Xét xử vụ án Việt Á: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Ngày 4/1, TAND Hà Nội tiếp tục phiên toà xét xử 38 bị cáo trong đại án Việt Á. Trong phần xét hỏi, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội. Đa số bị cáo đã khắc phục được số tiền nhận hối lộ từ Công ty Việt Á.

Cựu Giám đốc CDC Hải Dương thừa nhận nhận 27 tỷ đồng từ Việt Á

Trả lời xét hỏi, ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Hải Dương, Bộ Y tế cử 4 đoàn công tác về địa phương này chống dịch. Tuy nhiên, theo ông Tuyến, 4 đoàn công tác của Bộ không đáp ứng đươc yêu cầu chống dịch tại Hải Dương lúc bấy giờ.  Sau đó, Công ty Việt Á được đề xuất đưa về để hỗ trợ chống dịch. Bị cáo Tuyến trình bày, việc đề xuất này là chỉ đạo của cấp trên và được chỉ đạo trong các cuộc họp ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh Hải Dương.

Xét xử vụ án Việt Á: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội - ảnh 1
Bị cáo Phạm Duy Tuyến

Theo lời khai của ông Tuyến, Phan Quốc Việt (Chủ tịch Công ty Việt Á) nhiều lần được tham gia cuộc họp Ban thường vụ Tỉnh uỷ.

Bị cáo Tuyến cũng khai, bản thân đã ký 4 hợp đồng với Việt Á, với tổng số tiền hơn 147 tỷ đồng. Bị cáo là người chuyển tiền thanh toán cho Việt Á. Sau khi quyết toán lần 1, bị cáo không nhận được gì từ Việt Á. Tuy nhiên, sau khi quyết toán lần thứ 2 và 3, Việt Á đề nghị trích % chia sẻ lợi nhuận cho CDC Hải Dương và những người trực tiếp chống dịch. “Như Việt Á nói đây là chia sẻ lợi nhuận nên bị cáo nghĩ không vi phạm pháp luật. Sau này bị bắt, bị cáo mới biết là vi phạm pháp luật” - cựu Giám đốc CDC nói.

Bị cáo Tuyến sau đó được Công ty Việt Á chuyển tiền 3 lần với tổng số tiền là 27 tỷ đồng. Để nhận số tiền này, bị cáo đề nghị Việt Á chuyển tiền vào tài khoản cá nhân 2 người quen của Tuyến. Trả lời câu hỏi của toà lý do nhận tiền từ tài khoản cá nhân chứ không phải của CDC Hải Dương, Tuyến trình bày: "Khi tiền vào tài khoản nhà nước phải báo cáo giải ngân nên không rút ra được, bị cáo phải sử dụng tài khoản cá nhân”.

Bị cáo Tuyến cho biết đã dùng số tiền này để chia sẻ cho những người có công đóng góp trong phòng chống dịch và cá nhân bị cáo.  “Việc chi tiền này, bị cáo chủ động” - Tuyến nói. Theo lời khai của bị cáo Tuyến, bị cáo đã đưa cho ông Phạm Xuân Thăng (khi đó là Bí thư tỉnh Hải Dương) 2 lần, mỗi lần 300 triệu đồng và lần thứ 3 là 50.000 USD.

Tuyến còn đưa bị cáo Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) 6 lần, tổng 7 tỷ đồng. Lý giải tại sao đưa tiền cho Giám đốc Sở nhiều hơn Bí thư tỉnh uỷ, Tuyến trình bày do Cường là thủ trưởng trực tiếp, vất vả chống dịch và hỗ trợ bị cáo rất nhiều. Tuyến cũng đưa các các cán bộ, nhân viên CDC Hải Dương khoảng 1,8 tỷ đồng. Số tiền còn lại khoảng 16,5 tỷ đồng, bị cáo dùng việc cá nhân.

Theo ông Tuyến cho biết, bị cáo bị VKS truy tố tội “Nhận hối lộ” là đúng. Bị cáo thường xuyên nhắc nhở gia đình rằng đây là số tiền không phải mình làm ra được nên nộp lại cho cơ quan điều tra. Hiện gia đình bị cáo Tuyến đã nộp trên 13 tỷ đồng. “Bị cáo sẽ tiếp tục đề nghị gia đình cố gắng trả hết tiền đã nhận của Việt Á” - bị cáo nói.

Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội

Bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương) khai được bầu làm Bí thư tỉnh ủy tháng 10/2020. Tại toà, ông Thăng khai, lúc đầu Hải Dương bùng phát 2 đợt dịch nhưng quy mô rất nhỏ. Khi Hải Dương bùng phát dịch đợt 3 thì ông đang họp tại Hà Nội. Tại đây, ông Thăng được ông Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) gặp, bảo để Việt Á về chống dịch tại Hải Dương nên đồng ý.

Xét xử vụ án Việt Á: Các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội - ảnh 2
Các bị cáo tại toà

Ông Thăng nói hoàn toàn không có tác động gì với các cơ quan tham mưu nhưng có trao đổi lại với bị cáo Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) về việc ông Long trao đổi. Khi đó, ông Cường nói “như vậy thì tốt quá”.

Về việc bị cáo Việt được tham dự các cuộc họp Thường trực Tỉnh uỷ về phòng chống dịch, bị cáo Thăng khai, mình không nhớ ai đã tham mưu, nhưng trong bối cảnh chống dịch cấp bách, có thể mời các bên liên quan để tham khảo ý kiến. “Tôi thấy như thế là cần thiết” – ông Thăng trình bày.

Bị cáo Thăng cũng cho biết, cáo trạng truy tố bị cáo là xác đáng. Bị cáo có nhận được 1 lần vật chất từ Việt Á là khoản tiền 100.000 USD, lúc đó là sau Tết, Việt đưa. Ngoài ra, ông còn nhận được từ ông Phạm Duy Tuyến 3 lần, tổng số là 600 triệu và 50.000 USD. Số tiền nhận được, ông Thăng cho biết đã sử dụng chi tiêu cá nhân.

Tại toà, bị cáo Phạm Mạnh Cường khai: Bản thân làm theo yêu cầu của CDC Hải Dương. Lúc đầu, bị cáo không biết việc CDC ứng trước kit test của Việt Á rồi trả tiền sau. Sau này, đến đợt thanh toán thứ 2, có nhiều ý kiến thì ông mới biết việc ứng trước này cũng cần phải xem xét.

Bị cáo Phạm Mạnh Cường bị truy tố tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và nhận 7 tỷ đồng. Bị cáo cho biết, rất ăn năn hối lỗi. “Tội của bị cáo rất rõ, nhưng tội của bị cáo rất khách quan” - bị cáo nói.

Theo bị cáo Cường, lúc đó, việc chống dịch là rất cấp bách, các văn bản do ông ký là xuất phát từ chống dịch. CDC Hải Dương và Việt Á chỉ làm những ổ dịch nhỏ, lẻ tẻ. Bản thân ông cũng đã ký văn bản yêu cầu các đơn vị ngoài lực lượng y tế tham gia chống dịch.

Trong phần xét hỏi các cán bộ, nhân viên CDC Hải Dương, bị cáo Nguyễn Mạnh Cường, cựu kế toán trưởng CDC Hải Dương cho biết, đến ngày 31/8/2021, bị cáo xin nghỉ việc vì cảm thấy việc CDC lấy kit test trước, trả tiền sau là không phù hợp.

Bị cáo Cường thừa nhận đã nhận 300 triệu đồng từ bị cáo Phạm Duy Tuyến, và đã nộp lại cho cơ quan điều tra. Một số cá nhân khác được chia sẻ hoa hồng từ Việt Á cũng thừa nhận đã nhận tiền từ ông Tuyến và khắc phục hậu quả vụ án.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

Cần luật hoá khám sức khoẻ tiền hôn nhân

(PNTĐ) - Chủ đề của Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2024 là “Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, trong đó, “khám sức khỏe trước hôn nhân chuẩn bị hành trang đón thế hệ vàng” là 1 trong 5 thông điệp được đưa ra để ngành y tế và chính quyền các địa phương cùng chung tay thực hiện.
Phận người mang thai hộ

Phận người mang thai hộ

(PNTĐ) - Dù pháp luật quy định rất rõ về việc mang thai hộ nhưng nhiều phụ nữ vì hoàn cảnh khác nhau mà vẫn chấp nhận trở thành “món hàng” ngã giá để được thuê nuôi con người khác trong thân thể mình. Để rồi có những người đưa bản thân vào tình cảnh “dở khóc dở cười”.