Ngày Sơ cấp cứu Thế giới năm 2023:
Vai trò của công nghệ số đối với hoạt động sơ cấp cứu
(PNTĐ) - Ngày 7/9, tại Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Sơ cấp cứu Thế giới năm 2023 với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số” và diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ.
Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo, hoạt động truyền thống của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, và là một trong các hoạt động trọng tâm của 192 Hội quốc gia trên toàn thế giới.
Ngày Sơ cấp cứu Thế giới là sáng kiến được Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khởi xướng từ năm 2000. Theo đó kêu gọi các nước, các Hội quốc gia trên thế giới tổ chức Ngày Sơ cấp cứu Thế giới vào thứ bảy, tuần thứ 2 của tháng 9 hằng năm.
Phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm, Đồng chí Bùi Thị Hòa - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Sơ cấp cứu, hoạt động có ý nghĩa sâu sắc đối với sự hình thành và phát triển của Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, là một trong những hoạt động truyền thống của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ.
Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, trong những năm qua, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày sơ cấp cứu Thế giới và xác định sơ cấp cứu ban đầu luôn là một trong những hoạt động quan trọng có tính truyền thống, thế mạnh của Hội CTĐ Việt Nam. Qua đó, các cấp Hội đã đào tạo được gần 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ cấp cứu đạt chuẩn.
Đây là đội ngũ cán bộ tham gia huấn luyện, trang bị kiến thức và kỹ năng sơ cấp cứu cho tình nguyện viên làm việc tại trên 500 trạm, điểm sơ cấp cứu và đội ngũ lái xe taxi, lái xe ôm, những người thường xuyên hoạt động tại những khu vực hay xảy ra tai nạn giao thông để sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi xảy ra tai nạn.
Tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cho đối tượng học sinh trong trường học, người dân sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn như dọc các đường quốc lộ, nơi thường xuyên xảy ra bão, lũ lụt, sạt lở, động đất cũng được quan tâm đẩy mạnh nhằm xây dựng các cộng đồng an toàn, có khả năng ứng phó kịp thời trong các tình huống cần thiết.
Trong nhiệm kỳ 2017 - 2022 vừa qua, các cấp Hội đã tổ chức huấn luyện sơ cấp cứu cho gần 700.000 người, tương đương khoảng 0,8% dân số, truyền thông phổ biến kiến thức về sơ cấp cứu cho gần 3 triệu lượt người, tương đương khoảng 3% dân số.
Ngày Sơ cấp cứu Thế giới năm 2023 với chủ đề “Sơ cấp cứu trong thế giới số” và các thông điệp: “Sơ cấp cứu là một hành động nhân đạo!”, “Ai cũng có thể học được sơ cấp cứu, không phân biệt hoàn cảnh cá nhân hoặc tuổi tác!”, “Tất cả mọi người đều được hỗ trợ sơ cấp cứu khi cần thiết, không phân biệt đối xử!”, “Hãy trân quý cuộc sống - Thành thạo kỹ thuật sơ cấp cứu để bảo vệ cuộc sống của bạn và mọi người!”, “Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong đào tạo, huấn luyện và thực hành sơ cấp cứu!”, “Phát triển kho dữ liệu học tập sơ cấp cứu thông qua công nghệ số cho mọi người!”, “Hãy cập nhật kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu của bạn qua Thế giới số!”.
Lễ kỷ niệm Ngày sơ cấp cứu thế giới năm 2023 bao gồm nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Ký kết triển khai hoạt động đào tạo, trao tặng dụng cụ huấn luyện sơ cấp cứu, túi sơ cấp cứu/mũ bảo hiểm cho tình nguyện viên và trường học; Diễn tập tình huống sơ cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ; tổ chức các khóa tập huấn sơ cấp cứu cho các cơ quan, đơn vị, người lao động trong các doanh nghiệp,...
Với thông điệp “Sơ cấp cứu trong thế giới số”, trong thời gian tới, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho người dân, chú trọng việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đổi mới phương thức đào tạo, huấn luyện sơ cấp cứu và truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ cấp cứu.
Từ khi thành lập (ngày 23/11/1946) đến nay, sơ cấp cứu luôn là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Trong những năm gần đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam không ngừng mở rộng hợp tác với các đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các đối tác trong và ngoài nước để phát triển các hoạt động sơ cấp cứu.
Hiện trong cả nước chỉ duy nhất Hội Chữ thập đỏ Việt Nam có hệ thống sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng được triển khai trên toàn quốc và đang triển khai mô hình các đội tình nguyện viên sơ cứu lưu động và thành lập các trạm, điểm sơ cấp cứu trên các tuyến giao thông trọng điểm, tại những vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông để kịp thời sơ cấp cứu cho người bị nạn.