Xe hợp đồng chở khách tại Hà Nội: Phát triển nhanh, vi phạm nhiều, xử lý khó

Chia sẻ

PNTĐ-Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đã xử lý nhiều xe hợp đồng hoạt động trá hình, tuy nhiên vi phạm vẫn không giảm mà còn có các hình thức lách luật tinh vi hơn.

 
Sau khi nhiều tuyến xe được điều chuyển vào các bến bãi trên địa bàn TP theo đúng hướng tuyến nhằm hạn chế phương tiện đi xuyên tâm, giảm ùn tắc giao thông trong nội đô, nhiều xe hợp đồng chở khách trá hình đã tìm đủ cách lách để hoạt động trái phép, gây mất trật tự an toàn giao thông.
 
Xe hợp đồng chở khách tại Hà Nội: Phát triển nhanh, vi phạm nhiều, xử lý khó - ảnh 1
Thanh tra giao thông xử lý xe hợp đồng vi phạm đón khách dọc đường

 
Những điểm đón trá hình và tinh vi
 
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội cho biết, hình thức lách luật phổ biến nhất hiện của các hãng xe hợp đồng là xin phép mở văn phòng đại diện tại các tuyến phố gần bến xe, nhà ga, bệnh viện, trung tâm thương mại - những nơi tập trung đông dân cư sau đó trá hình biến trụ sở này thành nơi bán vé, xếp khách. Hàng ngày xe hợp đồng “lấy cớ” đến văn phòng đại diện để lấy tài liệu, lịch trình, hợp đồng… rồi tranh thủ đón, trả khách.
 
Theo thống kê, chỉ tính riêng xung quanh khu vực bến xe Giáp Bát, bến xe Mỹ Đình đang có 21 văn phòng đại diện của các doanh nghiệp vận tải liên quan đến xe hợp đồng, xe limousine đang hoạt động, kéo theo đó là rất nhiều bến bãi trái phép. Đáng nói, những văn phòng đại diện này đều có giấy phép hoạt động do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp, giấy phép kinh doanh vận tải do Sở Giao thông Vận tải cấp nhưng không ít văn phòng đại diện được cấp giấy phép tại các tuyến đường, vị trí không có biển cấm dừng, đỗ hoặc trong các khu ngõ, khu đô thị để qua mặt các cơ quan chức năng và tiện bề hoạt động. Vì thế, đi trên các tuyến đường vành đai của Hà Nội, nhất là tuyến đường vành đai 3, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe limousine, xe hợp đồng dừng đỗ, đón trả khách công khai.
 
Văn phòng đại diện Công ty TNHH thương mại Đoàn Xuân tại 64 đường Nguyễn Xiển (quận Thanh Xuân) nằm ngay lối lên - xuống cầu vượt trên cao, thuận tiện cho việc đón trả khách. Dù đã được treo biển cấm dừng, đỗ nhưng tình trạng xe ra, vào đón khách ở đây vẫn nhộn nhịp. Tuyến đường Nguyễn Xiển vốn đã thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông thì sự xuất hiện của những văn phòng đại diện của các nhà xe hợp đồng, xe limousine càng khiến cho tình hình mất trật tự giao thông trở nên nghiêm trọng hơn và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh vận tải trên địa bàn. 
 
Xử lý càng nhiều, vi phạm càng tinh vi
 
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, theo Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, đơn vị này đã lập biên bản xử phạt hơn 1.000 xe hợp đồng hoạt động trá hình vận chuyển hành khách như tuyến cố định. Xử lý nhiều nhưng vi phạm không giảm, thậm chí các hình thức lách luật ngày càng tinh vi và thách thức các cơ quan chức năng hơn.
 
Ông Lưu Minh Hưng - Đội phó Đội thanh tra giao thông quận Thanh Xuân cho biết: Hiện nay, việc chỉ xử phạt chỉ dừng lại ở lỗi đón trả khách sai quy định và treo bằng với lái xe nhưng không có người này sẽ có người khác trong doanh nghiệp lái nên mới có tình trạng, có đầu xe của doanh nghiệp bị xử lý liên tiếp nhưng ngày hôm sau xe vẫn lăn bánh bình thường. Nhiều nhà xe chấp nhận nộp phạt và tồn tại. 
 
Còn theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, quy định hiện nay không yêu cầu các phương tiện vận chuyển dưới 9 chỗ (thường là loại xe limousine) phải thông báo nội dung hợp đồng vận chuyển trước mỗi chuyến... Đây chính là kẽ hở để các doanh nghiệp hoạt động tinh vi dưới mác văn phòng đại diện. Nếu trước mỗi trụ sở văn phòng không có biển cấm dừng, đỗ, việc xử phạt vi phạm thường rơi vào bế tắc.
 
Để xử lý dứt điểm vi phạm của xe hợp đồng, xe limousine, Thanh tra giao thông vận tải đã có văn bản đề xuất Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để phù hợp với thực tế; cắm biển hạn chế hoạt động với xe vận chuyển khách dưới 9 chỗ quanh các bến xe, tuyến đường trung tâm TP; lắp đặt camera giám sát tại các tuyến đường quanh các bến xe, xử “nguội” các phương tiện, doanh nghiệp vận tải hành khách theo hợp đồng vi phạm dừng, đỗ, đón, trả khách trên các tuyến phố có biển cấm dừng, đỗ.
 
Bên cạnh đó, một giải pháp “gốc” rất quan trọng để xử lý dứt điểm vi phạm trên là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng có liên quan với các quận, huyện. Việc tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp vận tải hoạt động là cần thiết nhưng cần phải phù hợp thực tế.
 
Hiện nay, việc cấp phép kinh doanh, mở văn phòng đại diện do Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện nhưng lại không có quy định thẩm tra lại địa điểm được cấp phép có phù hợp với hoạt động vận tải, quy hoạch luồng tuyến. Ngoài ra, cần có biện pháp xử lý nghiêm với vi phạm của các văn phòng đại diện doanh nghiệp vận tải, thậm chí rút giấy phép hoạt động nếu cố tình tái phạm.
 
Thanh Hải

Tin cùng chuyên mục

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

Hiệp định Geneve: Việt Nam mềm dẻo, sáng suốt và kiên định trong đàm phán

(PNTĐ) - Tại Hội nghị Geneve, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kiên định với lập trường: "Đi tới một giải pháp hoàn chỉnh là đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Đông Dương đi đôi với giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước Đông Dương".