Siết chặt kiểm soát, từng bước “xanh hóa” vùng đỏ

Chia sẻ

Thực hiện Công điện 20/CĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, các quận, huyện thuộc phân vùng 1 - vùng đỏ, là vùng có nguy cơ cao và rất cao đã thực hiện các giải pháp quản lý chặt chẽ người dân, kiểm soát đường vào - đường ra, xử lý nghiêm người đi đường không có giấy tờ… nhằm nhanh chóng “xanh hoá vùng đỏ”.

Hai “lớp” kiểm soát bảo vệ khu dân cư xanh  

Phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) có hơn 14.000 dân hiện đang sinh sống tại nhiều khu tập thể lắp ghép của 8 tổ dân phố. Trên địa bàn phường có nhiều đường nhánh, đường đi tắt sang các phường lân cận trong quận, các trục đường, tuyến phố chính. Rút kinh nghiệm từ “ổ dịch” tại phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) với mật độ dân số đông, nhiều khu tập thể cũ, công tác phòng dịch được phường Trung Tự thực hiện nghiêm ngặt theo 2 lớp để kiểm soát chặt chẽ người đi đường, người ra vào các khu dân cư, bảo vệ an toàn cho các vùng xanh.

Ông Nguyễn Ngọc Phương - Phó Chủ tịch UBND phường cho biết: Người dân ra - vào phường qua 2 chốt mở theo đường ra và đường vào riêng nhằm hạn chế tiếp xúc gần, tập trung đông người. Lực lượng liên ngành của phường tham gia trực chốt mở cả ngày. Ở chốt mở thứ nhất, đường vào là ngõ 46C phố Phạm Ngọc Thạch, đường ra là ngõ 4D phố Đặng Văn Ngữ; chốt mở thứ hai, đường vào là ngõ 1 và đường ra là ngõ 1A trên phố Tôn Thất Tùng. Ngoài ra, trên địa bàn phường còn có 8 chốt “mềm” tại các tổ dân phố do các đồng chí tổ trưởng, các đoàn thể và người dân tự quản, kiểm soát người ra vào từng khu nhà tập thể, từng khu dân cư. Đặc biệt, người lạ, những người vận chuyển hàng hoá (shipper) không được vào khu dân cư, hàng hoá được đặt tại chốt để người dân xuống lấy. Người dân tại phường hiện vẫn đi chợ theo phiếu, các trường hợp là F2 cách ly tại nhà được tổ dân phố hỗ trợ đi chợ theo yêu cầu.

Việc kiểm soát chặt chẽ người ra - vào khu dân cư theo mô hình 2 lớp cũng đang được thực hiện hiệu quả tại phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng). Tại phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm) - vùng phong tỏa quy mô cấp phường đầu tiên ở Hà Nội cũng đang thu hẹp “vùng đỏ” và dần dần “xanh hoá”. Ngày 12/9, địa phương này đã kết thúc thời gian cách ly y tế để phòng chống dịch, các tuyến đường, cửa khẩu vào phường vẫn kiểm soát chặt chẽ.

Do địa hình đặc thù, ở phường có nhiều đường ra - vào như các cửa khẩu, cầu thang nhỏ xây dựng dọc theo bức tường đê… Hiện, các điểm này vẫn được chốt chặt bằng khung thép hoặc dây thép gai, không để ra - vào khu dân cư mà không có lý do. Người dân sinh sống trên địa bàn phường nhận hàng hoá qua cửa khẩu Hàm Tử Quan, đi lại qua cửa khẩu Cầu Đất và Chương Dương Độ.

Lực lượng liên ngành của phường Phố Huế kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt “mở”Lực lượng liên ngành của phường Phố Huế kiểm tra giấy đi đường của người dân tại chốt “mở” (Ảnh: Hạnh Lê)

Chung tay “đổi màu” vùng đỏ

Thay vì duy trì các chốt kiểm soát ở các đường giao thông chính, việc rút các lực lượng kiểm soát về trực tại các chốt nằm trong khu dân cư, thậm chí tăng cường chốt trong các ngõ, ngách ở tổ dân phố tại các quận, huyện ở phân vùng 1 đã phát huy hiệu quả cao cho công tác phòng chống dịch, hạn chế người đi đường không đúng mục đích, không có lý do, góp phần kiểm soát tốt dịch bệnh, giảm nguy cơ lây nhiễm, “chuyển màu” cho vùng đỏ.

Nằm trong ngõ 20, nhà anh Nguyễn Hồng Hà cách mặt phố Núi Trúc (phường Giảng Võ, quận Ba Đình) chưa đầy 100m, chỉ đi vài phút là ra đến đường chính. Tuy nhiên, hiện nay, đoạn ngõ này đã được rào lại, anh Hà và người dân trong khu tập thể đi làm, đi chợ theo lối khác, qua chốt “mở” để kiểm tra giấy đi đường, quét mã QR Code và kiểm tra thân nhiệt.

Theo ông Nguyễn Ngọc Chiến - Chủ tịch UBND phường Giảng Võ: ở đợt giãn cách lần này, với quyết tâm bảo vệ 13 vùng xanh trên địa bàn, phường đã thiết lập 4 chốt “mở” để người dân qua lại và các điểm chốt tại vùng xanh với sự tham gia trực chốt nhiệt tình, trách nhiệm của đảng viên sinh hoạt 2 chiều, cán bộ đoàn thể, tổ dân phố cùng sự đồng tình ủng hộ của người dân trong việc chấp hành quy định phòng dịch.

Đặc biệt, không chỉ ở Giảng Võ, tại nhiều địa bàn dân cư ở phân vùng 1, trong đợt giãn cách lần này, các tổ Covid-19 cộng đồng được bổ sung thêm lực lượng chốt trực là cán bộ, đảng viên, thanh niên, người dân, đảm bảo cho việc trực chốt được duy trì 24/7, giãn sức dân thông qua việc điều chỉnh thời gian trực chốt cho các thành viên từ 6-7 tiếng/ca xuống còn 2-3 tiếng/ca, đồng thời phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng, nâng cao ý thức phòng dịch của người dân.

Cùng với đó, để hạn chế tập trung đông người tại chợ dân sinh, siêu thị, các quận/huyện cũng đẩy mạnh tổ chức bán hàng lưu động để “ai ở phường nào, tổ dân phố nào, mua hàng ở phường đó, tổ dân phố đó”. Tại quận Hai Bà Trưng, ngoài các chợ dân sinh truyền thống, tại 16/18 phường có thêm 18 điểm bán hàng lưu động đặt tại nhà văn hoá, trường học… để người dân tiện mua sắm hàng hoá; Đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân mua hàng tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, tiện lợi và mua hàng online trên các trang thương mại điện tử.

Tại quận Hoàn Kiếm, theo Chủ tịch UBND quận Phạm Tuấn Long, ngoài các điểm bán hàng lưu động, dã chiến, quận tổ chức thêm mô hình “máy bán hàng thiết yếu tự động” tại phường Phan Chu Trinh; Mô hình bán hàng giãn cách, không người bán tại phường Hàng Bồ, Hàng Buồm; Chỉ đạo các phường rà soát, lập danh sách người dân làm shipper trên địa bàn để có phương án quản lý, tổ chức tiêm chủng, xét nghiệm, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong hoạt động vận chuyển hàng hoá.

HẠNH LÊ

Tin cùng chuyên mục

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ huyện Thanh Trì: Nhiều hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Thiết thực tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Thanh Trì (Hà Nội) đã chỉ đạo các cơ sở hội trên địa bàn huyện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền tới hội viên, phụ nữ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết dân tộc, vai trò và sự tham gia của phụ nữ trong chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Việt Nam tham gia đối thoại về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

Việt Nam tham gia đối thoại về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc

(PNTĐ) - Ngày 7/5/2024 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
Nhớ về những anh hùng trẻ tuổi trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhớ về những anh hùng trẻ tuổi trong chiến dịch Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Trang sử vàng Điện Biên Phủ mãi là biểu tượng của ý chí và sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", có biết bao những chiến sĩ, mang trong mình một tình yêu Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc khi tuổi đời còn rất trẻ.
Tuổi trẻ Việt Nam tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ

Tuổi trẻ Việt Nam tự hào với Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - 70 năm đã trôi qua, nhưng "tiếng sấm" Điện Biên Phủ vẫn còn vang vọng đến nhân loại ngày hôm nay và tạc ghi vào dòng chảy lịch sử mãi về sau với vị thế lẫy lừng. Chiến thắng Điện Biên Phủ là mốc son chói lọi, là niềm tự hào của mọi thế hệ người dân Việt Nam, nhất là với thế hệ trẻ hôm nay.