Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu văn hóa cần cụ thể, phù hợp với thực tiễn
(PNTĐ) - Công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Nghị định 122 ra đời đã làm thay đổi về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng, góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa".
Đó là nội dung mà Hội nghị toạ đàm về xây dựng tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn Thủ đô năm 2024 diễn ra chiều ngày 11/10 do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên tổ chức hướng đến.
Nhận thức đúng, hành động tích cực
Ngày 7/12/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 86/2023/NĐ-CP Quy định về khung tiêu chuẩn và trình tự, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” thay thế Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Theo đó, giao UBND các tỉnh, Thành phố rà soát, xây dựng tiêu chí chi tiết, cụ thể để tổ chức thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp với đặc thù văn hoá, tình hình kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên, từ năm 2018, công tác bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP. Nghị định 122 ra đời đã làm thay đổi về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân về công tác xây dựng đời sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng. Công tác này đã góp phần thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ với đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao dân trí, đảm bảo nhu cầu hưởng thụ về vật chất và tinh thần của nhân dân.

Riêng tại Hà Nội, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Phong trào xây dựng danh hiệu “Thôn, tổ dân phố văn hoá” đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nhiều địa phương, làm thay đổi bộ mặt đời sống - xã hội.

Trưởng phòng Văn hoá Thông tin quận Long Biên Lê Thị Hương chia sẻ: Việc tuyên truyền xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hoá”, “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh, văn minh đô thị” trên địa bàn quận được triển khai thực hiện kịp thời, đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức. Các phường duy trì thực hiện chuyên mục “Xây dựng đời sống văn hoá” trên Đài truyền thanh, cổng thông tin điện tử phường; tuyên truyền tại các hội nghị tổ dân phố, các ngành đoàn thể, hội nghị đại biểu nhân dân hàng năm; tuyên truyền trực quan, bảng tin tổ dân phố; lồng ghép tuyên truyền thông qua các hội thi, liên hoan. Công tác thông tin, tuyên truyền đã kịp thời truyền tải các văn bản chỉ đạo, quá trình triển khai và kết quả xây dựng các danh hiệu văn hoá.
Công tác đăng ký, bình xét, công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” được triển khai thực hiện nghiêm túc, đảm bảo đúng quy định, tỷ lệ gia đình văn hóa từng năm tăng nhẹ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, đạt và vượt kế hoạch so với chỉ tiêu được giao. Nếu như năm 2018, tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 91.2%, tỷ lệ tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” đạt 80,61% thì đến năm 2023 tỷ lệ “Gia đình văn hóa” đạt 94.1% (tăng 2,9% so với đầu kỳ), tỷ lệ tổ dân phố được công nhận “Tổ dân phố văn hóa” đạt 93,27 % (12,66% so với đầu kỳ)”.

Công tác đăng ký, đánh giá, công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh, văn minh đô thị” được triển khai bài bản, đảm bảo đúng quy trình. Năm 2023, thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”, trên cơ sở chỉ đạo của Thành phố, UBND quận đã ban hành Hướng dẫn số 03/HD-UBND về việc thực hiện Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Qua kiểm tra, đánh giá, UBND quận đã công nhận 2 phường đạt chuẩn đô thị văn minh năm 2023 (phường Việt Hưng, phường Giang Biên) và tổ chức trao giấy chứng nhận tại hội nghị tổng kết thi đua khen thưởng năm 2023.
Thực tiễn kết quả triển khai của Thành phố Hà Nội cho thấy, phong trào xây dựng gia đình văn hoá đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực, nhiều gia đình đã trở thành tấm gương sáng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Trên địa bàn Thủ đô từ năm 2018 tới nay, tỷ lệ đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá” đạt từ 85 - 88%.

Phong trào xây dựng thôn, làng, tổ dân phố văn hóa đã mang lại sức sống mới, diện mạo mới cho nhiều địa phương, làm thay đổi bộ mặt đời sống - xã hội. Thể hiện rõ nét nhất là các công trình được xây dựng mới, nhiều tuyến đường được mở rộng, nhà văn hóa được xây dựng khang trang, hệ thống đèn chiếu sáng được trang bị... Các phong trào văn hóa - thể thao nhờ đó cũng phát triển mạnh góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Sớm khắc phục tồn tại, hạn chế
Cũng theo Phó Trưởng phòng Xây dựng Nếp sống văn hoá và gia đình (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thành Tuyên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hoá trên địa bàn Thành phố vẫn còn bộc lộ những bất cập, khó khăn như: Việc công nhận các danh hiệu văn hóa có nơi, có lúc còn mang tính hình thức. Vẫn còn tình trạng gia đình, thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa chỉ trên danh nghĩa, có khuynh hướng nặng theo chỉ tiêu hoặc tỷ lệ đạt rất cao nhưng thực tế có nhiều tiêu chí chưa đạt. Tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá” được ban hành và áp dụng chung cho cả nước, nhiều nội dung chưa phù hợp với đặc thù từng địa phương cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bình xét chưa sát thực tế.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất cập nêu trên đó là: Tiêu chí bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hoá”, “Thôn, tổ dân phố văn hoá” được ban hành và áp dụng chung cho cả nước, nhiều nội dung chưa phù hợp với đặc thù từng địa phương cụ thể, dẫn đến việc đánh giá, bình xét chưa sát thực tế. Chính vì vậy, việc ban hành Nghị định 86 không chỉ nhằm triển khai kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật mà còn khắc phục những khó khăn, vướng mắc thực tế hiện nay.
Ông Bùi Văn Kha, Tổ trưởng Tổ dân phố số 15, phường Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay: Việc chấm điểm về một số tiêu chí “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” còn gặp nhiều khó khăn. Ví dụ như việc thực hiện phân loại rác thải rất khó thực hiện mặc dù phường Thành Công được chọn làm điểm công tác này. Việc quy định không thả rông vật nuôi phóng uế bừa bãi cũng là tiêu chí khó thực hiện và phải có biện pháp, chế tài cụ thể mới có thể thực hiện được. Hay tiêu chí có nhà văn hóa để sinh hoạt cộng đồng hiệu quả, có điểm khu thể thao được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời là khó thực hiện vì ở nội thành đất chật người đông.
Ông Phạm Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Lãm, quận Hà Đông chia sẻ: Tó tiêu chí chung chung, chưa có định lượng; có tiêu chí chưa phù hợp với yêu cầu của thực tiễn dẫn đến việc triển khai xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đôi khi thành hình thức, không thực hiện hiệu quả. Đơn cử như, qua thực tế kiểm tra, các địa phương còn xảy ra nhiều tình trạng vi phạm an ninh trật tự công cộng, phòng cháy chữa cháy, song chưa được đưa vào bổ sung trong tiêu chí. Trong tiêu chí thực hiện chính sách hôn nhân và gia đình chưa rõ ý cụ thể thế nào là sinh đủ số con? Đối với tiêu chuẩn "Phường văn hóa", 85% trở lên các đám tang tiến hành hỏa táng, địa táng cần xem xét lại cho phù hợp.

Ngoài ra, còn có hiện tượng Ban chỉ đạo phường, ban vận động tổ dân phố chấm điểm không dựa trên kết quả thực hiện các tiêu chí của các gia đình, các tổ dân phố, đánh giá có khi cảm tính, nể nang, chạy theo thành tích, làm giảm giá trị các danh hiệu văn hóa. Công tác xây dựng “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” thường xuyên phát sinh các vi phạm về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; ý thức người dân về đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, chấp hành các quy định đô thị, trật tự an toàn giao thông còn hạn chế...

Trước tình hình đó, cần tăng cường và nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo các cấp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng các danh hiệu văn hóa. Đối với danh hiệu “Tổ dân phố văn hoá”, “Gia đình văn hoá” cần khẩn trương, tập trung hướng dẫn triển khai Nghị định 86 của Chính phủ đảm bảo tiến độ biểu dương “Gia đình văn hoá” vào dịp Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11). Các tiêu chí cần có nội dung sát với thực tiễn đời sống, có định lượng, có tính khả thi trong đánh giá chấm điểm. Quy định điểm trừ, điểm cộng cần có quy định cụ thể, phù hợp, thống nhất trên toàn Thành phố... Đối với danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”, Thành phố cần chỉ đạo các sở ngành kịp thời ban hành hướng dẫn để cơ sở triển khai thực hiện đánh giá theo Quyết định 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh” và quy định cụ thể đối với công tác khen thưởng đối với các phường được công nhận để biểu dương, động viên kịp thời... Qua đó, từng bước hoàn thiện tiêu chuẩn chi tiết, cụ thể phục vụ công tác bình xét, công nhận các danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Thôn, tổ dân phố văn hóa”; “Xã, phường thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn Thủ đô đảm bảo sát với thực tiễn, phù hợp với đặc thù của các địa phương.