Sinh viên đến thư viện trong thời đại số

HOÀNG QUYÊN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay, ở nhiều thư viện ở các trường đại học vẫn thu hút được nhiều sinh viên đến phòng đọc, tuy nhiên hình ảnh lật giở từng trang sách giấy như trước đây không còn nhiều mà thay vào đó sinh viên sử dụng laptop để đọc sách số, lướt web,...

Đến thư viện để có không gian...

Khảo sát tại phòng đọc Tổng hợp tầng 1 thuộc thư viện trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hà Nội vào sáng thứ Năm (ngày 25/4), có 55-60 sinh viên ghé thăm. Số lượng sinh viên đến thư viện trên là con số ổn định và đều đặn vào hầu hết các ngày mở cửa trong tuần, lấp đầy 70,80% số chỗ ngồi trong phòng đọc.

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số - ảnh 1
Nhiều sinh viên đến thư viện không đọc sách giấy

Ghi nhận của phóng viên tại phòng đọc, đa số các bạn sử dụng laptop để làm việc, làm bài tập hoặc dành thời gian nghỉ ngơi, giải trí tại chỗ. Tại các phòng đọc từ tầng 2 đến tầng 5 có các loại sách đa dạng hơn, phân khu loại sách theo từng tầng, nhưng lại có ít sinh viên vào đó, mỗi buổi sáng hoặc chiều chỉ có chừng chục bạn.

Đây cũng là thực trạng xảy ra ở nhiều thư viện của nhiều trường đại học khác, khi số sinh viên đến thư viện đông nhưng số lượt mượn, đọc sách lại khá thấp. Hình ảnh những sinh viên cặm cụi đọc sách và nghiên cứu những cuốn sách giấy trên bàn dường như ngày càng ít đi. Thay vào đó là hình ảnh các bạn đọc sách điện tử, hoặc sử dụng phòng đọc để làm việc khác.

Bạn Trần Minh Hiển, sinh viên năm 3 khoa Khoa học chính trị, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, chia sẻ về lý do lên thư viện nhưng không đọc sách: “Mình cực kỳ thích lên thư viện, tầm khoảng 4,5 lần/ tuần, đặc biệt là đến vào khoảng thời gian trống giữa các tiết học sáng và chiều. Mình đến chủ yếu là vì thư viện có chỗ ngồi thoải mái, điều hòa miễn phí và không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi nữa. Thường thì mình đến và xem video giải trí hoặc tranh thủ làm bài tập hoặc ngủ ngắn một lát, thi thoảng mới đọc sách hay tạp chí trên giá sách thư viện với thời gian chừng 30 phút thôi.”

Mặc dù sách giấy ít được sinh viên lựa chọn để đọc, nghiên cứu song việc sinh viên chăm chỉ lên thư viện vẫn được ghi nhận là một điều tích cực bởi đây là một môi trường học tập lành mạnh. Sinh viên lên thư viện để tự học và nghiên cứu thông tin trên máy tính cá nhân, truy cập vào các tài liệu trên nền tảng số, đây cũng là cách để thư viện thu hút, phục vụ sinh viên trong thời đại công nghệ số lên ngôi.

Nỗ lực thay đổi từ các thư viện trường

Trong xu thế phát triển của thời đại công nghệ, thói quen đọc sách của sinh viên đã có những thay đổi rất rõ rệt. Việc tìm kiếm thông tin phục vụ cho học tập, nghiên cứu của sinh viên trở nên dễ dàng và tiện lợi so với trước đây.

Sinh viên đến thư viện trong thời đại số - ảnh 2
Phòng đọc ở thư viện trường là không gian yên tĩnh cho sinh viên tự học 

Bạn Cao Ngọc, sinh viên năm 4 trường Đại học Xây dựng chia sẻ: “Giờ tìm tài liệu hay thông tin phục vụ cho việc học tập khá là dễ dàng, mình có thể tìm thấy trên các trang học tập như Google Scholar hoặc là hỏi Chat GPT, AI cũng được. Nếu phải tìm những thông tin chuyên ngành hoặc tài liệu hiếm thì mình mới lên thư viện mượn sách hoặc giáo trình giấy, nhưng họa hoằn lắm mới phải làm vậy, vì giờ trường nào cũng có thư viện số hết rồi.”

Nắm bắt xu thế đó, nhiều trường đại học đã tích cực cập nhật và chuyển đổi số để phục vụ sinh viên tốt hơn. Tại Trung tâm Thư viện và Tri thức số thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện nắm giữ hơn 53.000 sách số; gần 25.000 tạp chí số; hơn 37.363 Luận án, Luận văn; gần 2.000 kết quả nghiên cứu; hơn 61.129 khóa luận tốt nghiệp, kỉ yếu hội thảo được đăng tải. Ngoài ra, Trung tâm Thư viện và Tri thức còn phân bổ học liệu theo đơn vị đào tạo nhằm giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm.

Tuy nhiên, việc phát triển và duy trì văn hóa, thói quen đọc sách giấy đối với sinh viên rõ ràng vẫn rất cần thiết. Ngoài xu hướng học tập cùng thư viện số và các công cụ hỗ trợ hiện đại, vẫn còn một bộ phận sinh viên đến thư viện với mục tiêu chính là được đọc sách. Họ tìm đến thư viện để ngâm chìm trong những trang sách giấy, để khám phá những tri thức mới và nuôi dưỡng niềm đam mê mê đọc sách.

Cô Nguyễn Ngọc Linh, thủ thư tại Phòng dịch vụ tri thức, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội chia sẻ: “Mỗi ngày có khoảng vài chục đến vài bạn tham quan phòng đọc từng tầng, khu vực của thư viện. Tuy không quá nhiều sinh viên, nhưng nhiều bạn  năm nhất đã rất quen mặt với phòng đọc, có bạn năm cuối vẫn chăm chỉ lên thư viện để mượn và đọc sách hằng ngày.”

Hiện nay, một số thư viện đã trang bị điều kiện tối ưu cho các phòng đọc, khu vực mượn sách nhằm tạo sự linh hoạt giúp sinh viên có thể đọc sách, học tập và nghiên cứu một cách tốt nhất. Thư viện truyền cảm hứng của Đại học Tôn Đức Thắng được các sinh viên rất yêu thích với không gian 7 tầng đẹp mắt và hiện đại, do chính các giảng viên và sinh viên trường lên ý tưởng và thiết kế.

Bên cạnh các hoạt động nghiệp vụ, nhiều thư viện trường như Đại học Văn Lang còn bố trí các nhân viên phụ trách truyền thông, chú trọng vào các hoạt động truyền thông nhằm quảng bá các sản phẩm dịch vụ đến sinh viên, nghiên cứu sinh. 

Ngoài việc trang bị tốt cơ sở vật chất để thu hút các sinh viên, thì việc truyền ngọn lửa yêu sách và nuôi dưỡng thói quen đọc sách dành cho sinh viên vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Những hoạt động như hội sách hay những ngày hội văn hóa đọc, tổ chức Tọa đàm rèn luyện văn hóa đọc, hay Cuộc thi viết cảm nhận sách là những hoạt động thiết thực được một số thư viện trường triển khai giúp sinh viên hào hứng đến thư viện.

 

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

Những “bông hồng thép” làm nên “huyền thoại Trường Sơn”

(PNTĐ) - Họ là những “bông hồng thép” trong Đại đội nữ lái xe Trường Sơn - đại đội nữ duy nhất đảm nhiệm công việc không kém gì nam giới, nữ cựu thanh niên xung phong trở về từ trong bão lửa chiến tranh, viết nên những trang sử anh hùng trên cung đường huyền thoại. Họ là những người mẹ, người vợ nơi hậu phương suốt bao năm thuỷ chung chờ đợi chồng, cha là chiến sĩ trở về, chấp nhận mất mát, hi sinh để cùng viết lên những câu chuyện tình yêu vượt thời gian… Những câu chuyện của họ thật bình dị mà quá đỗi phi thường, đã khắc hoạ một bức tranh lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại.
Ngày trở về

Ngày trở về

(PNTĐ) - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc, đánh dấu sự kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước và mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do, phát triển cho dân tộc Việt Nam. Và với nhiều người con gốc Việt, trong đó có ông Jean Pierre Đinh Ngọc Riệm, hiện là lãnh sự danh dự nước CHXHCN Việt Nam tại New Caledonia (Tân Thế Giới) thuộc Pháp, ngày 30/4 hàng năm còn tượng trưng cho ngày của đoàn kết và sự trở về với nguồn cội.
Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam

Từ bầu trời Hà Nội đến vũ trụ: Một trái tim Việt Nam

(PNTĐ) -  Hòa bình đẹp không? Hòa bình đẹp lắm, đẹp như ánh ban mai sau đêm dài giông bão. Hãy đến với Việt Nam, quê hương tôi, để lặng im ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt, những phố phường yên bình, để hiểu rằng mỗi phút giây yên ả hôm nay đều được đánh đổi bằng máu, nước mắt và lòng quả cảm.