Tiếp tục xử lý xe che biển số
(PNTĐ) - Che biển số xe là hành vi vi phạm pháp luật. Gần đây, tình trạng này lại tiếp tục bùng phát trở lại.
Thực tế, khi tham gia giao thông tại các thành phố lớn, người đi đường có thể chứng kiến việc một số xe máy che biển số lại theo nhiều cách khác nhau: Khẩu trang, miếng dán decal, giấy lộn…
Theo một người từng là xe ôm công nghệ, việc che biển số đối chủ yếu là để tránh được thanh tra công ty để có thể bắt các cuốc xe có giá cao hơn mà không qua ứng dụng.
“Nếu bị phát hiện ra bắt khách ngoài, không mặc đồng phục thì bị phạt tiền, thậm chí khóa luôn tài khoản. Cũng chỉ vì miếng cơm thôi ” – người này phân trần.

Thời gian qua, mạng xã hội chia sẻ rầm rộ hình ảnh những chiếc ôtô bị dán băng dính để che đi một phần biển số hoặc làm sai lệch biển số. Mục đích của những chiêu trò này là để trốn tránh việc xử lý vi phạm (phạt nguội), không phải trả tiền phí cầu, đường bộ khi tham gia giao thông.
Tinh vi hơn, gần đây, nhiều người điều khiển phương tiện còn tác động để biển số xe ôtô bị bẻ cong, che lấp, hư hỏng hoặc làm biển số giả. Thậm chí, nhiều chủ xe thực hiện các mánh khóe sửa chữ, số trên biển bằng cách vẽ thêm nét, sơn, tẩy xóa, dán chồng lên biển kiểm soát. Không những thế, nhiều xe còn được gắn thiết bị thay đổi biển số xe bày bán tràn lan trên mạng.
Không chỉ gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc xử lý khi hệ thống camera không thể nhận diện đúng biển số xe, các chiêu trò này còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông và an ninh trật tự xã hội.
Theo điểm b, khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, hành vi điều khiển xe không gắn biển số (đối với những loại xe có quy định phải gắn biển số) sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng.
Thêm vào đó, nếu người điều khiển phương tiện không gắn đủ biển số hoặc gắn không đúng vị trí quy định; gắn biển số xe không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong hoặc bị che lấp, bị hỏng; sơn hay dán thêm làm thay đổi chữ, số, thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển có thể nhận mức phạt từ 800.000 - 1.000.000 đồng theo quy định tại điểm c, khoản 3 điều luật này.
Ngoài ra, mức phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng được quy định tại điểm d, khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP) áp dụng cho các trường hợp điều khiển xe không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số xe không được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).
Không chỉ phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm theo điểm b, khoản 4 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Để tra cứu phạt nguội, người điều khiển xe có thể truy cập vào website của Cục Cảnh sát giao thông. Khoản 1 Điều 78 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bởi khoản 39 Điều 1 Luật xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020) quy định về nộp phạt nguội như sau:
Trong thời hạn 10 ngày từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm, cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước hoặc tài khoản của Kho bạc Nhà nước (trừ một số trường hợp đặc biệt được đề cập cụ thể ở khoản 2 và 3 của điều này).
Trong trường hợp không nộp phạt đúng thời hạn, cá nhân, tổ chức vi phạm sẽ bị cưỡng chế thi hành. Hơn thế nữa, với mỗi ngày chậm đóng phạt, người vi phạm phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp.
Tất cả các hành vi che biển số trốn phạt nguội theo bất kỳ hình thức nào đều bị xử phạt với tính răn đe cao. Người lái cần lưu ý tuân thủ Luật giao thông để tránh vi phạm đáng tiếc.
Được biết, trong thời gian vừa qua, lực lượng CSGT Hà Nội đã phát hiện và xử lý 16 trường hợp vi phạm về "đeo khẩu trang" cho biển số, trong đó có 06 ô tô và 10 xe mô tô vi phạm