Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án nước sạch

Chia sẻ

PNTĐ-Thường trực HĐND TP Hà Nội vừa tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP.

 
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các dự án nước sạch - ảnh 1
Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà điều hành phiên giải trình 

 
Thường trực HĐND TP Hà Nội tổ chức phiên giải trình về việc cung cấp nước sạch cho nhân dân trên địa bàn TP nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đảm bảo 100% người dân được sử dụng nước sạch.
 
Còn 35% dân số nông thôn chưa được dùng nước sạch
 
Từ 37,2% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch năm 2016, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết của HĐND TP, con số này đã tăng lên 65% vào giữa năm 2019, tương đương hơn 600 nghìn hộ với hơn 2,3 triệu dân được dùng nước sạch, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP khoá XVI. UBND TP đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 39 dự án cấp nước (gồm 11 dự án phát triển nguồn tập trung và 28 dự án phát triển mạng lưới cấp nước sạch), trong đó có nhiều dự án hoàn thành và hoàn thành vượt tiến độ.
 
Nhờ đó, nhiều xã tại các huyện Thường Tín, Quốc Oai, Thạch Thất hay huyện xa Ba Vì… trước đây là “điểm nóng” về nước sinh hoạt, người dân phải sử dụng nước giếng khoan kém chất lượng thì nay đã được đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý. 
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo giám sát của HĐND TP, vẫn còn 35% dân số khu vực nông thôn chưa có nước sạch từ nguồn tập trung; khoảng 160 xã chưa có hệ thống nước sạch. Một số địa phương tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch rất thấp như Mỹ Đức mới đạt 16%, Chương Mỹ 17%, Phú Xuyên 12%, Ứng Hòa 19%...
 
Một số dự án phát triển nguồn và dự án phát triển mạng lưới cấp nước chưa thực hiện hoặc triển khai chậm tiến độ. Điển hình là các dự án: đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Nhà máy nước mặt sông Hồng do công ty CP nước mặt sông Hồng thực hiện chậm tiến độ hơn 1 năm; xây dựng hệ thống cấp nước sạch 8 xã huyện Chương Mỹ và khu vực lân cận do công ty CP Môi trường đô thị Xuân Mai thực hiện đã được chấp thuận chủ trương từ năm 2013 nhưng đến nay nguồn cung cấp nước sạch hiện chưa phủ tới phạm vi dự án; Trạm cấp nước thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức do công ty CP đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân làm chủ đầu tư triển khai hoàn thành dự án từ năm 2013 nhưng đến năm 2016 thì tạm dừng, một số hạng mục đã xuống cấp… 
 
Phiên giải trình về nước sạch đã đề cập đến vấn đề dân sinh quan trọng được người dân Thủ đô, nhất là người dân khu vực ngoại thành mong đợi. Với 35% dân số chưa tiếp cận nước sạch, các dự án chậm tiến độ hiện nay đều đối mặt với những khó khăn nan giải, rất cần sự tháo gỡ kịp thời của các sở ngành, địa phương nếu không, mục tiêu đến năm 2020, 100% người dân Thủ đô được dùng nước sạch sẽ khó trở thành hiện thực.
 
Với ý nghĩa và tính chất quan trọng như vậy, phiên giải trình nhận được nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi nhất của các đại biểu HĐND từ trước đến nay. Lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền địa phương, các nhà đầu tư trao đổi, tranh luận đến cùng, phân tích nguyên nhân khách quan và chủ quan (thiếu vốn, chậm giải phóng mặt bằng dự án, năng lực của chủ đầu tư, sự thiếu mặn mà của một số hộ dân khi tiếp cận nước sạch…) làm rõ trách nhiệm, đưa ra giải pháp và cam kết tiến độ thực hiện với từng dự án cụ thể. 
 
Kêu gọi người dân sử dụng nước sạch vì sức khoẻ lâu dài
 
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu, làm rõ thêm các vấn đề các đại biểu quan tâm. Theo Chủ tịch UBND TP, để nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, TP đã đề xuất 5 giải pháp, trong đó có nâng cao chất lượng nước sạch. Đây là vấn đề khó, có thời điểm tưởng chừng khó thực hiện bởi nhiều bất cập, tồn tại.
 
Tuy nhiên, cũng vì không thể chấp nhận tình trạng “cách nhau một “sợi chỉ” bên này là phường, bên kia là xã mà mỗi nơi lại sử dụng nước chất lượng khác nhau”, lãnh đạo TP đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn. 3 năm qua, UBND TP đã họp 37 lần với các nhà đầu tư, các địa phương để giải quyết vướng mắc khó khăn; khơi thông chính sách… Nhờ đó, một số dự án đã giải phóng mặt bằng nhanh, kết nối ngân hàng đồng hành về vốn; thí điểm xây dựng hệ thống cấp nước ở nông thôn ở 3 huyện để triển khai rộng rãi...
 
Đề cập đến tình trạng tại một số địa phương, nước sạch đã về nhưng người dân chưa hưởng ứng sử dụng, Chủ tịch UBND TP cho rằng, nguyên nhân là thói quen chỉ dùng nước sạch để ăn uống, dùng nước giếng khoan cho các nhu cầu khác để đỡ tốn kém. Cách sử dụng nước như vậy là chưa khoa học, lâu dài sẽ ảnh hưởng sức khỏe.
 
Thời gian tới, TP sẽ rà soát toàn bộ giếng khoan ô nhiễm, đề xuất cơ chế hỗ trợ người dân ở khu vực nông thôn đóng các giếng khoan nhiễm asen sớm hơn lộ trình, không để thẩm thấu ô nhiễm tới mạch nước ngầm; xây dựng đơn giá cấp nước cho người dân; đối thoại giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp; trợ giá cho người dân nông thôn; lắp trạm cấp nước ở vùng sâu, vùng xa...
 
TP sẽ rà soát, thay thế chủ đầu tư không đáp ứng năng lực, đặc biệt, Chủ tịch UBND TP kêu gọi “sự đồng thuận cao của người dân trong việc lắp đặt mạng truyền dẫn nước. Tôi mong muốn người dân nhiệt tình ủng hộ vì dùng nước sạch là đảm bảo sức khỏe của chính mình”.
 
 
Đức Hạnh 

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.