Tiếp lửa truyền thống qua câu chuyện lịch sử
(PNTĐ) - Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, giao lưu nhân chứng lịch sử tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nói chuyện truyền thống về 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 - 30/4/2025 đã được tổ chức, qua đó khơi dậy trong thế hệ trẻ hôm nay lòng yêu nước, tự hào dân tộc.
Ký ức hào hùng của những nhân chứng lịch sử
Tại lễ chào cờ đầu tuần giữa tháng Tư lịch sử này, đông đảo học sinh Trường THPT Chuyên Chu Văn An (trường Bưởi) đã có thêm những trải nghiệm ý nghĩa từ hoạt động tiếp lửa truyền thống. Các em học sinh được các thầy cô giáo thông tin về ý nghĩa của ngày 30/4/1975 - Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Qua những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh được dàn dựng công phu, với sự phối hợp của các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, học sinh và giáo viên trường THPT Chu Văn An, đã tái hiện khí thế hào hùng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “xếp bút nghiên lên đường” đi cứu nước của thế hệ cha anh… Khách mời - những con người đã đi qua một thời hoa lửa, là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong như: Bác Đoàn Trần Tạc, Đỗ Trắc Lộc và Nguyễn Thị Bích Liên, đã kể lại những ký ức hào hùng để các em học sinh càng trân trọng hòa bình, tự hào về lịch sử nước nhà và luôn yêu quê hương đất nước.
Câu chuyện của “cô Liên xung phong” Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1948, Nam Phú, Tiền Hải, Thái Bình) khiến nhiều học sinh trường THPT Chu Văn An xúc động. Bà Liên nhớ lại, năm 1965, lúc đó vừa học xong lớp 7, bà đã làm đơn gia nhập đội thanh niên xung phong. Bà trốn nhà đi làm nhiệm vụ, chỉ dám gửi lời nhờ các đồng chí bộ đội ở nhà động viên để bố mẹ yên lòng.
Sau khi hoàn tất thủ tục, bà Liên cùng đồng đội hành quân ra chiến trường. Bà được biên chế vào Đội 89 (D89), C893 thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình, có nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường sắt tuyến từ Phủ Lý đến cầu Yên (tỉnh Ninh Bình). Sau đó đơn vị của bà hành quân vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, đến tận Đường 9 - Nam Lào làm nhiệm vụ.

tham gia kháng chiến.
Khi tham gia bảo đảm giao thông đường sắt tuyến từ Phủ Lý đến cầu Yên, bà cùng các đồng đội vừa chiến đấu, lao động và vừa học tập. Ban ngày thì sửa từng mét đường, từng thanh tà vẹt, thanh ray đường sắt, vận chuyển, san lấp hố bom để đảm bảo thông tuyến cho bộ đội ta di chuyển; đêm đến, bà cùng các bạn lập đội văn nghệ tự biên, tự diễn, tự sáng tác rồi biểu diễn cho các đồng chí bộ đội nghe nhằm động viên, khích lệ tinh thần các chiến sĩ.
Nhớ lại kỷ niệm thời kháng chiến, bà Liên xúc động cho biết, tháng 7/1968, bà cùng đồng đội từ Ninh Bình hành quân vào Trường Sơn. Khi mọi người vừa đặt chân đến làng Thanh Thạch (Quảng Bình) thì có tiếng súng báo động, máy bay Mỹ oanh tạc. Trong khói bom mịt mù, một đồng đội của bà đã hi sinh…
Vượt qua nỗi đau, bà cùng các đồng chí tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở các điểm trọng yếu như trọng điểm 448 trên đường 15A, Cổng Trời, Km39… và cũng không ít lần bà cận kề cái chết. Năm 1970, bà Liên đoàn tụ với mẹ sau 5 năm trốn đi thanh niên xung phong. Cuộc gặp gỡ giữa Bích Liên, mẹ và em gái ở thủ đô Hà Nội ấy giàn giụa trong nước mắt…
Sau này, bà về công tác ở Văn phòng Chính phủ, hiện đã nghỉ hưu và tham gia công tác xã hội của thủ đô Hà Nội.
Là nhân chứng kể lại câu chuyện về quá trình chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị tại chương trình giao lưu nhân chứng lịch sử “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” tại trường Đại học Điện lực mới đây, nhà báo Phùng Huy Thịnh, trinh sát pháo binh Sư đoàn 325 kể: Ông cùng các đồng đội của mình không chỉ chiến đấu trong điều kiện gian khổ, khó khăn mà còn kiên cường dũng cảm không lùi bước trong khi địch nã đạn pháo không ngớt vào thành cổ. Câu chuyện của ông là minh chứng sống động cho lòng quả cảm và sự kiên cường của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.
Nhà báo Phùng Huy Thịnh (SN 1953, quê gốc ở Gia Lâm, Hà Nội) xuất thân từ một chàng sinh viên khoa Văn của Đại học Tổng hợp. Ngày 6/9/1971, gần 4.000 thầy trò của các trường cao đẳng, đại học ở miền Bắc xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ. Lúc ấy ông đang là sinh viên năm thứ hai, Đại học Tổng hợp, đã khoác trên mình màu áo lính và chiến đấu trong Đại đội Trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Những trận đánh đầu ở chiến trường Quảng Trị rất khốc liệt. Vì phong trào “Ba sẵn sàng” ngấm vào máu, hàng vạn sinh viên vô cùng hăng hái. Những thanh niên, sinh viên Hà Nội đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng, đã sống hết mình.
Tháng 5/1974, nhà báo Phùng Huy Thịnh là một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên tại Sư đoàn, bắt đầu sự nghiệp cầm bút giữa lửa đạn chiến trường. Hàng trăm chuyến tác nghiệp, có những chuyến ông phải đi vào sâu trong rừng Lào suốt nhiều ngày, có những chuyến tác nghiệp phải bám cả chiến dịch kéo dài vài ba tháng.
Mùa xuân 1975, nhà báo Phùng Huy Thịnh theo các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Huế, Ðà Nẵng; theo Lữ đoàn tăng 203 đánh tiên phong suốt từ Ðà Nẵng đến Phan Rang. Sau đó, ông ngồi trên xe của Thượng tá Lê Khả Phiêu tiến vào giải phóng Sài Gòn. Suốt dọc đường chiến dịch, người phóng viên, chiến sĩ trẻ đã viết rất nhiều bài báo về cuộc sống trận mạc, tường thuật các trận đánh... để ngay sau đó, cùng các đồng nghiệp ở Báo Chiến sĩ giải phóng làm số đặc biệt 30/4 và 1/5 in hàng vạn bản phát đến tận tay bộ đội và nhân dân…

Tiếp lửa truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ
Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Thành Đoàn Hà Nội đã tổ chức chuỗi chương trình giao lưu “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” giữa các nhân chứng lịch sử với thanh thiếu nhi Thủ đô. Đây là một hoạt động ý nghĩa với mong muốn kết nối khứ hào hùng với hiện tại và tương lai.
Theo Phó Bí thư Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng: Những ngày này, hoà chung không khí đất nước, dân tộc đang tưng bừng phấn khởi chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất non sông đất nước, mỗi cá nhân, tập thể, gia đình đều có nhiều hoạt động ý nghĩa để cùng hướng tới niềm vui, niềm tự hào lớn của dân tộc. Chuỗi chương trình giao lưu “Kể chuyện lịch sử - Tiếp lửa truyền thống” dành cho học sinh, sinh viên được tổ chức tại nhiều trường: Tiểu học Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm); Đại học Điện lực; THPT chuyên Chu Văn An (Tây Hồ); THPT Trần Phú (Hoàn Kiếm) và THPT Phan Huy Chú (Đống Đa)…
Thông qua chương trình, Thành Đoàn mong muốn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về những năm tháng chiến đấu gian khổ và sự hy sinh của thế hệ đi trước, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và lòng tự hào dân tộc, từ đó tiếp tục kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Đại diện thế hệ trẻ, Nguyễn Thị Thuỳ Trang, sinh viên Trường Đại học Điện lực đã bày tỏ lòng cảm phục và ngưỡng mộ đối với các cựu chiến binh, thế hệ cha anh đi trước đã hy sinh để giành độc lập tự do cho dân tộc; đồng thời nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, phát triển toàn diện bản thân để sẵn sàng hội nhập quốc tế...
“Qua chương trình giao lưu, chúng em hiểu thêm về lịch sử, tự hào về truyền thống cách mạng. Thế hệ trẻ hôm nay xác định cho mình hành động cụ thể trong học tập, rèn luyện, viết tiếp nên những trang sách vẻ vang bằng khát vọng cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô, đất nước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Trang nói.
Phạm Đức Duy, học sinh lớp 12A1, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Chu Văn An cho biết, từ nhỏ, em đã yêu thích lịch sử qua những câu chuyện kể của ông bà, bố mẹ, sách vở… Nhất là những hoạt động ngoại khóa, giao lưu tiếp lửa giúp em được tiếp xúc, cảm nhận cảm xúc của những nhân chứng. Đây trở thành động lực để em theo học và yêu hơn môn Lịch sử. “Lịch sử là những bài học, kiến thức không chỉ để thuộc lòng mà để hiểu hơn về quê hương đất nước, trân trọng hơn những gì đang có và tri ân sự hy sinh của thế hệ ông cha”, Duy cho biết.