bàn nhiều khu công nghiệp.

Ngoài 10 địa phương tổ chức điểm, nhiều tỉnh, thành Hội đều có kế hoạch để tổ chức phong trào ở các quy mô khác nhau tạo nên không gian tết rộn ràng, ý nghĩa, tràn đầy yêu thương, mang đến cho mỗi người dân những hoạt động vô cùng ý nghĩa thiết thực và ấn tượng, tạo không khí vui tươi phấn khởi cho mỗi người.

Một điểm đặc biệt nữa là Chương trình năm nay thu hút sự tham gia đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân với đa dạng hình thức hưởng ứng, đóng góp, ủng hộ người có công giúp công, có của giúp của, có mối quan hệ thì kết nối, chung tay góp sức để mang đến nhiều phần quà ý nghĩa thiết thực trợ giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui Xuân, đón Tết trong sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng”.

Phấn đấu chăm lo hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người khó khăn trị giá 600 tỷ đồng dịp Tết 2023 - ảnh 3
Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà Tết cho người nghèo (ảnh CTĐ)

Phong trào “Tết Nhân ái” được kế thừa từ Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” do Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động từ năm 1999 nhằm tiếp tục huy động và kết nối rộng rãi sự tham gia, đóng góp của cộng đồng để trợ giúp về vật chất, tinh thần để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dễ bị tổn thương được vui xuân, đón Tết trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền của dân tộc theo điều kiện của địa phương, góp phần xây dựng cộng đồng đoàn kết, giàu lòng nhân ái.

Các hoạt động của Phong trào “Tết Nhân ái” được thiết kế đảm bảo các nguyên tắc: tôn trọng nhân phẩm, quyền tham gia, quyết định của người hưởng lợi; tôn trọng tập quán văn hóa và truyền thống của người dân địa phương; phát huy mạng lưới hỗ trợ tại cộng đồng để mọi người dân thể hiện trách nhiệm xã hội của mình đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn bằng cách tham gia tổ chức và đóng góp nguồn lực sẵn có.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

Xả thân để “đất nước nở hoa độc lập”

(PNTĐ) - Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thăm Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Chiến, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thịnh Quang, quận Đống Đa, Hà Nội - người đã từng tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Đã 49 năm trôi qua, nhưng những ký ức hào hùng của một giai đoạn lịch sử vẫn còn mãi trong người chiến sĩ thương binh bộ đội Cụ Hồ anh dũng, quả cảm.
Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

Những người trẻ yêu Tổ quốc trong thời bình

(PNTĐ) - Không còn chiến tranh, không còn chia cắt, đất nước Việt Nam giờ đây vươn mình mạnh mẽ hội nhập với thế giới. Thế hệ thanh niên ngày nay cũng hướng đến trở thành những công dân toàn cầu, ham học hỏi, đầy tài năng. Và hơn hết, trong trái tim mỗi người đều một lòng yêu nước nồng nàn, tha thiết.
Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.