Thành công nhờ hậu phương tiếp sức

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hiện nay, khi thị trường mở cửa, cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng lắm, để có thể khởi nghiệp thành công không đơn giản. Nhưng, nhờ có quyết tâm, cộng thêm sự đồng thuận của vợ chồng mà họ đã gặt hái được trái ngọt.

Vay gần 40 cây vàng để… khởi nghiệp bằng chăn nuôi gà

 Năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoè và anh Nguyễn Mạnh Hải, ở xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội đã thành công với mô hình nuôi gà gia công, liên kết quy mô lớn, mang lại thu nhập cao. Chị Hoè là tấm gương nông dân tiêu biểu của huyện Ba Vì, nhiều năm liền được chứng nhận Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp Thành phố.

Vợ chồng chị bắt đầu “khởi nghiệp” làm kinh tế trong điều kiện hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn. Lúc ấy, nhận thấy ở địa phương có khí hậu mát mẻ, đất đồi nhiều, phù hợp để trồng cây và chăn nuôi gia súc, gia cầm, vợ chồng chị Hoè – anh Hải đã bàn nhau vay mượn họ hàng, người quen mua một mảnh đất rộng 4.700m2 để trồng cỏ và nuôi bò sữa. Với bản chất cần cù, chịu khó, vợ chồng chị Hoè tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi bò sữa trên địa bàn huyện. Tích lũy từ những kinh nghiệm đó, anh chị áp dụng vào thực tế để chăm đàn bò sữa của gia đình mình. Tuy nhiên, thời gian đầu, việc trồng cỏ chăn nuôi bò gặp nhiều khó khăn, mặc dù đã sinh lãi nhưng không cao.

Thành công nhờ hậu phương tiếp sức - ảnh 1
Vợ chồng anh Công, chị Ngọc (bên trái) tại hội nghị kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Hàn Quốc.

Do đó, vợ chồng anh chị tiếp tục mở rộng sang nuôi gà. Năm 2006, vợ chồng chị Hoè biết đến mô hình chăn nuôi gà gia công. Anh chị đi vay gần 40 cây vàng, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi khép kín với nhiều trang thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, hệ thống làm mát, máy sưởi, điện chiếu sáng, hệ thống xử lý chất thải. Khi có chuồng trại đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công ty mà anh chị liên kết cung cấp gần 8.000 con gà giống đầu tiên, thức ăn, thuốc thú y và cử cán bộ kỹ thuật giúp gia đình anh chị chăn nuôi.

“Mới đầu, do chưa biết nhiều về chăn gà, nên chúng tôi khá vất vả trong quá trình chăm sóc. Nhiều lúc, lo sợ thua lỗ vì đầu tư lớn, hai vợ chồng trằn trọc không ngủ được. Lúc đó, chúng tôi lại tự động viên nhau cố gắng” - chị Hoè kể.

Trong quá trình sản xuất, anh chị tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ để nâng cao năng suất. Đàn gà phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh. Mỗi lứa sau khoảng 4, 5 tháng chăm sóc, khi gà đạt trọng lượng từ 1,5 - 2kg/con sẽ xuất bán cho công ty. “Mặc dù nuôi theo hình thức công nghiệp nhưng nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt nên gà có chất lượng thịt thơm, ngon” - chị Hoè nói.

Thành công nhờ hậu phương tiếp sức - ảnh 2
Vợ chồng chị Hoè, anh Hải là một trong số các hộ kinh doanh theo mô hình thâm canh bưởi theo hướng VietGap.

Không những thế, anh chị còn từng bước mở rộng quy mô, phát triển kinh tế gia đình theo hướng một trang trại tổng hợp với đầy đủ các loại hình; ứng dụng sản xuất theo hướng an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, bền vững. Đến nay, tổng diện tích mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị là 2,6ha, trong đó, chăn nuôi gà lai chọi với 3 chuồng (2.100m2, diện tích 700m2/chuồng), quy mô chăn nuôi hàng năm là 27.000.000 con, toàn bộ hệ thống máng ăn máng uống trong trại gà được lắp đặt tự động, có lắp camera giám sát và nút bấm điều khiển từ xa. Diện tích chuồng nuôi lợn là 150m2 với 10 lợn nái và 50 lợn thịt; diện tích trồng cây ăn quả với 500 cây bưởi diễn, 200 cây mít, được đầu tư áp dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt nhằm tiết kiệm nước, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

Bên cạnh đó, gia đình chị Hoè còn tạo việc làm thường xuyên và mùa vụ cho 15 lao động với mức thu nhập từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Có 6 công nhân làm việc thường xuyên tại trang trại được gia đình đóng bảo hiểm tự nguyện 8 năm nay và hỗ trợ tiền xây nhà ở cho công nhân.

Anh chị còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, xã hội; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi cho bà con nhân dân xung quanh; vận động người thân, bạn bè, hàng xóm hăng hái tham gia phát triển kinh tế, văn hóa xã hội. Tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện…; ủng hộ đổ đường bê tông nghĩa trang và mái nhà quản trang trị giá 50 triệu đồng, ủng hộ xây dựng sân nhà văn hoá 2 triệu đồng, ủng hộ 11 ghế đá, đèn chiếu sáng sân nhà văn hoá thôn Yên Thịnh; ủng hộ 10 tấn xi măng đổ bê tông sân chợ Dầy...

Thành công nhờ hậu phương tiếp sức - ảnh 3
Vợ chồng chị Hòe khởi nghiệp bằng chăn nuôi gà.

Chồng rủ vợ cùng… khởi nghiệp

Bản thân và vợ đều có công việc ổn định nhưng một ngày, anh Nguyễn Thành Công, sinh năm 1980, ở Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội bất ngờ bàn với vợ… từ bỏ công việc hiện tại để khởi nghiệp bằng những sáng chế có lợi cho người tiêu dùng, cho môi trường và xã hội tiến tới cơ chế xanh. Nhớ lại quãng thời gian bắt đầu khởi nghiệp đến nay, anh Công cho biết, để có được thành công ấy, một phần nhờ sự hỗ trợ và tin tưởng của vợ anh - chị Trần Thị Bích Ngọc.

Năm 2010, mô hình siêu thị, cửa hàng, shop thời trang, cà phê, nhà hàng mọc lên nhiều, song ứng dụng tính tiền và quản lý vẫn thủ công. Nhận thấy đây là cơ hội để khởi nghiệp, anh Công cùng hai người bạn đứng ra mở Công ty CMT Solution (nay là Công ty Start-up LC Tech Vietnam) để cho ra mắt các sản phẩm công nghệ nhằm giải quyết vấn đề thị trường cho các tiểu thương ở Hà Nội. Đến năm 2012, trước tình hình suy thoái kinh tế, công ty gặp 1 số vấn đề khó khăn về tài chính và đầu ra của sản phẩm. Hai người bạn đồng sáng lập “bỏ cuộc chơi”. Đứng trước khó khăn ấy, anh Công vừa cố gắng duy trì công ty, vừa setup thêm phần mềm cho các doanh nghiệp để có nguồn vốn quay vòng.

Thành công nhờ hậu phương tiếp sức - ảnh 4
Vợ chồng chị Ngọc, anh Công và sản phẩm vừa ra mắt.

Ngồi cạnh chồng, chị Ngọc mỉm cười: “Đồng hành cùng chồng trong chặng đường khởi nghiệp nên kết hôn đến hơn 14 năm, chúng tôi mới mua được căn hộ nhỏ. Tất cả tài sản đều mang đi đầu tư khởi nghiệp”. 

Với chị Ngọc, công ty đã trải qua nhiều thăng trầm, thử thách, nhưng chị vẫn luôn tin tưởng và ủng hộ anh. Bởi nhìn anh say mê với các dự án, nghiên cứu các sản phẩm mới, chị lại thấy những ước mơ của mình trong đó. “Tôi từng nhen nhóm những ý tưởng khởi nghiệp nhưng chưa thể thực hiện. Anh ấy đã giúp tôi phát triển giấc mơ của mình. Đó là mong muốn người Việt sẽ có những sản phẩm công nghệ của người Việt mình, đặc biệt sản phẩm hướng đến phát triển bền vững” - chị nói.

Tự khởi nghiệp, chị Ngọc trở thành người lo tài chính để gồng gánh công ty và cuộc sống. Nhiều khi thiếu vốn, các khoản vay đến hạn, chị là người đứng ra lo toan chính để duy trì công ty và cuộc sống gia đình với ba con bởi chị có niềm tin vào sự bền bỉ, kiên trì theo đuổi mục tiêu cao đẹp cũng như năng lực của chồng sẽ có thành tựu, đem lại lợi ích cho gia đình, đồng nghiệp và xã hội. “Chúng tôi luôn biết ơn sự hỗ trợ từ gia đình, người thân, bạn bè, và đồng nghiệp luôn giúp đỡ, chia sẻ, và động viên để chúng tôi đi được tới ngày hôm nay” - chị nói.

Hiện tại, bên cạnh công ty Start-up LC Tech VietNam, anh Công còn là Founder của Công ty cổ phần SIB Netwwork (Én kết nối) cùng 5 anh em khác. Én kết nối là mạng lưới các doanh nghiệp tạo tác động xã hội. EKN ra đời, mới hoạt động được 2 năm nhưng đã giúp kết nối tạo thêm nhiều giá trị cho các SIB cũng như đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, môi trường.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

“Vốn lớn vay nhanh - Kinh doanh hiệu quả” cùng Agribank

“Vốn lớn vay nhanh - Kinh doanh hiệu quả” cùng Agribank

(PNTĐ) - Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngày càng nhiều khách hàng tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank để phát triển kinh tế, Agribank dành tiếp 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3,5% /năm.
Điện lực Hà Nội khuyến cáo cách phòng chống cháy nổ khi sử dụng điện

Điện lực Hà Nội khuyến cáo cách phòng chống cháy nổ khi sử dụng điện

(PNTĐ) - Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra các vụ cháy nhà gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Theo thống kê của Cục Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH), có trên 70% các vụ cháy được điều tra và làm rõ nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện.