Quy định thanh toán tiền phép năm

Luật sư Hồng Hải
Chia sẻ

(PNTĐ) - Căn cứ tại khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Xin quý báo cho biết theo quy định của pháp luật, nghĩa vụ của người sử dụng lao động liên quan đến trả lương cho những ngày phép năm của người lao động như thế nào?

                Khúc Thị Na (Đông Anh, Hà Nội)

Quy định thanh toán tiền phép năm - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trả lời:

Người lao động nghỉ phép năm có được tính lương không?

Căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động (NLĐ) làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

- 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

- 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

- 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Đồng thời, cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định nêu trên được tăng thêm tương ứng 01 ngày.

Đối với NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỉ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Như vậy, trường hợp NLĐ nghỉ phép năm theo quy định nêu trên thì sẽ được tính nguyên lương.

Người lao động thôi việc, bị mất việc mà chưa nghỉ phép năm có được thanh toán tiền không?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì trường hợp NLĐ do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

Theo đó, tiền lương làm căn cứ trả cho NLĐ những ngày chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm theo quy định nêu trên là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng NLĐ thôi việc, bị mất việc làm.

Người lao động có được trả lương cho những ngày đi đường khi nghỉ phép năm không?

Căn cứ quy định tại khoản 6 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

Bên cạnh đó, tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Lao động 2019 quy định tiền tàu xe, tiền lương những ngày đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm theo quy định nên trên do hai bên thỏa thuận.

Do đó, có thể thấy việc chi trả tiền lương cho những ngày NLĐ đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm hay không, nếu có thì mức chi trả là bao nhiêu sẽ do NLĐ và người sử dụng lao động tự thỏa thuận với nhau.

Không nghỉ phép năm có được thanh toán tiền không?

Căn cứ quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động chỉ trả tiền lương cho người lao động khi chưa nghỉ hàng năm trong hai trường hợp:

- Người lao động bị thôi việc, mất việc mà chưa nghỉ hàng năm;

- Người lao động bị thôi việc, mất việc mà chưa nghỉ hết phép năm.

Các trường hợp khác về nguyên tắc phép năm là quyền của NLĐ, nếu NLĐ không sử dụng quyền này của mình thì sẽ hết quyền. Do vậy, người sử dụng lao động không có nghĩa vụ phải trả lương cho những ngày phép năm nếu NLĐ không sử dụng phép năm, trừ 2 trường hợp nêu trên.

Tuy nhiên, người lao động vẫn có thể được công ty trả đủ tiền lương cho những ngày phép năm chưa nghỉ hết nếu các bên có thỏa thuận hoặc công ty có quy định có lợi hơn cho người lao động.

Người lao động có được gộp số ngày phép năm không?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Do đó, nếu người lao động muốn được gộp số ngày nghỉ phép năm lại cùng với nhau để nghỉ một lần trước hết phải thỏa thuận với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, chỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cháy chợ ở Sóc Sơn: Cán bộ “ăn” tiền chênh lệch khi mua thiết bị phòng cháy chữa cháy

Cháy chợ ở Sóc Sơn: Cán bộ “ăn” tiền chênh lệch khi mua thiết bị phòng cháy chữa cháy

(PNTĐ) - VKSND TP Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố bị can Ngô Văn Giang (SN 1979, cựu Phó Chủ tịch xã Xuân Thu, Sóc Sơn, Hà Nội), Phạm Đức Nam (SN 1972, ở Sóc Sơn) và Nguyễn Văn Tươi (SN 1974, nhân viên Ban quản lý chợ loại II Sóc Sơn) về tội “Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy”.