Thị trường bia, nước giải khát Tết: Khó xảy ra hiện tượng “cháy hàng”

Chia sẻ

So với năm ngoái, giá các mặt hàng bia, nước giải khát gần như không tăng; một vài loại hàng tăng giá nhẹ, khoảng 3 - 10%.

Thị trường bia, nước giải khát Tết: Khó xảy ra hiện tượng “cháy hàng” - ảnh 1

 

Hàng Việt tiêu thụ mạnh
 

Tại các siêu thị, có hơn 50 loại nước giải khát được bày bán với các chương trình khuyến mãi (giảm giá, tặng kem ly, bình nhựa…) nhằm thu hút khách mua. Đến siêu thị Citimart những ngày này, người tiêu dùng luôn được mời uống miễn phí nước khoáng chanh có gas của Công ty Vĩnh Hảo. Nhãn hiệu này thay đổi bao bì bằng cách đóng lon, tiện lợi cho khách mua làm quà biếu. Tương tự, rượu Nho Ngọc Trúc (Ninh Thuận) thay đổi bao bì bắt mắt và trang trọng hơn. Bà Ngọc Trúc, chủ thương hiệu rượu nho này cho biết, mùa Tết năm nay, doanh số có thể vượt những năm trước vì hiện số lượng rượu bán ra đã tăng khá nhiều.

 

Khác với các công ty đa quốc gia chỉ tập trung mạnh cho dòng nước ngọt có gas như Cocacola, Pepsi, các nhà sản xuất VN phát triển các loại nước trái cây đóng chai, đóng lon và quảng bá cho xu hướng “uống vì sức khỏe”, thể hiện trong thành phần nước giải khát có bổ sung thêm vitamin, muối khoáng… Các loại nước cam, dứa, me, vải, táo… tạo thêm vẻ sinh động cho thị trường nước giải khát hiện nay. Nhờ vậy, theo các siêu thị, hàng Việt đang được bán khá tốt, với mức doanh thu dự kiến tăng 20-30% so với năm ngoái.

 

Trong khi các doanh nghiệp nước ngoài tập trung vào thị phần tiêu thụ thành thị, thì hàng VN đang phát triển tốt ở khu vực nông thôn. Ngay trong tháng đầu tiên tung hàng bán cho mùa Noel và lễ tết cuối năm 2012 này, sản lượng nước giải khát của Công ty TNHH sản xuất thương mại Tân Quang Minh - Bidrico đã tăng đến 40,3% so với năm ngoái. Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng giám đốc công ty nói: “Thu nhập của người nông dân năm nay khá ổn định nhờ nhiều loại nông sản xuất khẩu, đời sống của họ ít bị xáo trộn vì các tác động kinh tế như người thành thị, nên sức mua ở phân khúc thị trường này không mấy thay đổi”.

 

Thị trường bia, nước giải khát Tết: Khó xảy ra hiện tượng “cháy hàng” - ảnh 2

Tết này bia, nước giải khát không thiếu hàng

 

Xu hướng... tặng bia ngoại
 

Ghi nhận thị trường bia cho thấy, các loại bia nhập khẩu khá đa dạng về chủng loại và đang chiếm lĩnh thị trường quà tặng. Hiện thị trường bia đang rôm rả với sự xuất hiện của gần cả trăm loại thuộc gần 50 nhãn bia nhập từ hàng chục quốc gia như Đức, Bỉ, Pháp, Czech, Mỹ, Nhật…

 

Tại các cửa hàng thực phẩm có kinh doanh rượu - bia - nước giải khát khu vực Hàm Nghi, Lý Tự Trọng, Tôn Thất Đạm (Q.1), Nguyễn Tri Phương (Q.10), Nguyễn Thông (Q.3) và Cách Mạng Tháng Tám (Q.Tân Bình), dù giá đắt hơn từ 4 - 10 lần bia sản xuất trong nước, bia ngoại năm nay xuất hiện nhiều hơn hẳn các năm trước. Lý giải về việc bia ngoại tràn ngập các cửa hàng, một vài chủ cửa hàng đã giải thích: “Bia nội bán nhiều trong các siêu thị, đại lý, mức giá bán theo thị trường chung nên lãi rất thấp, còn bán bia ngoại lãi cao, ít bị cạnh tranh”. Quan trọng hơn, theo người bán thì “chọn bia ngoại làm quà biếu tặng đang trở thành xu hướng của Tết này”.

 

Trong khi bia ngoại nhập về nhiều, nhắm vào giới có thu nhập cao, thì bia nội đáp ứng phân khúc bình dân như 333, Đại Việt... Trong hai tuần qua, giá bia đã nhích lên 10.000 - 20.000đ/thùng. Đặc biệt, giá một thùng bia Heineken loại 24 lon 500ml nhập khẩu từ Hà Lan hiện được bán với giá 640.000đ/thùng, cao hơn khoảng 100.000đ so với vài tháng trước. Ngoài ra, sản phẩm này còn có loại lon 330ml cũng nhập khẩu từ Hà Lan với giá 470.000đ/thùng, hay loại chai giá 470.000đ/thùng (20 chai). Năm nay, thương hiệu này còn có loại bom (giống quả bom) 4 lít với hình thức lạ mắt được bán với giá 650.000đ. Các nhãn hiệu nước giải khát như Trà xanh 0 độ, C2, trà thảo mộc Dr. Thanh… thì chưa tăng giá.

 

Giới kinh doanh bia dự báo trường hợp từ nay đến Tết nếu sức tiêu thụ tăng mạnh thì lượng bán cũng chỉ bằng năm ngoái, khó có thể xảy ra hiện tượng “cháy hàng”. Các số liệu từ các doanh nghiệp sản xuất bia trong nước cho thấy, các đơn vị này tập trung cung ứng cho thị trường tháng Tết (tính ba tháng, từ tháng 12/2012 và đến tháng 2/2013) khoảng gần 500 triệu lít bia các loại, trong đó nhiều nhất là Tổng công ty rượu bia nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với các thương hiệu bia 333, Sài Gòn, kế đến là Heineken, Tiger…

 

Coi chừng rượu giả

 

Hiện sức tiêu thụ các mặt hàng rượu ngoại khá chậm. Rượu có mức giá trung bình từ 500.000đ - 1,2 triệu đồng/chai được khách chọn mua nhiều thay vì các loại rượu ngoại cao cấp có giá trên 10 triệu đồng/chai như những năm trước. Những chai rượu được đóng hộp sang trọng cũng là lựa chọn của rất nhiều khách hàng. Nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh uy tín và người tiêu dùng luôn lo ngại nạn hàng giả, đặc biệt vào dịp Tết, bởi hơn một tháng nay, cơ quan chức năng liên tục bắt giữ bia, rượu nhập lậu không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ. Tuần qua, Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện, thu giữ lượng lớn bia, rượu, nước giải khát nhập lậu, gồm 115 chai rượu, 52 thùng bia Heineken, 528 lon nước tăng lực Redbull… Một số đại lý chuyên kinh doanh bia, rượu lâu năm cho biết, bia chai dễ bị làm giả hơn bia lon. Ngoài bia, rượu nhập lậu thì rượu dễ bị làm giả. Các đối tượng sử dụng vỏ chai rượu chính hãng để làm rượu giả lừa người tiêu dùng. Để giữ uy tín và đảm bảo quyền lợi cho người mua, một số đại lý dùng tem riêng có chữ ký để bảo đảm hàng bán ra, khi có vấn đề, người mua có quyền đến đại lý khiếu nại trực tiếp.

 
Theo Phunuonline
 

Tin cùng chuyên mục

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

Gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động

(PNTĐ) - Ngày hội gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2025 góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, vị thế của giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; hướng tới mục tiêu chung đó là nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô trong thời kỳ hội nhập quốc tế, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số hiện nay.