Chào mừng 113 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3:
Xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế
(PNTĐ) -Chiếm hơn 50% dân số, gần 48% lực lượng lao động xã hội, phụ nữ Việt Nam có mặt và chủ động tham gia trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, để thực hiện được các mục tiêu phát triển đất nước trong thời gian tới, văn kiện Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Cần phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ; xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”.


Hỗ trợ Phụ nữ phát triển toàn diện
Hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ được Hội LHPN Việt Nam đặt ra trong nhiệm kỳ 2022-2027. Trong đó, nội dung trọng tâm của nhiệm vụ này là xây dựng người phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế. Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ.
Để thực hiện hiệu quả những nội dung trọng tâm của nhiệm vụ, Nghị quyết Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đưa ra giải pháp: Mỗi một phụ nữ có hành động cụ thể rèn luyện các tiêu chí của phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, các tiêu chí cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, hoặc “Xây dựng gia đình 5 có, 3 sạch” góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, tạo nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa tại khu dân cư; là tấm gương cho các thế hệ trong gia đình, cộng đồng rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức. Đồng thời, phụ nữ cần chủ động, tích cực, không ngừng học tập bằng nhiều hình thức, học tập ở mọi nơi, mọi lúc; nỗ lực nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, kỹ năng sống, các kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
(Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII)
Ngày nay, trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự phát huy vai trò của phụ nữ hiện đại rất quan trọng. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, từ góc độ quản lý, để phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập hiện nay, rõ ràng rất cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế, có khả năng sáng tạo, là những công dân toàn cầu. Vì vậy, để phát huy vai trò của phụ nữ hiện đại, rất cần chú trọng phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, phụ nữ, gia đình và trẻ em; phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị xã hội, đặc biệt là Hội LHPN Việt Nam trong hỗ trợ phụ nữ phát triển. Đồng thời, cần có nhiều hoạt động để thay đổi các khuôn mẫu giới, định kiến giới về vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, để họ cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với gia đình và bình đẳng tham gia hoạt động xã hội. Đặc biệt, bản thân người phụ nữ phải tự ý thức học hỏi, tích lũy kiến thức, kỹ năng và mạnh dạn nắm lấy thời cơ để phát triển bản thân.
Thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ
Bên cạnh nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc thì nâng cao quyền năng cho phụ nữ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được tổ chức Hội đặt ra hiện nay. Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng điều này không chỉ góp phần giảm sự bất bình đẳng giới mà còn mở ra cho phụ nữ những cơ hội phát triển trong cuộc sống. Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ vẫn là mối quan tâm hàng đầu trong nỗ lực của các quốc gia và cộng đồng quốc tế nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, trong đó có Việt Nam.


Mặc dù được ghi nhận là một trong những nước có hệ thống pháp luật về bình đẳng giới khá tiến bộ và đầy đủ nhưng ở Việt Nam cũng như tất cả các nước trên thế giới đều vẫn chưa đạt được bình đẳng giới. Theo báo cáo Khoảng cách giới do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố năm 2022, chúng ta cần 132 năm nữa mới có thể thu hẹp hoàn toàn khoảng cách giới, so với năm 2020 trước khi diễn ra đại dịch Covid-19 thì khoảng thời gian này bị kéo dài thêm 32 năm. Nói cách khác, bình đẳng giới đã bị chậm lại một thế hệ tương lai và phụ nữ đang phải gánh chịu gánh nặng của suy thoái kinh tế hiện nay.
Hiện nay, Việt Nam đang có một nền tảng pháp luật về bình đẳng giới tiến bộ, nhưng còn cần phải làm nhiều hơn nữa để đưa pháp luật vào cuộc sống, giải quyết triệt để các vấn đề giới đang cản bước phụ nữ như: Bạo lực trên cơ sở giới, định kiến giới về năng lực của phụ nữ trong tham gia quản lý, gánh nặng công việc gia đình không được trả công và ghi nhận thỏa đáng.

Phụ nữ Việt Nam đang có nhiều cơ hội để hiện thực hóa khát vọng phát triển trước những cơ hội vàng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nhưng cùng với đó là những thách thức, khó khăn không nhỏ, đòi hỏi người phụ nữ cần “nâng tầm” nhiều hơn nữa để theo kịp tốc độ phát triển, hội nhập. Do đó, việc xây dựng người Phụ nữ Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao quyền năng của phụ nữ rất cần những chính sách, cơ chế để tháo gỡ những khó khăn, “điểm nghẽn” trong tiến trình thúc đẩy bình đẳng giới hiện nay.
Về vấn đề này, tại Hội nghị đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề "Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế -xã hội" do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu khi xây dựng các cơ chế, chính sách, ngoài các quy định chung thì cần phải tính tới các quy định riêng phù hợp với phụ nữ. Khẳng định bình đẳng giới là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm và nhất quán quan điểm xuyên suốt bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, chúng ta đã ban hành nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách quan trọng thúc đẩy bình đẳng giới và vì sự phát triển của phụ nữ.
Thực tế cho thấy những chính sách về bình đẳng giới được ban hành trong thời gian qua không chỉ góp phần tăng cường nhận thức của xã hội, gia đình về vị trí của phụ nữ mà còn tạo cơ hội, môi trường để phụ nữ khẳng định mình. Vị thế và tầm ảnh hưởng của phụ nữ Việt Nam không chỉ “tỏa sáng” trong nước mà còn lan tỏa trên phạm vi quốc tế với những đóng góp của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Qua đó, góp phần định vị vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.