Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi):
Đề xuất hỗ trợ 100% kinh phí BHYT cho phụ nữ thuộc hộ cận nghèo dân tộc thiểu số
(PNTĐ) - Sáng 27/11, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu tiến hành thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, trong kỳ họp thứ 6 đã có 117 ý kiến tham gia góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), gồm cả thảo luận ở tổ và hội trường, phát biểu trực tiếp và chính thức bằng văn bản.
Trong phiên thảo luận trực tiếp tại hội trường, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi và nhất trí các nội dung trong Dự thảo luật. Hồ sơ dự thảo luật được Chính phủ chuẩn bị công phu, nghiêm túc.
Việc ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ thủ đô, các Nghị quyết của Bộ Chính trị như Nghị quyết 06, Nghị quyết số 15 về định hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045, xây dựng, phát triển thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, khắc phục những tồn tại, hạn chế qua hơn 9 năm thực hành Luật Thủ đô năm 2012. Đồng thời, các đại biểu cũng bày tỏ sự quan tâm và nêu kiến nghị để hoàn thiện quy định, chính sách ở các lĩnh vực.
Trong lĩnh vực y tế, đại biểu Tráng A Dương - đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang nhắc lại quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 28 của Dự thảo luật: "Hỗ trợ đóng bảo hiểm tự nguyện 100% đối với người thuộc hộ nghèo, tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo, tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo".
Trên cơ sở đó, đại biểu Tráng A Dương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng là phụ nữ thuộc hộ cận nghèo dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% kinh phí bảo hiểm y tế, đồng thời chỉnh lý lại như sau: "Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 100% đối với người thuộc hộ nghèo, tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo, tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác; hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ dân tộc thiểu số".
"Việc bổ sung thêm đối tượng phụ nữ là hộ dân tộc thiểu số này với lý do theo thống kê hiện nay thành phố Hà Nội có hơn 1.108 người lao động là người dân tộc thiểu số với 50 thành phần dân tộc thiểu số, chiếm 1/3 dân số trên toàn thành phố. Sự chênh lệch mức sống, thu nhập giữa đồng bào dân tộc thiểu số với mặt bằng chung của thành phố Hà Nội còn một khoảng cách rất lớn" - đại biểu Dương phân tích.
Liên quan đến vấn đề phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe, đại biểu Trần Quốc Quân - đoàn ĐBQH tỉnh Long An nhận định: Luật Bảo hiểm y tế hiện hành không quy định dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y học gia đình và cấp cứu ngoài huyện thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế.
Trong khi đó, tại khoản 4 Điều 27 của dự thảo luật lại cho phép sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ bảo hiểm y tế để chi trả cho hoạt động dịch vụ này trên địa bàn thành phố là chưa bảo đảm nguyên tắc: "Mọi người dân đều được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia bảo hiểm y tế" và thụ hưởng các dịch vụ y tế, được xác định trong Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương.
"Vì vậy, tôi đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động kỹ lưỡng, lường trước những tình huống, người dân sẽ sử dụng dịch vụ này nhiều hơn với tần suất lớn hơn trong tương lai và xu thế già hóa dân số, thay đổi quy mô bây giờ bệnh tật, giá dịch vụ tăng hơn.
Đây không chỉ là vấn đề thực tiễn của riêng Hà Nội mà các vấn đề này cũng là vấn đề của các địa phương khác. Do đó, tôi cũng yêu cầu Bộ Y tế cũng nên có sự cân nhắc, xem xét để nghiên cứu, tổng kết quy định luận kết nội dung này trong Luật Bảo hiểm y tế để áp dụng chung trong cả nước" - đại biểu Quân kiến nghị.