Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Phụ nữ chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống
(PNTĐ) - Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những hủ tục hiện vẫn còn tồn tại, đặc biệt là ở vùng dân tộc thiểu số nước ta. Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 9 "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi", trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Hội LHPN của nhiều địa phương đã có cách làm rất đa dạng, hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khá cao (47 thành phần dân tộc khác nhau, chiếm 14,76% dân số toàn tỉnh), tại Nghệ An, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS tại một số địa phương là vấn đề đáng lo ngại. Theo đó, tình trạng này diễn ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái. Cá biệt, có những cặp hôn nhân cận huyết thống là người Mông, Đan Lai.
Đơn cử tại huyện Kỳ Sơn, báo cáo của UBND huyện trong 3 năm (từ 2020-2022) cho thấy: Toàn huyện có trên 516 trường hợp tảo hôn và 11 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Riêng năm 2023, có 229 trường hợp tảo hôn, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các xã, trong đó phổ biến nhất ở các xã: Mường Lống, Nậm Càn, Tây Sơn, Huồi Tụ... Sau dịp Tết Nguyên đán 2023, có 22 học sinh kết hôn, trong đó 15 em bỏ học vì lý do lấy chồng, lấy vợ.

Hay tại huyện Quỳ Châu, thống kê từ UBND huyện cho kết quả: Năm 2022 có 416 cặp kết hôn, trong đó có 17 cặp tảo hôn; quý I năm 2023, có 8 cặp tảo hôn. Tại huyện Con Cuông, từ năm 2020-2022 có 27 cặp tảo hôn. Điều đáng buồn là độ tuổi tảo hôn ngày càng “trẻ hóa” ở con số 13-14. Theo lãnh đạo các địa phương, nguyên nhân của tình trạng tảo hôn là do điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên không đủ chi phí trang trải việc học hành của con, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, thất học và kết hôn sớm.
Mặt khác, do ảnh hưởng từ những quan niệm, phong tục, tập quán lạc hậu, những hủ tục như hứa hôn của đồng bào DTTS, ở vùng sâu, vùng xa, biên giới; trình độ dân trí và nhận thức pháp luật về hôn nhân và gia đình của người ở đồng bào DTTS còn hạn chế, nhất là tư tưởng cho con có vợ, có chồng sớm để khỏi gánh nặng cha mẹ; người dân tộc Mông có tục bắt vợ, chỉ cần bước qua ngưỡng cửa nhà trai là người con gái đã mang tiếng một đời chồng; trai gái thường về ở với nhau 3 ngày mới tổ chức cưới, khi chính quyền biết thì “sự đã rồi”. Những cặp vợ chồng tảo hôn thường không đến UBND xã đăng ký kết hôn mà tự chung sống với nhau cho đến khi đủ tuổi mới đi đăng ký.
Nhận thấy thực trạng như vậy, trong khi công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại địa phương, trường học; giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản vị thành niên chưa được quan tâm đúng mức; công tác đăng ký kết hôn và quản lý hộ tịch, hộ khẩu còn gặp nhiều khó khăn; cán bộ cơ sở chưa kịp thời nắm chắc tình hình tảo hôn tại địa phương; mặt khác khó khăn do rào cản về ngôn ngữ, trình độ dân trí thấp dẫn đến hiệu quả không cao... Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và đề ra giải pháp ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Cụ thể, các cấp Hội Phụ nữ tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền lồng ghép vào nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, các mô hình, tổ chức các hội thi, hội diễn... như Hội thi “Gia đình điểm 10” tại huyện Kỳ Sơn; hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác Phòng chống tảo hôn và chỉ đạo giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên", tổ chức "Giao lưu, gặp mặt gia đình văn hóa tiêu biểu"; "Hội thi nấu ăn: Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương" tại huyện Quỳ Hợp…
Hội LHPN cũng phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường THCS, THPT đưa nội dung giáo dục giới tính và tuyên truyền sức khỏe sinh sản vị thành niên, phòng chống tảo hôn vào chương trình, nội dung giảng dạy của bộ môn Giáo dục công dân, các giờ học ngoại khóa, các buổi chào cờ đầu tuần... nhằm tuyên truyền, quán triệt về công tác phòng chống tảo hôn và sức khoẻ sinh sản tuổi vị thành niên đến toàn thể học sinh; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kết hợp giáo dục, định hướng nghề nghiệp.
Từ cách làm dễ hiểu, dễ đi vào lòng người và có tính thuyết phục cao, kết quả bước đầu cho thấy, các em học sinh và nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đã có những hiểu biết cơ bản về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cũng như quy định pháp luật của Nhà nước liên quan tới vấn đề này. Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của bản thân đối với gia đình, xã hội trong việc tuân thủ pháp luật; chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong hệ thống các trường học (THCS, THPT) trên địa bàn.
"Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống"
Không chỉ dừng lại ở tuyên truyền bằng hội thi, hội thảo, tại nhiều địa phương như Gia Lai, Đắk Lắk, Hội LHPN các cấp cũng rất tích cực phát triển các mô hình, trong đó nêu cao vai trò của phụ nữ trong công tác ngăn ngừa nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Từ 2018 tới nay, xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang, huyện Gia Lai) đã không xảy ra trường hợp tảo hôn nào. Có được kết quả này chính nhờ sự chung tay của cả hệ thống chính trị với giải pháp lấy công tác tuyên truyền làm trước tiên và phát huy vai trò của Hội LHPN bên cạnh sức ảnh hưởng của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng.
Chị Đinh H'Nơnh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đak Djrăng chia sẻ: Trước đây, chị cũng không có nhiều kiến thức về tảo hôn hay hôn nhân cận huyết. Nhưng nhờ công tác tuyên truyền của các đoàn thể, cá nhân; ở thôn cũng vận động các hộ dân ký cam kết nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhận thức của mình và nhiều người dân đã thay đổi căn bản.
Bà con hiểu ra tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội như đói nghèo, suy giảm chất lượng dân số. Rồi bản thân chị Đinh H'Nơnh cũng chứng kiến một số bạn bè đồng trang lứa quá vất vả do lấy vợ, lấy chồng sớm. Vì thế, khi lớn lên, chị quyết tâm theo đuổi con đường học vấn để có kiến thức và công việc ổn định.
Sau khi học hết bậc THPT, chị tiếp tục thi vào Trường Đại học Quy Nhơn; rồi về công tác ở Hội Chữ thập đỏ huyện, tiếp đó là Hội LHPN huyện. Chị HNơnh cho hay: "Từ thực tế tại buôn làng, mình kêu gọi các bạn trẻ cố gắng học tập, không nên lấy vợ lấy chồng sớm, tránh xa nạn tảo hôn để sau này không phải ân hận. Học trước tiên là cho bản thân mình, học để vươn lên".
Không riêng tại xã Đak Djrăng, theo báo cáo của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai, địa phương đã xây dựng, duy trì được nhiều mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia như: Mô hình “Góc tư vấn về giáo dục tiền hôn nhân và đời sống gia đình”; câu lạc bộ (CLB) “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”; CLB “Tư vấn tiền hôn nhân”; “Nâng cao chất lượng dân số một số dân tộc ít người”.
Chính quyền các cấp còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tăng cường cung cấp thông tin, vận động quần chúng nhân dân tham gia nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, đi đầu là Hội LHPN và Đoàn Thanh niên.
Tại tỉnh Đắk Lắk, mô hình CLB “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” cũng rất phát triển. Như ở huyện Ea Súp, mô hình được ra mắt từ 2018, mở đầu là Chi hội phụ nữ buôn A2. Từ khi mới thành lập CLB đã thu hút 80 hội viên tham gia. Trong các buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm CLB tuyên truyền, phổ biến đến các thành viên về Luật Hôn nhân và gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… bằng ngôn ngữ nói và các hình ảnh trực quan sinh động để hội viên dễ hiểu, dễ nắm bắt. Điều đáng mừng là từ khi triển khai mô hình đến nay, số trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống giảm hẳn, đầu năm 2022 đến nay không có trường hợp tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nào xảy ra.
Đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp thông tin: Một năm ít nhất 2 lần, cán bộ Hội LHPN huyện Ea Súp đi đến các thôn, buôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số để tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh nhân rộng mô hình, Hội LHPN huyện còn đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để mỗi hội viên là một tuyên truyền viên tích cực nhằm nâng cao nhận thức cho người dân nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức của bà con trong thôn, buôn từng bước được nâng cao.