Từ vụ Xuyên Việt Oil: Cơ quan An ninh điều tra kiến nghị siết chặt quản lý, kinh doanh xăng dầu, phòng ngừa sai phạm
(PNTĐ) - Ngoài việc đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil về các tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”…, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn đưa ra nhiều kiến nghị để phòng ngừa sai phạm.
Theo kết luận điều tra, lợi dụng chức vụ quyền hạn, bị can Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil (Xuyên Việt Oil) đã vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng quỹ Bình ổn giá xăng giá dầu (quỹ BOG) và tiền thuế bảo vệ môi trường, gây thất thoát tài sản Nhà nước với số tiền là 1.463 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị can Hạnh còn đưa hối lộ số tiền gần 30 tỷ đồng cho nhiều cá nhân khác.
Theo kết luận điều tra, đây là vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ liên quan đến lĩnh vực an ninh năng lượng, an ninh tài chính, ngân hàng xảy ra từ trung ương đến địa phương, có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, gây thất thoát tài sản Nhà nước đặc biệt lớn, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức và được dư luận xã hội quan tâm. Để xảy ra tội phạm, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an nhận thấy có một số nguyên nhân đến từ công tác kiểm tra, giám sát quỹ BOG, thu tiền thuế bảo vệ môi trường.
Theo đó, các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu, Quỹ BOG không được quản lý tập trung mà được để tại doanh nghiệp thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và giao doanh nghiệp tự quản lý, chủ động trích lập, sử dụng và báo cáo số dư Quỹ BOG về cơ quan quản lý Nhà nước.
Pháp luật hiện hành cũng không quy định cụ thể phương pháp, cách thức quản lý, kiểm tra thực tế số dư Quỹ BOG mà doanh nghiệp đã trích lập trong từng kỳ báo cáo và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý liên quan. Do đó, chủ sở hữu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã lợi dụng việc được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng Quỹ BOG để tại doanh nghiệp để chiếm dụng, sử dụng trái phép sổ tiền Quỹ BOG, dẫn đến gây thất thoát tài sản Nhà nước,…
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng đề cập đến việc cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu (nay là Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu).
Theo đó, quy định hiện hành chưa quy định chặt chẽ, rõ ràng về trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền cấp phép sau khi đã ban hành giấy phép; pháp luật hiện hành quy định trách nhiệm “tiền kiểm” và “hậu kiểm” thuộc 02 đơn vị khác nhau, dẫn đến việc đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép móc nối, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hoặc bỏ qua việc hợp thức hoá hồ sơ, điều kiện cấp phép, doanh nghiệp không duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu sau khi được cấp phép.
Theo đánh giá của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, vì động cơ vụ lợi, nhiều cán bộ, lãnh đạo thiếu gương mẫu, suy thoái đạo đức, lối sống, đã lợi dụng việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thuế, ngân hàng để trục lợi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước.
Từ kết luận nêu trên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kiến nghị một số vấn đề cụ thể để phòng ngừa sai phạm.
Thứ nhất: Đối với công tác kiểm tra, giám sát Quỹ BOG, trước mắt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc trích lập, sử dụng Quỹ BOG của các cơ quan quản lý Nhà nước và yêu cầu thương nhân đầu mối xăng dầu phải công khai số dư Quỹ và tài liệu, chứng từ chứng minh theo định kỳ hàng tháng để đảm bảo chặt chẽ, minh bạch.
Sửa đổi, bổ sung quy định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, cần quy định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý Nhà nước và cần thiết giao một cơ quan duy nhất có quyền hạn, trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát Quỹ BOG hoặc chuyển Quỹ BOG về cơ quan Nhà nước quản lý trực tiếp. Trường hợp phát hiện có vi phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, xử lý hình sự.
Thứ hai, đối với công tác quản lý, thu tiền thuế bảo vệ môi trường, pháp luật, cần quy định thời gian cụ thể mà doanh nghiệp phải nộp số tiền thuế đã thu hộ vào ngân sách Nhà nước và trách nhiệm hình sự của người đại diện pháp luật của doanh nghiệp trong trường hợp không thực hiện việc chuyển nộp số tiền đã thu hộ này vào ngân sách Nhà nước theo thời gian quy định.
Cơ quan thuế cần tăng cường công tác thanh tra, giám sát và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền chấn chỉnh trong quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế tại doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và kịp thời có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị xử lý.
Trường hợp, để xảy ra sai phạm về thời gian chuyển nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào ngân sách Nhà nước thì người đứng đầu cơ quan thuế và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thứ ba: Đối với việc cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Pháp luật cần quy định trách nhiệm, chế tài nghiêm khắc đối với đơn vị, người có thẩm quyền cấp phép sau khi cấp phép.
Trường hợp doanh nghiệp không duy trì điều kiện cấp phép thì phải kiến nghị thu hồi giấy phép và có hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc đối với doanh nghiệp, người đại diện pháp luật của doanh nghiệp (như: Cấm kinh doanh lĩnh vực xăng dầu trong thời gian nhất định; phạt tiền...).
Kiến nghị cuối cùng là đối với các vấn đề, lĩnh vực khác có liên quan trọng vụ án, các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần khẩn trương rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định về lĩnh vực, ngành chuyên môn phụ trách và quy định chế tài xử lý nghiêm khắc có tính chất răn đe, giáo dục nhằm phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi sai phạm, tham nhũng, gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước.
Qũy BOG được lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách và thuộc đối tượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Mục đích của quỹ BOG là bình ổn giá khi giá dầu trên thế giới có biến động, cần điều chỉnh giá trong nước nhằm ổn định thị trường. Do đó, pháp luật nghiêm cấm sử dụng số tiền này vào mục đích khác.