Tung tin giả lên mạng xã hội gây thiệt hại sẽ bị xử lý hình sự
(PNTĐ) -Theo quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về an ninh mạng, người tung tin giả gây thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý hình sự với nhiều tội danh khác nhau.

Ảnh minh họa
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội đã xử nhiều vụ việc liên quan đến tin giả trên mạng xã hội. Nhiều vụ việc, người đăng tin giả vì mục đích vụ lợi, muốn được nổi tiếng hoặc vì mục đích chính trị nào đó đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín và tài sản của một số cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp.
Mới đây nhất, ngày 11/7, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với ông Tô Vĩ Hoàn (sinh năm 1984, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do đăng tải thông tin sai sự thật, bôi nhọ hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Vingroup.
Theo luật sư Trương Quốc Hòe, Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), sau khi Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có hiệu lực và được thực thi thì tất cả các trường hợp đăng tải, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, vu khống… đều bị xử lý hành chính. Cụ thể, theo điểm a, khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi cung cấp, chia sẻ những thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật trên mạng xã hội sẽ bị xử phạt 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Tuy nhiên, đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà có thể được Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội Vu khống (Điều 156); tội Làm nhục người khác (Điều 155); tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159).
Đáng nói là tin giả thường dễ lôi kéo tương tác gấp 6 lần tin thật. Hơn nữa, tin giả lại ngày càng tinh vi, khó nhận biết. Thêm vào đó, cơ chế đăng tải thông tin lên mạng xã hội rất đơn giản, dễ dàng, nên bất kỳ ai, ở đâu, chỉ cần có phương tiện và kết nối mạng là có thể thực hiện, việc xử lý tin giả càng khó xử lý.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân tích: Dù vô tình hay cố ý thì hành vi tung tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm của Luật An ninh mạng. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Hành vi đưa thông tin tiêu cực giả mạo, biết rõ là sai sự thật về người khác là hành vi vu khống. Nếu người bị vu khống có đơn đề nghị xử lý hình sự thì người đưa ra thông tin sai sự thật trong trường hợp này sẽ bị khởi tố về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt cao nhất có thể tới 7 năm tù. Trong trường hợp nạn nhân không có đơn trình báo nhưng những thông tin đưa lên mạng xã hội được xác định là sai sự thật, có tác động tiêu cực đến đời sống, kinh tế, xã hội thì cơ quan điều tra vẫn vào cuộc xác minh, đánh giá hậu quả của hành vi vi phạm pháp luật để có căn cứ xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Cường nói.